Sự kiện hot
12 năm trước

Lương chưa tăng, chủ nhà đã “đòi” tăng tiền nhà

Mới có thông tin tháng 5 bắt đầu tăng lương nhưng các chủ nhà trọ đã chớp lấy cơ hội và “đòi” tăng tiền nhà trọ ngay từ tháng 3.

Mới có thông tin tháng 5 bắt đầu tăng lương nhưng các chủ nhà trọ đã chớp  lấy cơ hội và “đòi” tăng tiền nhà trọ ngay từ tháng 3.

“Khổ” vì điệp khúc tăng giá

Với mức thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng, chị Hà (ngõ 370, Cổ Nhuế) không khỏi lo lắng khi căn phòng 10m2 mà chị thuê lại tăng thêm 50.000 đồng/tháng và lên tới 700.000 đồng/tháng. Không chỉ tăng tiền phòng, chủ nhà trọ ở đây lại tiếp tục thông báo tháng tới tiền điện, nước đều đồng loạt tăng theo do tháng 5 nhà nước bắt đầu tăng lương.

Nhiều phòng trọ chật hẹp nhưng giá tiền vẫn “nhảy” liên tục trong thời bão giá

Trước đó 1 tháng, chủ nhà mà Cường thuê (ngõ 123, Xuân Thủy) đã tăng giá tiền phòng lên 1,6 triệu đồng/phòng chưa kể điện nước. Biết là điệp khúc tăng giá phòng sẽ “ăn theo” nhưng Cường vẫn không khỏi bất ngờ.

Cường bức xúc: “Hàng tháng cộng tiền bố mẹ gửi và làm thêm em cũng được gần 3 triệu/tháng, nhưng với mức giá tăng mạnh như thế này chắc em phải chuyển về các vùng ngoại thành ở”.

Oái ăm hơn, một chủ nhà tại Định Công không chỉ tăng tiền phòng trọ, mà các dịch vụ vệ sinh, trông xe cũng tăng theo. Bình thường, giá các dịch vụ vệ sinh là 10.000 đồng/tháng, trông xe máy 50.000/tháng, 20.000 đối với xe đạp. Nhưng nghe ngóng lương sẽ tăng, chủ nhà ngay lập tức tăng lên 15.000 đồng/vệ sinh, 70.000 đồng/xe máy, 40.000 đồng/xe đạp.

Hòa, sống tại xóm trọ này đành ngậm ngùi với điệp khúc tăng giá của chủ nhà: “Mặc dù tăng tiền nhưng ở đây an ninh tốt, hàng tháng thu nhập của mình cũng không cao, nên có cái xe máy là quý nhất, chuyển ra ngoài sợ lại bị mất nên đành chịu mất thêm tiền vậy”.

Với những người thu nhập cao, việc tăng từ vài trăm nghìn/tháng sẽ không ảnh hưởng gì đến đời sống của họ, nhưng với sinh viên, những người lao động thu nhập thấp thì không biết cuộc sống của họ sẽ tiếp tục ra sao khi mà mọi thứ đều tăng giá trong khi đồng lương vẫn ít ỏi.

Không ở thì đi!

Đối với mỗi chủ nhà luôn tìm ra các cớ để họ có thể tăng giá một cách hợp lý mà không sợ người ở trọ kêu ca.

Hà (ngõ 370, Cổ Nhuế) chua chát: “Cách đây hai năm giá phòng tôi đang ở là 300.000 đồng/tháng. Nay đã tăng lên 700.000 đồng/tháng, nếu thêm người về ở thì sẽ tăng thêm 100.000 đồng/người. Có thắc mắc với chủ nhà, thì chủ nhà chỉ thủng thẳng, không muốn ở thì chuyển chỗ khác”.

Hà cho biết, ngày trước mỗi lần chủ nhà tăng giá đều đắn đo vì nếu tăng quá thì người ở trọ sẽ tìm những chỗ rẻ hợp lý hơn. Vì thời bấy giờ rất nhiều phòng đẹp mà rẻ, nhưng bây giờ hầu hết các phòng ở trọ đều giá tương đương nhau và cũng đồng loạt tăng như nhau. Vì vậy mà việc tăng giá nhà chỉ “khổ” người ở trọ, nhiều khi đành miễn cưỡng ở lại dù không muốn lắm.

Khác với Hà, Tùng (Học viện Báo chí &Tuyên truyền) bức xúc với chủ và quyết định chuyển phòng. Xóm trọ của Tùng cách nhà chủ khoảng vài trăm mét, căn phòng không được rộng lắm lại thiếu ánh sáng, ẩm ướt, nhất là những hôm trời nồm quần áo phơi cả tuần cũng không khô. Vậy mà, cứ có dịp tăng giá điện hay tăng lương là chủ nhà mặt lạnh tanh, sang thông báo tăng tiền nhà.

Tùng cho hay, rất nhiều sinh viên trọ ở đây bức xúc nhưng chủ nhà chỉ nói, giá phòng hiện tại là quá thấp so với các xóm khác, họ tăng từ vài tuần trước, bây giờ mới tăng là còn muộn, nếu ai không ở được thì có thể dọn đi chỗ khác. Người ở trọ đành “cứng họng” với câu cuối của chủ nhà. Mặc dù vẫn biết căn phòng nhỏ hẹp 7m2 với giá 1,2 triệu đồng/tháng thì là quá phi lý.

Giải pháp tiết kiệm ăn uống, điện, nước, đi lại, về nhà người thân ở… là một trong rất nhiều cách mà sinh viên đối phó với thời bão giá và sự vô tâm từ những chủ nhà. Người ở trọ đến bao giờ mới hết cảnh phải lo nơm nớp mỗi khi giá cả leo thang chủ nhà lại bắt đóng thêm tiền ở trọ?

Tuệ Chi
Theo Lao dong

Từ khóa: