Sự kiện hot
12 năm trước

Kon Tum-chiến địa vàng: Theo dấu chân vàng tặc

Huyện Đăk Glei được coi là “tâm chấn” của chiến địa vàng. Chúng tôi đã thâm nhập vào hàng chục điểm nóng tại địa phương này để ghi lại một bức tranh toàn cảnh...

Huyện Đăk Glei được coi là “tâm chấn” của chiến địa vàng. Chúng tôi đã thâm nhập vào hàng chục điểm nóng tại địa phương này để ghi lại một bức tranh toàn cảnh...

Vào tâm chiến địa

Từ tin báo của người dân, UBND huyện Đăk Glei quyết định thành lập đoàn truy quyét, xuyên rừng truy tìm vàng tặc. Gần 30 người với nước uống, mì tôm cùng những trang thiết bị cần thiết cho một ngày leo rừng bắt đầu xuất phát từ xã Đăk Môn.

Một trong các điểm nóng được coi là “tâm chấn” của vàng tặc.

Xuyên qua 2 ngọn đồi, đoàn người buộc phải xuống xe để tiếp tục lội bộ. Để đảm bảo an toàn và mọi người đều đủ sức vào rừng, ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng đoàn, chỉ đạo nhanh: “Mỗi người tự mang 2 gói mì, 2 chai nước, chỉ mang theo những thứ cần thiết; đi vừa phải, không được nghỉ dọc đường quá lâu để tránh chùn chân; tuyệt đối không dùng nước suối”…

Theo người dân trong xã, vàng tặc di chuyển bằng ngựa nên đoàn người cứ lần theo dấu chân ngựa mà đi. Trước mặt chúng tôi, rừng bắt đầu âm u, dưới chân bùn đất nhọp nhẹp, trơn trợt. Vượt qua con dốc dựng đứng đầu tiên thì trời đã quá trưa, đoàn người ai nấy đều thở dốc, rã rời, đầm đìa mồ hôi.

Nhưng để không bị chùn chân trước 2 lần dốc như thế nữa, chúng tôi buộc phải tiếp tục đi sau vài phút đứng thở. Cũng như lúc lên, con dốc xuống phía trước gần như vuông góc với mặt đất. Nếu không cẩn thận để trượt chân là có thể lăn xuống tận chân đồi. Vượt hết lần dốc thứ hai thì chẳng ai còn muốn “mở miệng” nữa. Cứ thế, đoàn người lặng lẽ đi, nghỉ …

Càng vào sâu, rừng càng ẩm thấp. Dù đã quá mệt, nhưng để tránh bị vắt bám theo, chúng tôi buộc phải nhanh chân hơn. Cuối cùng, sau hơn 4 giờ len lỏi giữa rừng sâu, dấu vết vàng tặc cũng lộ rõ ràng. Lúc này, trưởng đoàn cho mọi người nghỉ ngơi ăn uống để chuẩn bị “tấn công” vào “thủ phủ” của vàng tặc. Nhai vội mấy miếng mì khô, uống xong những giọt nước cuối cùng thì trời đã xế chiều.

Và bỗng dưng tôi thấy sợ khi trong đầu lóe lên ý nghĩ: Có khi nào bị vàng tặc tấn công? Dù có lực lượng công an hỗ trợ nhưng chúng tôi ai nấy đều rã rời cộng với những bất lợi lúc ấy, nếu bị tấn công thì quả thật khó mà chống đỡ…

Lô cốt giữa rừng sâu

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm thấy “lãnh địa” của vàng tặc- một đại công trường đúng nghĩa, một lô cốt thực sự- nằm giữa tiểu khu rừng nguyên sinh 137 và có thể nói rất an toàn bởi sự che chắn của rừng.

Từ chân đồi chạy lên đỉnh núi, theo một khe nước nhỏ, có gần chục hố nước đắp bậc thang được kè vững chắc bằng hàng trăm bao đất. Men theo các hố là một hệ thống ống dẫn chằng chịt; phía trên không có hai sợi dây cáp được căng thẳng cứng treo hai chiếc ròng rọc động. Đường lên đỉnh đồi được giật tâng cấp vừa một bước chân người.

Ngay dưới chân đồi, một lán trại khá rộng rãi với bừa bộn các vật dụng nấu ăn, chén bát. Cách đó chừng vài mét là một chuồng ngựa đủ chỗ cho khoảng 20 con ngựa nghỉ ngơi. Dọc trên đường lên đồi có thêm 5 lán trại nữa cũng khá rộng rãi có thể chứa đến vài chục người. Ở đấy bừa bộn áo quần, chăn màn cùng nhiều vật dụng cá nhân khác.

“Địa đạo” của vàng tặc nằm ở lưng chừng đồi. Trên ấy, có đến ba đường hầm xuyên ngang núi. Một trong những đường hầm này, bị bịt lối, bên cửa đất lở lởm chởm như đã bị sập. Ở các hầm còn lại, sau khi đi thẳng vào chừng vài chục mét, đường bắt đầu rẽ ra các bên rồi đâm thẳng xuống tạo thành những chiếc giếng vuông hun hút dưới lòng đất.

Ngay dưới chân đồi, nơi chúng tôi vừa dừng chân, là một con suối nhỏ. Ở đấy, một lán trại bằng gỗ tạm bợ được dựng lên tự bao giờ. Dưới lòng suối có một ống dẫn nước kéo lên đồi. Theo ống dẫn nước này, chúng tôi một lần nữa lên đồi rồi xuống dốc. Dọc đường lên đồi, dấu tích của vàng tặc càng rõ ràng với hàng chục hố “thăm dò” sâu lút đầu người rộng hàng chục mét vuông.

Trong hầm hệ thống điện chiếu sáng được lắp đặt bài bản với đầy đủ cầu dao, cầu chì, công tắc… Tất cả các đường hầm được gia cố bởi gỗ rừng khá chắc chắn… Hiện trường cho thấy, đất đá sau khi đào trong hầm ra sẽ được chuyển xuống các hố nước bằng hệ thống ròng rọc để xay, đãi…

Sau gần một giờ tìm kiếm, mục đích chính của chuyến truy quét vẫn chưa hoàn thành. Tất cả dấu vết hãy còn mới tinh và hiện trường cho thấy nhóm người này khá đông, được trang bị rất nhiều máy móc và chưa thể di chuyển đi xa. Thế nhưng những gì đoàn truy quét tìm thấy gần như vô giá trị.

Cuối cùng ông Lộc quyết định cho người “khám phá” chiếc hầm sập. Quả nhiên đây là một hầm vàng đang khai thác được ngụy trang để giấu máy móc. Hàng ngàn mét dây điện loại tốt, hàng trăm mét ống nhựa, dây cuaroa; gần chục chiếc máy nổ, máy hàn điện, máy thổi gió, máy khoan, máy cắt; hàng trăm lít dầu cùng vô số những dụng cụ cơ khí được lôi ra.

Ngoài ra còn phát hiện 5 lít cyanua, một loại hóa chất cực độc mà theo thượng tá Nguyễn Văn Úy- Phó Trưởng Công an huyện Đăk Glei: “Đủ giết cả huyện Đăk Glei”.

Kỳ 2: Phía sau những tấm bình phong

Duy Hậu - Quốc Dinh
theo Dân Việt

Từ khóa: