Sự kiện hot
5 năm trước

Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình: Nhiều thay đổi sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

Sở hữu những lợi thế đặc thù cùng tư duy đổi mới và khát vọng phát triển, diện mạo huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới đã có nhiều khởi sắc.

Huyện Lạc Thủy là huyện miền núi thấp của tỉnh Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 31.358,95 km², với 15 đơn vị hành chính (13 xã, 02 thị trấn), dân số 60.380 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 58,2%, dân tộc Mường chiếm 40,75%, dân tộc khác chiếm 1,05%.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, bộ mặt nông thôn huyện Lạc Thủy đã có nhiều đổi mới tích cực. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân, xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Lạc Thủy chuyển biến rõ nét. Nhận thức của phần lớn cán bộ, người dân về xây dựng NTM thay đổi tích cực, ý thức, trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên.

  Một góc thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình
Một góc thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

Qua đó, đã phát huy nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố và ngày càng vững mạnh. Các tiêu chí xây dựng NTM các xã được cải thiện và được nâng lên, bình quân đạt 17,46 tiêu chí/xã tăng 3,08 tiêu chí so với năm 2015, tăng 11,61 tiêu chí so với năm 2011, đã có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí. Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 38,9 triệu đồng tăng 2,9 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,66%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95,5%.

Tính đến nay, Lạc Thủy đã huy động tổng kinh phí là trên 3 nghìn 400 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Từ các nguồn lực huy động, huyện đã cải tạo, nâng cấp 567 km đường giao thông nông thôn; trên 120km kênh mương nội đồng được cứng hóa, trên 56% công trình thủy lợi đạt yêu cầu. Đầu tư xây mới, sửa chữa 458 phòng học các cấp. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.

Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiếp tục phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều công trình hạ tầng KT-XH thiết yếu ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Trên địa bàn huyện không còn xã đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, trong 10 năm, toàn huyện đã huy động hiến đất, ngày công, hiện vật, tiền mặt đóng góp và chỉnh trang nhà cửa... quy đổi ra tiền được trên 738.580 triệu đồng. Trong đó, huy động 630.000 ngày công lao động lao động, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác được trên 125.000 m2 đất và đóng góp vật tư, hiện vật... quy đổi thành tiền được khoảng 70.520 triệu đồng; huy động nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, tiền chỉnh trang nhà cửa được 668.060 triệu đồng.

Điển hình, nhân dân các xã An Bình hiến gần 30.000 m2 đất, xã Lạc Long hiến 9.124 m2 làm đường giao thông nông thôn. Sau 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Huyện Lạc Thủy chung sức xây dựng Nông thôn mới” đã tạo khí thế mới, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, khích lệ nông dân trên địa bàn huyện lao động sản xuất, góp phần đưa huyện Lạc Thủy nằm trong nhóm huyện dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ số xã và số tiêu chí đạt chuẩn NTM .

Không những thế, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ đã có những bước tiến mạnh mẽ. Qua đó không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần quan trọng hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM.

Huyện đã thực hiện nâng cấp 106,41/125, 26 km, đạt 84 % đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa; 100 % đường trục thôn, xóm được cứng hóa (trong đó số km được nhựa hoá, bê tông hoá theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT: 124, 63/204, 91 km, đạt 60, 82 %); 100 % số km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa ( trong đó số km được nhựa hóa, bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT là 140,45/332,76 km, đạt 40, 42 %, số km cứng hóa khác là 94,98/332,76 km, đạt 28, 54 % ); 103,17/189, 06 km đường trục chính nội đông đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, đạt 54,57 %.

Tổng số km đường xã, đường trục thôn, xóm và đường ngõ xóm được cứng hóa tăng 317,85 km so với năm 2011, tăng 224, 45 km so với năm 2015. Toàn huyện có 10/13 xã hoàn thành tiêu chí giao thông. Số công trình thủy lợi đạt yêu cầu, chiếm 56,18 %, tăng 21, 35 % so với năm 2011, 121,7/211,5 km kênh mương nội đồng chính được cứng hóa.

Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Lạc Thủy có nhiều sông, suối, núi đồi và hang động đẹp, hấp dẫn. Huyện cũng là địa phương có nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nhất tỉnh. Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch này, đến nay, huyện Lạc Thủy đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách. Riêng trong quý I/2019, Lạc Thủy đã đón khoảng 450 nghìn lượt du khách thăm quan, tăng 12,5% so với năm 2018 và đạt 60% so với kế hoạch tỉnh giao cho cả năm 2019. Tạo được sức bật về du lịch, huyện Lạc Thủy đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh.

Để không "trễ hẹn” là huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020, huyện Lạc Thuỷ xây dựng lộ trình cụ thể, đó là duy trì 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM đến năm 2020 là 13/13 xã. Năm 2019 phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM là An Bình, Khoan Dụ. Năm 2020 có 3 xã đạt chuẩn là An Lạc, Đồng Môn, Hưng Thi; huyện đạt chuẩn NTM.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Lạc Thủy sẽ không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững các tiêu chí NTM cấp xã và cấp huyện; Hình thành các mô hình NTM kiểu mẫu, các miền quê đáng sống; Thực hiện đồng bộ, thực chất các nội dung tái cơ cấu nghành nông nghiệp. Trong giai đoạn 2020-2030, huyện Lạc Thủy đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; xây dựng xã NTM, huyện NTM; xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng NTM.

Có thể thấy, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng những nỗ lực từng ngày và sự đồng lòng của người dân, việc cán đích đạt chuẩn NTM vào năm 2020 nay sẽ không còn xa đối với huyện Lạc Thủy. 

Linh - Thiện
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: