Sự kiện hot
4 năm trước

Không để ai bị bỏ lại phía sau…

Nông dân vốn là lực lượng yếm thế của xã hội, họ cần được chia sẻ, giúp đỡ. Cuộc sống của nhiều vùng nông thôn được cải thiện đáng kể, nhưng còn đó không ít khu vực khó khăn. Doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp còn quá khiêm tốn bởi sự rủi ro, lợi nhuận thấp…

Nhìn lại năm Kỷ Hợi, thật vui bởi bức tranh kinh tế đất nước năm 2019 rất sáng: đạt nhiều thành tích vượt trội, có cả thành tựu đột phá, thành công. 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội đặt ra đều đạt và vượt qua. GDP ước đạt tăng trưởng 6,8%. Ngành du lịch tiếp tục bước tăng trưởng ấn tượng. Ngành công nghiệp “không khói” góp phần thúc đẩy GDP quốc gia, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu người lao động các địa phương, tỉnh thành nhờ dịch vụ du lịch.

Các ý tưởng, giải pháp kinh doanh sáng tạo, mạnh dạn đi trước, đón đầu, mở đường làm cho các tỉnh thành như: Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn); Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kiên Giang (Phú Quốc), Quảng Nam (Hội An), Quy Nhơn… đều đạt mức tăng trưởng du lịch vài chục %/năm.

Ngành nông nghiệp cũng gặt hái được những thành quả khích lệ nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao được khai thác triệt để. Chuyển đổi mô hình từ sản xuất đơn giản, manh mún, phân tán, tự phát sang sản xuất tập trung, liên kết chặt chẽ giữa các nhà: sản xuất, phân phối, tiêu thụ, quản lý, ngân hàng, nhà nước…; phát huy thế mạnh của từng địa phương, khắc phục điểm yếu cố hữu, nhờ đó nông dân nhiều địa phương từng bước thoát nghèo bằng chuyển đổi cây trồng từ lúa sang hoa màu - sản phẩm đặc chủng: bưởi, cam, quýt, mắc ca, chanh leo, chôm chôm, măng cụt, xoài, thanh long, sầu riêng, hoa…

Thay đổi nhận thức của lực lượng nông dân (gần 80% dân số) là cuộc cách mạng của nông thôn Việt Nam. Phương pháp thoát nghèo đa dạng, phong phú nhưng bền vững: phát huy tri thức, biết cách hòa nhập và hội nhập tương thích với xu thế thời đại và hoàn cảnh cụ thể.

Thực hiện thành công chương trình “Xây dựng Nông thôn mới” được ví như cuộc “cách mạng” đổi thay căn bản đời sống nông thôn. Cuộc sống nhiều vùng quê được công nhận danh hiệu đạt chuẩn “Nông thôn mới” khẳng định bằng chất lượng cuộc sống - vùng quê đáng sống, giữ vững bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương; tiếp cận đời sống văn minh, hiện đại. Hội nhập nhưng không hòa tan, phát triển bền vững, đổi mới mà không biến chất. Một số tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia có bước phát triển ấn tượng trong những năm qua, chiếm vị thế đáng nể trong khu vực, tạo dấu ấn uy tín, ảnh hưởng sâu sắc với quốc tế.

Là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, đa số lực lượng lao động xuất thân từ nông dân, nông thôn. Bài toán CNH, HĐH phấn đấu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại gặp không ít khó khăn. Việt Nam là nước có nguồn lao động xếp thứ 3 trong ASEAN, nhưng mới có 20% lao động qua đào tạo.

Tài nguyên tự nhiên là hữu hạn lại bị khai thác thiếu quy hoạch, bừa bãi, thất thoát trầm trọng, gây bao hệ lụy, khắc phục chậm. Tài nguyên trí tuệ là vô hạn chưa được đầu tư, chăm lo thích đáng, còn lãng phí - chảy máu chất xám. Chúng ta đang đánh mất lợi thế về tài nguyên thiên nhiên.

Nên mừng hay lo khi hầu hết các nhân vật thành danh trong giới doanh nhân Việt Nam đều đi lên từ “đất”, tức bằng buôn bán kinh doanh bất động sản. Nhiều vụ tham ô, tham nhũng được xếp loại đại án ít nhiều đều liên quan đến đất. Lợi dụng sơ hở, yếu kém trong quản lý, thiếu chặt chẽ của pháp luật, lợi ích nhóm, không ít quan chức, doanh nghiệp nhà nước cấu kết với tư nhân làm giàu bất chính bằng chiếm dụng đất công.

Cho đến nay, về cơ bản, đất vàng, đất bạc đã cạn kiệt. Tài nguyên thiên nhiên nhiều vùng bị tàn phá hoang tàn và cạn kiệt: rừng đặc dụng, tự nhiên bị triệt hạ, lấy đất làm công trình, làm vườn; chim muông, thú quý, hiếm, biển bạc bị khai thác kiểu tận diệt, ô nhiễm rác thải nhựa ở mức báo động đỏ. Suy thoái đất, thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, ô nhiễm, suy giảm nguồn nước sạch một phần do biến đổi khí hậu, phần khác không nhỏ, do con người mà lũ lụt, ô nhiễm, bệnh dịch ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống của hàng triệu người. Còn may, một số ít doanh nhân, doanh nghiệp biết làm giàu cho đất nước bằng trí tuệ, chất xám (phần mềm); sớm thích nghi với thời đại hội nhập công nghệ 4.0: Viettel, FPT, MISA, Vinamilk,…

Nông dân vốn là lực lượng yếm thế của xã hội, họ cần được chia sẻ, giúp đỡ để đổi đời. Cuộc sống của nhiều vùng nông thôn được cải thiện đáng kể, nhưng còn đó không ít khu vực khó khăn. Doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp còn quá khiêm tốn bởi sự rủi ro, lợi nhuận thấp.

Nếu thiếu định hướng, chính sách hỗ trợ từ nhà nước; thiếu sự sẻ chia của cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục có người tìm cách đi lao động chui ở nước ngoài, kiếm tiền bất hợp pháp, vi phạm pháp luật; kinh doanh bằng mọi giá, phi đạo đức: lừa đảo, đòi nợ thuê, hàng giả, bơm tạp chất vào tôm, bơm nước vào chó, chăn nuôi bằng thuốc tăng trọng, phun hóa chất vào rau, củ quả cung cấp cho thị trường…

Người tiêu dùng chân chính, trong đó có nông dân chịu thiệt thòi nhất. Một bộ phận trong số họ vừa là “tội đồ”, vừa là nạn nhân. Người dân (phần lớn là nông dân) mất ruộng đất, không có nghề, việc làm vì sự thao túng của kẻ buôn bán đất: chuyển đổi mục đích sai quy định; xây dựng công trình trái phép, không tuân thủ pháp luật, thiết kế... gây hậu quả, uy hiếp tính mạng người dân (sạt lở núi đồi, cạn kiệt nguồn nước, sa mạc hóa đất trồng). Ô nhiễm môi trường sống cả đô thị và nông thôn đã báo động: li hương, tha phương kiếm sống đang hiện hữu; quá tải, ngột ngạt cuộc sống nơi đô thị diễn ra mỗi ngày.

Nguy cơ rủi ro cuộc sống thời công nghiệp, hội nhập đang đe dọa cuộc sống người dân ở các vùng, miền khác nhau về mức độ, tính chất, loại hình… nhưng điểm chung nhất là chất lượng sống, môi trường sống đang bị đe dọa, suy giảm nếu không được can thiệp kịp thời, khoa học với quyết tâm cao. Con người vẫn là nguyên nhân chính. Con người đang làm tổn hại mình!

Chừng nào tư tưởng “lợi ích nhóm”, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, lối sống thực dụng, vật chất, ích kỷ, thượng bất chính, bất chấp pháp luật, đạo lý còn tồn tại, nhóm người đó kết lại với nhau ngày càng đông thách thức pháp luật, công lý thì xã hội khó phát triển bền vững. Đạo đức xã hội xuống cấp gây nguy cơ bất ổn an ninh, an toàn xã hội. Nếu không có sự chung tay góp sức, đồng cam cộng khổ, đề cao ý thức mình vì mọi người, mọi người vì mình thì chẳng có giải pháp nào khả thi.

Hẳn sẽ còn ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều khi đánh giá những yếu kém của xã hội Việt Nam. Nhưng hai lĩnh vực liên quan đến con người phải luôn được quan tâm đặc biệt là giáo dục và y tế - sức khỏe và trí tuệ.

Để có một xã hội khỏe, lành mạnh về thể chất và tinh thần, đạo đức và trí tuệ nhất định bằng mọi giá phải đầu tư chiến lược, bài bản để xoay chuyển căn bản về chất hai lĩnh vực trên. Chăm lo sự nghiệp trồng Người, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng xã hội tốt sẽ có được những người đủ đức, trí, tài để đưa dân tộc, đất nước đi đến hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm Châu.

Chuột là con vật thông minh. Người tuổi chuột cũng vậy. Cầu chúc năm Canh Tý, sự thông minh, sáng tạo của mọi người, mọi nhà, đất nước ta sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn năm Kỷ Hợi.

Nhanh như Chuột cũng là tín hiệu tích cực nhưng đừng “dục tốc bất đạt” như lời khuyên của người xưa. Muốn vậy, phải biết nhìn lại mạnh, yếu, thành bại, xấu tốt của năm qua để gạn đục khơi trong, biến nguy thành an, đại sự thành tiểu sự, chớp thời cơ, tận dụng lợi thế, sáng tạo, đưa đất nước đi lên trong năm 2020, năm bản lề của dân tộc trong thế kỷ 21.

“Không để ai bị ở lại phía sau” là mệnh lệnh của cuộc sống, là mục tiêu chiến lược, quyết tâm chính trị của Đảng và Chính phủ ta!

Văn Hùng
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: