Sự kiện hot
10 năm trước

Không để người có công ở nhà kém chất lượng

Ngày 4/8, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn đầu đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có buổi làm việc tại Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH 13, về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Về phía Bộ Xây dựng làm việc với đoàn có Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.

Hơn 70 nghìn hộ cần hỗ trợ nhà ở

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Thông tư và nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tại các địa phương, cập nhật tình hình, báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Theo số liệu báo cáo của 53/63 tỉnh, thành phố, tổng số hộ có công cần hỗ trợ nhà ở là 72.153 hộ (bao gồm 71.247 hộ theo tổng hợp năm 2012, cộng thêm 906 hộ của tỉnh Long An mới bổ sung năm 2014). Trong đó, số hộ cần xây dựng mới nhà ở là 50.415 hộ, số hộ cần sửa chữa, cải tạo nhà ở là 21.738 hộ; tổng số tiền cần thực hiện hỗ trợ là 2.451 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 2.232 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 219 tỷ đồng).

Điều đáng nói, qua thống kê, Bộ Xây dựng nhận thấy, số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở mà các địa phương đã báo cáo, theo Đề án được phê duyệt và sau khi rà soát trong cả nước, đã tăng khoảng 4,6 lần so với số lượng mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đến nay, có 51/53 địa phương đã được Bộ Tài chính tạm ứng 50% phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Còn theo thống kê sơ bộ, đến hết tháng 7/2014, trên cả nước đã có 29.557 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ, đạt tỷ lệ 41%; có 5.728 hộ đang triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 7,9%. Còn lại, 26 tỉnh, thành phố chưa có hộ nào được hoàn thành việc hỗ trợ do lập, phê duyệt Đề án chậm so với yêu cầu; 10 địa phương mới được cấp kinh phí hỗ trợ từ tháng 5/2014 và 5 địa phương đang triển khai thực hiện.

Qua tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và việc kiểm tra tại một số địa phương cho thấy, để triển khai nhanh chính sách hỗ trợ nhà ở, có tỉnh đã ứng trước ngân sách của địa phương để hỗ trợ cho số hộ gia đình mà tỉnh đã báo cáo Đoàn giám sát năm 2012 (Thái Bình với 2.450 hộ, Quảng Nam với 7.107 hộ, Lâm Đồng với 284 hộ... ). Còn lại hầu hết các tỉnh chỉ thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở trong số 50% số kinh phí mà Bộ Tài chính đã cấp; nhiều tỉnh mặc dù chưa được cấp đủ kinh phí, nhưng do nhà ở của người có công bị xuống cấp, hư hỏng, cần xây dựng lại hoặc có nhiều hộ gia đình đã xây dựng lại nhà ở mới cho hợp với tuổi làm nhà nên đã tự bỏ kinh phí trước để làm nhà.

Kéo dài thời gian hỗ trợ nhà ở

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, qua quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, Bộ Xây dựng nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc như: một số địa phương chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đến cấp huyện và xã nên việc thống kê, rà soát đối tượng, điều kiện được hỗ trợ và việc thực hiện hỗ trợ còn lúng túng, nhất là các trường hợp hỗ trợ sửa chữa nhà ở; do ngân sách chưa cấp đủ vốn theo quy định nên hầu hết các địa phương đều thực hiện chậm so với yêu cầu; việc phân bổ vốn có nơi không thống nhất, nhiều trường hợp huyện có nhiều hộ được hỗ trợ thì chỉ được phân bổ vốn ít và ngược lại. Từ đó dẫn đến việc phân bổ vốn dàn trải, có nơi thực hiện phân bổ đủ vốn được hỗ trợ cho các hộ, có nơi chỉ phân bổ ½ số vốn được hỗ trợ, số còn lại các hộ gia đình phải ứng trước kinh phí...

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg trong 4 năm (từ năm 2015 đến năm 2018) và tiếp tục những năm sau đó theo hướng giảm dần, để hỗ trợ nhà ở cho số lượng người có công với cách mạng. Tuy nhiên, để bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng điều kiện thì yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, thống kê chính xác đối tượng và điều kiện nhà ở thuộc diện được hỗ trợ. Trong quý 3/2014 phải có báo cáo số liệu đầy đủ để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có phương án xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính cấp số kinh phí hỗ trợ được Chính phủ bổ sung năm 2014 (khoảng 800 tỷ đồng) để các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm 2014, và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung một phần số hộ người có công, của 10 địa phương chưa báo cáo Đoàn giám sát năm 2012, được thực hiện hỗ trợ trong năm 2014. Dự kiến, tổng số hộ người có công được hỗ trợ khoảng 80.000 hộ, thay vì 72.000 hộ như đã báo cáo.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đoàn giám sát quan tâm, như về tiêu chí hỗ trợ, số hộ cần hỗ trợ phát sinh lớn thì giải quyết như thế nào, cần thiết ưu tiên đối với một số gia đình, vùng miền đặc biệt khó khăn, đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế... Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, cần rà soát lại số lượng các hộ cần hỗ trợ, nhất thiết không để người có công ở trong những ngôi nhà không đảm bảo chất lượng. Trước mắt, trong năm 2014-2015, các địa phương hoàn thành chương trình hỗ trợ hơn 70 nghìn hộ, sau năm 2018 vẫn tiếp tục rà soát để hỗ trợ.

Tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai đánh giá cao báo cáo và hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công của Bộ Xây dựng, đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tiếp tục quan tâm đến hiệu quả thực hiện chương trình, đảm bảo chính sách nhà ở cho người có công được quan tâm đầy đủ, phù hợp với khả năng và cuộc sống của người có công, trong đó cân nhắc tham khảo kinh nghiệm từ chương trình nhà ở cho người nghèo (chương trình 167).

Vân Anh - Thiên Trường
theo Xây dựng

Từ khóa: