Sự kiện hot
5 năm trước

Lào Cai: Nâng cấp tỉnh lộ, nguy cơ vỡ đập thủy điện Tà Thàng

Mặc dù cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương có văn bản khẳng định phương án xây dựng tuyến đường giao thông Bản Dền - Thanh Phú nằm trong phạm vi không được xâm phạm của công trình thủy điện Tà Thàng nhưng UBND tỉnh Lào Cai thực hiện cưỡng chế thi công, khiến thủy điện Tà Thàng đứng trước nguy cơ vỡ đập.

Thủy điện Tà Thàng hiện đang hoạt động ổn định, hiệu quả nhưng có nguy cơ vỡ đập, sập hầm, phá hủy hạ du nếu UBND tỉnh Lào Cai làm đường đi qua

Nhà máy thủy điện Tà Thàng (Công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai làm chủ đầu tư) có công suất 60MW, thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng. Nhà máy đã hoàn thành và vận hành phát điện vào tháng 10/2013, hiện nay đang vận hành, khai thác ổn định, an toàn, hiệu quả.

Trong khi đó, dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 152 có tổng chiều dài 50 km, thi công từ cuối năm 2012 và đến năm 2016 đã hoàn thành 49,6km. Trong quá trình thi công do đoạn đường có 400m đi qua vai phải đập và cửa hầm nhận nước Nhà máy thủy điện Tà Thàng nên từ tháng 6/2014, đơn vị thi công đã phải thi công cách đoạn do chưa đàm phán được với Công ty cổ phần Điện Vietracimex Lào Cai.

Trước sự vướng mắc này, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã mời Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) nghiên cứu thêm 2 phương án tuyến. “Theo đó, phương án thứ nhất là làm hầm (cách phạm vi đập 50m, tổng chiều dài đoạn tuyến là 683m; trong đó, phần hầm chính dài 250m, kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng);

Phương án thứ 2 là làm cầu cạn (cách phạm vi hầm 51m, tổng chiều dài đoạn tuyến là 1.228m; trong đó, chiều dài cầu chính là 813m, tổng mức đầu tư là 350 tỷ đồng). Hai phương án này cơ bản đảm bảo an toàn cho đập, tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi mật độ giao thông chưa cao và nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên việc triển khai không khả thi”.

Lúc này, tỉnh Lào Cai lại tính toán đến lòng đường, đường ống áp lực dưới lòng đường. Chưa hiểu những tính toán này dựa vào các tài liệu nghiên cứu khoa học và thực tiễn nào, song giải pháp được tỉnh Lào Cai đưa ra là không đào mở rộng nền đường cũ, mà chỉ sửa tạo phẳng sau đó đổ bê tông xi măng để người dân đi lại, thì liệu UBND tỉnh Lào Cai có đảm bảo giao thông thuận tiện an toàn cho nhân dân và sự an nguy của đập thủy điện Tà Thàng?

Theo chủ đầu tư, hiện nay Thủy điện Tà Thàng hiện đang hoạt động ổn định, hiệu quả nhưng có nguy cơ vỡ đập, sập hầm, phá hủy hạ du nếu UBND tỉnh Lào Cai bất chấp làm đường đi qua

Tuân thủ ý kiến của Bộ Công Thương, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và lo ngại đến sự an toàn của đập cũng như đường ống áp lực đặt dưới nền đường nên Công ty cổ phần điện Vietracimex Lào Cai đã không đồng thuận với phương án mới mà tỉnh Lào Cai đưa ra.

Tuy nhiên, trong khi chưa có giải pháp nào hữu hiệu, đến ngày 13/3/2019 các cơ quan được chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành cưỡng chế thi công.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc tỉnh Lào Cai tổ chức thi công đoạn đường này có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ an toàn đập, cụ thể như: Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quy định tại mục a, khoản 3, Điều 25); Luật Xây dựng (quy định tại khoản 1, Điều 10), Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 của Bộ Công thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/12/2014, Bộ Công Thương có văn bản số 12913/BCT-ATMT khẳng định: Phương án xây dựng tuyến đường giao thông Bản Dền - Thanh Phú nằm trong phạm vi không được xâm phạm của công trình thủy điện Tà Thàng, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai nghiên cứu phương án khác.

Điều 40 Luật Thủy lợi 2017, quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã nêu rõ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Trong phạm vi bảo vệ công trình, các hoạt động phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình; phải có đường quản lý, mặt bằng để bảo trì và xử lý khi công trình xảy ra sự cố.

Vùng phụ cận của hồ chứa nước bao gồm vùng phụ cận của đập và vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước được quy định như sau: Vùng phụ cận của đập có phạm vi được tính từ chân đập trở ra. Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 300 m; đập cấp I tối thiểu là 200 m; đập cấp II tối thiểu là 100 m; đập cấp III tối thiểu là 50 m; đập cấp IV tối thiểu là 20 m.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!

Công Minh

Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: