Sự kiện hot
10 năm trước

Lào Cai cấm tuyệt đối xuất nhập khẩu gia cầm qua biên giới

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, ngày 22/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị bàn biện pháp tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1 và phòng, chống cúm A/H7N9 xâm nhập vào nội địa.


ểm tra các phương tiện qua chốt kiểm dịch động vật huyện Sa Pa (Lào Cai). (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Tại hội nghị, giải pháp tối ưu được đưa ra là việc siết chặt kiểm tra theo hình thức "nội bất xuất, ngoại bất nhập," tức là quản lý chặt chẽ việc lưu thông gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vào nội địa và không giấu dịch, vận chuyển gia cầm vùng dịch ra khỏi địa bàn để dịch lây lan, khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch, nhất là dịch cúm A/H7N9 đã xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân không chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang trước những thông tin về dịch bệnh, phải tạm thời áp dụng biện pháp "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để phòng, chống dịch cúm A/H7N9.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tích cực, kiên quyết trong công tác kiểm soát, xử lý vận chuyển lưu thông, buôn bán gia cầm nhập lậu.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm qua biên giới, phát hiện và xử lý nghiêm, quản lý chặt chẽ gia cầm tại các chợ biên giới; tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch; 14 đường mòn, lối mở bất hợp pháp dọc tuyến biên giới phải được rào chốt lại ngay; quản lý việc vận chuyển gia cầm trên các phương tiện giao thông; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hoàn thiện 4 phương án phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm lây sang người; chủ động về cơ chế thuốc, nguồn tài chính phục vụ công tác phòng chống dịch.

Từ ngày 10 đến 22/2, tại Lào Cai, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đã xảy ra ở 24 hộ chăn nuôi, thuộc 8 thôn của 3 xã: Thái Niên, Xuân Giao, Sơn Hải và thị trấn Phố Lu của huyện Bảo Thắng, làm 10.600 con gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy, tăng thêm 3 thôn có dịch và hơn 4.000 con gia cầm bị tiêu hủy kể từ sau thời điểm công bố dịch ngày 14/2.

Đến ngày 22/2, toàn tỉnh đã cấp phát 14.240 lít hoá chất tiêu độc, khử trùng, tổ chức phun tiêu độc, khử trùng ở vùng dịch; thành lập 18 chốt kiểm dịch tạm thời và tổ cơ động để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm ra, vào vùng dịch.

Từ ngày 18/2 đến nay, các chốt kiểm dịch, cơ động đã bắt giữ, xử lý và tiêu huỷ gần 1.400kg gà, hơn 400 con gà thịt và ngan, ngỗng giống, 5.400 quả trứng…

theo TTXVN

Từ khóa: