Sự kiện hot
11 năm trước

Lý do Kim Jong Un cử đặc phái viên tới Trung Quốc

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 22/5, Triều Tiên đã phái Phó Nguyên soái Choe Ryong-Hae - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Triều Tiên - tới Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 22/5, Triều Tiên đã phái Phó Nguyên soái Choe Ryong-Hae - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Triều Tiên - tới Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Động thái này diễn ra trùng với thời điểm mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và các đồng minh ở Bắc Kinh tương đối căng thẳng.

Ông Choe Ryong-Hae được cho là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đến thăm Trung Quốc kể từ chuyến thăm Trung Quốc của cố lãnh đạo Kim Jong-Il vào tháng 8/2011. Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong Un chưa từng đến thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của cha ông ta vào tháng 12/2011.


Phó Nguyên soái Choe Ryong-Hae (giữa) được cử tới Trung Quốc. Nguồn: ANP

Theo các hãng tin AFP và AP, chuyến thăm diễn ra tại một thời điểm nhạy cảm của mối quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc. Mối quan hệ này đã bị thử thách mạnh mẽ trong những tháng gần đây, khi Bình Nhưỡng tỏ ra phớt lờ những lời cảnh báo của Bắc Kinh về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Trung Quốc lâu nay vẫn là đồng minh lớn duy nhất của nước Triều Tiên nghèo đói và bị cô lập. Bắc Kinh cũng là nhà viện trợ kinh tế chính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh gần đây đã tỏ ra thất vọng về cách hành xử của Triều Tiên và đã cởi mở hơn trong việc hợp tác với Washington nhằm trừng phạt Triều Tiên về các tham vọng hạt nhân của nước này.

Cụ thể, Bắc Kinh đã ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng 12/2012 và vụ thử hạt nhân hồi tháng 2/2013.

Các biện pháp trừng phạt này đã khiến tình trạng căng thẳng quân sự leo thang nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên, khiến Trung Quốc phải chịu sức ép mạnh mẽ từ Mỹ yêu cầu nước này kiềm chế đồng minh ngang ngạnh của mình trong bối cảnh Triều Tiên đe dọa tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc.

Ngoài việc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, Bắc Kinh còn siết chặt các hoạt động tài chính của Bình Nhưỡng ở Trung Quốc, vốn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như "công cụ" chính giúp Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Căng thẳng trong quan hệ hai nước cũng gia tăng thời gian gần đây khi một tàu đánh bắt cá của Trung Quốc cùng thủy thủ đoàn gồm 16 người bị (Triều Tiên) bắt giữ tại hải phận giữa hai nước.

Chủ tàu đánh cá này cho biết họ bị quân đội Triều Tiên bắt cóc và đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, những người này đã được thả ngày 21/5, và Trung Quốc đã yêu cầu Triều Tiên phải có lời giải thích rõ ràng về vụ việc trên. Vụ việc này đã khiến cộng đồng mạng ở Trung Quốc hết sức phẫn nộ. Những người sử dụng Internet ở Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ phải đưa ra lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng, đồng thời cáo buộc nhà chức trách Trung Quốc không đủ cứng rắn để giải cứu các thuyền nhân.

Trong một bài xã luận ngày 21/5 (trước khi các thuyền nhân được thông báo phóng thích), Thời báo Hoàn cầu - phụ san của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho rằng Bắc Kinh "nên để phía Triều Tiên biết chúng ta giận dữ ra sao".

Chính vì quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên căng thẳng như vậy nên Giáo sư Yang Moo-Jin của trường Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cho rằng chuyến công du Trung Quốc của ông Choe Ryong-Hae rất đáng để quan tâm. Hơn nữa, chuyến thăm này lại diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh theo dự kiến vào ngày 7-8/6 tới giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trao đổi với hãng tin AFP, Giáo sư Yang Moo-Jin nói: "Ông Choe Ryong-Hae là nhân vật thân tín nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, vì vậy, ông Kim Jong Un cử đặc phái viên cấp cao nhất của mình tới Trung Quốc trước cuộc gặp thượng đỉnh (giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình). Đây là cách để ông Kim Jong Un phát đi một thông điệp tới Tổng thống Mỹ Obama liên quan đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân".

Đồng thời, chuyến thăm (được công bố rộng rãi) của một nhân vật có tầm cỡ như ông Choe Ryong-Hae có thể là nỗ lực nhằm hàn gắn phần nào những thương tổn của mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, vốn đã bị suy yếu đáng kể thời gian gần đây.

Trong khi đó, nữ phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, bà Park Soo-jin, cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra những đánh giá xác thực về chuyến công du Trung Quốc của ông Choe Ryong-Hae.

theo Vietnam+

Từ khóa: