Sự kiện hot
12 năm trước

Lợn hơi, gà lông rẻ bèo giá thịt vẫn cao vút

Theo các chuyên gia, đây là nhóm thực phẩm mà các thương lái, tiểu thương đang “ăn” đậm nhất do họ cùng liên kết để “ép” giá với người chăn nuôi và “chặt chém” người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, đây là nhóm thực phẩm mà các thương lái, tiểu thương đang “ăn” đậm nhất do họ cùng liên kết để “ép” giá với người chăn nuôi và “chặt chém” người tiêu dùng.

Mua thấp vẫn “hét” giá bán cao

Qua tìm hiểu thực tế tại một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá xuất chuồng quá thấp so với giá thực phẩm thành phẩm bán cho người tiêu dùng.

Tại trang trại chăn nuôi của gia đình anh Chu Văn Bình (xã Nhân Hoà, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) hỏi về giá lợn xuất chuồng, anh Bình cho biết: “Giá lợn hơi vẫn rất thấp, mới đây lại tiếp tục giảm xuống còn 42.000 – 48.000 đồng/kg tùy loại (tùy theo từng giống lợn). Tôi chán chẳng muốn nuôi, lãi thấp trong khi rủi ro lại quá cao. Dịch bệnh luôn đe dọa. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục 3-4 lần, mỗi lần tăng thêm từ 500-650 đồng/kg. Giá con giống, thuốc thú y và các chi phí khác cũng tăng. Chăn nuôi vất vả nhưng chúng tôi chỉ lấy công làm lãi”.

Ông Bùi Văn Đông (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng cho biết: “Thương lái đi thu mua lợn ép giá chúng tôi hết mức có thể, trong khi giá bán lợn thịt rất cao. Lợn hơi chỉ 45.000- 48.000 đồng/kg, trong khi thịt lợn sấn nói chung là 85.000-100.000 đồng/kg. Tôi lấy ví dụ thế này, thương lái mua một con lợn 50kg với mức giá cao nhất là 48.000 đồng (50 x 50 = 2.400.000 đồng), sau khi giết thịt còn 35kg thịt x giá bán (85.000 đồng/kg)= 2.975.000 đồng, chưa kể bộ lòng được bán sỉ với mức 500.000 đồng/kg. Tính ra, một ngày chỉ cần tiểu thương bán một con lợn đã lãi tới gần 1 triệu đồng/con. Trong khi chúng tôi chăn nuôi hàng nửa năm trời chưa chắc đã lãi được 300.000 đồng/con”.

Theo ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá đầu vào tăng cao: con giống tăng 15- 20%; thức ăn chăn nuôi tăng 20%; thuốc thú y cũng tăng trong khi giá lợn hơi, giá gà xuất chuồng gần như không đổi, thậm chí giảm. Thế nhưng khi đi mua thịt than giá cao thì những người bán thịt lại kêu trời rằng đã mua thịt đến 70.000 đồng/kg lợn hơi, còn gà ta thì 75.000 đồng/kg. Nói rõ giá xuất chuồng thì họ đều im lặng.

Chăn nuôi thuận lợi, người dân lại lo bị tiểu thương ép giá.


Đến một số trại gà sự thiệt thòi của người chăn nuôi cũng rất lớn. Chị Nguyễn Thị Nga, thôn La Dán, xã Cổ Đông, Sơn Tây than thở: “Không chăn nuôi thì cũng không biết làm gì. Nhất là gia đình đã đầu tư chuồng trại thì biết thiệt nhiều vẫn phải theo. Giá gà xuất chuồng thì rẻ nhưng giá thịt gà bán tại chợ vẫn quá đắt. Buồn là phần chênh lớn ấy chúng tôi lại không được nhận, nhất là trứng bị ép giá nhất vì người nhập sỉ luôn miệng với bài ca là còn tồn nhiều, đây là hàng bình ổn giá”.

Người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao vô lý

Theo ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội, nông dân thường không tự mang sản phẩm của mình đi bán, mà thông qua thương lái. Lực lượng thương lái liên kết khống chế giá ở từng khu vực chăn nuôi để mua với giá rẻ nhưng bán ra với giá cao khiến cho người chăn nuôi và người tiêu dùng đều thiệt.

Khi hỏi ý kiến của một số chủ trại chăn nuôi về cách hạn chế tiểu thương ép giá, các chủ trại đều cho rằng phải liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước đứng ra làm trọng tài, nếu không vẫn xảy ra tình trạng thương lái "ép" giá của tiểu thương gây thiệt cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Các chuyên gia được hỏi cũng cùng chung nhận định rằng, người chăn nuôi đang phải chịu hai lần khổ, lãi sản xuất giảm, trong khi phải chịu chi phí đầu vào và tiêu dùng giá cao. Ngoài sự nỗ lực của mỗi người nông dân trong việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, các cấp, các ngành có liên quan cần có những hình thức hỗ trợ nông dân giảm chi phí đầu vào như bình ổn giá thức ăn chăn nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người chăn nuôi. Đồng thời, có biện pháp quản lý hợp lý để người chăn nuôi không thiệt và người tiêu dùng không bị tiêu dùng với giá cao.

Theo GiadinhNet

Từ khóa: