Sự kiện hot
4 năm trước

Màu của Tết

Khi có ai bất chợt hỏi về màu của Tết, thì thật khó để trả lời và chỉ ra màu sắc đặc trưng nhất. Tết vốn dĩ rực rỡ sắc màu, từ sắc thắm của hoa đào miền Bắc, hay những bông mai vàng rực rỡ miền Nam; từ cờ hoa trang hoàng rực rỡ phố phường, là màu xanh của bánh chưng bánh tét, là “câu đối đỏ”, hay là chồi xanh mơn mởn mỗi dịp Xuân về...

Chẳng ai nói được màu sắc nào là đặc trưng nhất, mà chỉ biết rằng, tất cả những sắc màu ấy cùng hòa quyện vào trong ký ức của mỗi con người đất Việt.

Rực rỡ hoa đào, hoa mai

Dịp cuối năm, khi những đợt rét tê tái giảm dần, cũng là khi mùa Xuân đã ngấp nghé trên bậc cửa giao mùa. Xuân về, thổi bùng lên trên những “miền đất lạnh” phía Bắc một mùa hoa đào rực rỡ. Tương truyền, hoa đào có tác dụng dùng để trừ tà, đuổi quỷ, mang lại hạnh phúc, an lành cho gia chủ trong một năm mới. Vì vậy mỗi năm khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà đều chọn cho mình những cành đào, cây đào thật đẹp.

Bên cạnh đó, người xưa còn quan niệm hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mang đến nguồn sinh khí mới. Có cành đào trong nhà ngày Tết thể hiện niềm tin của gia chủ vào một năm mới an khang thịnh vượng, tình cảm gia đình thuận hòa, hạnh phúc.

Vào tháng Chạp hằng năm, khi hoa đào bắt đầu bung sắc thắm báo hiệu mùa Xuân về, cũng là lúc người người nhà nhà lại xốn xang, tất bật chuẩn bị đón Tết. Đã thành lệ, hoa đào là thứ không thể thiếu trong những món “sắm Tết” của người miền Bắc, và trở thành biểu tượng đặc trưng mỗi dịp xuân về. Cùng với hoa đào, cây quất cảnh cũng là một thứ không thể thiếu vào mỗi dịp Tết cổ truyền của người miền Bắc.

Mấy năm trở lại đây, trong dịp Tết, nhiều người miền Bắc còn có thú chơi hoa lê. Trong tiết trời phảng phất mưa xuân, những bông hoa lê trắng tinh khôi bung nở, chồi lộc trên cành luôn có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Vẻ đẹp tinh khôi của hoa lê rừng được người dân ưa chuộng vì lạ mắt, đẹp, bền, khó rơi rụng do vận chuyển, thậm chí có thể chơi được lâu (chơi đến hết tháng Tư âm lịch).

***

Nếu đối với miền Bắc là sự gắn kết giữa ngày Tết với hoa đào, thì ở miền Nam, mai vàng lại là biểu tượng cho một năm mới đã chính thức bắt đầu. Với điều kiện khí hậu, thiên nhiên, đất trời khác với miền Bắc, mỗi năm vào dịp tiết Xuân, những bông mai vàng lại khoe sắc rực rỡ dưới ánh nắng phương Nam. Hoa mai có màu vàng rực rỡ, là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý.

Tết đến, Xuân về đối với mỗi người Nam bộ chính là khi chậu mai vàng khoe sắc bên hiên nhà hay cội mai già rực rỡ trước sân; hay là khi những nhánh mai vàng tươi thắm, chưng trong lục bình trên bàn thờ gia tiên, tạo nên một không khí thiêng liêng và ấm áp. Những đóa mai vàng nở rộ trong tiết Xuân còn là biểu tượng cho niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương và tinh thần đoàn kết, gắn bó.

“Câu đối đỏ, bánh chưng xanh...”

Tết đến, trong mâm cỗ của người Việt, bánh chưng, bánh tét cũng là những món không thể thiếu. Bánh chưng là món đặc trưng của miền Bắc, có hình vuông, được gói trong lá màu xanh, tượng trưng cho đất, thể hiện triết lý âm - dương của phương Đông nói chung và người Việt nói riêng.

Giống như bánh chưng ở miền Bắc, bánh tét cũng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về ở đất phương Nam. Bánh tét xanh nhân nhụy vàng như màu xanh của đồng quê, của đời sống an vui xóm làng, gợi về ước mơ “an cư lạc nghiệp” trong Xuân mới. Tất cả những ý nghĩa đó của bánh chưng, bánh tét đều nhằm đề cao sức lao động của con người, sự hòa hợp của trời đất, của con người với thiên nhiên và thể hiện sự hướng về nguồn cội.

Người xưa có câu ca dao truyền miệng mà khi nhắc đến, mỗi người Việt lại thổn thức khi một năm mới đến:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

“Câu đối đỏ” là một trong những nét văn hóa đẹp của người Việt mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Theo truyền thống, từ các nhà Nho học cho tới những người bình dân đều trọng tục treo câu đối đỏ vào những ngày Tết. Những câu đối được viết bằng chữ Nho trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào. Màu đỏ của liễn (câu đối) được coi là sẽ mang lại may mắn cho gia chủ trong thời khắc chuyển giao sang năm mới.

Đã từ lâu, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, phố phường lại được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Mỗi gia đình hay từng ngõ phố đều “bừng lên” khí sắc tươi vui, rộn rã. Lan theo những màu sắc ấy là đám trẻ cười nói râm ran khi có quần áo mới, được mừng tuổi, được đi chơi Tết; người lớn hoan hỉ, tươi vui bày tỏ tình cảm với nhau qua những lời chúc tụng giản dị mà không sáo rỗng...

Bên cạnh các sắc màu truyền thống, Tết bây giờ còn mang nhiều màu sắc mới. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của người Việt hàng ngàn năm qua vẫn mãi được duy trì, được truyền lại trong mỗi gia đình – là những tế bào cơ bản nhất hình thành nên xã hội. Những giá trị này sẽ mãi được khắc ghi đậm nét trong mỗi tâm hồn người Việt, tỏa đi khắp các phương trời.

Xuân mới đến, người người nhà nhà lại rộn ràng cầu chúc với mong muốn một năm mới đủ đầy, hạnh phúc, may mắn và đạt nhiều thành tựu mới. Truyền thống cầu chúc dịp đầu năm mới thể hiện sự khát khao và niềm tin của người Việt về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Một mùa Xuân mới lại về, khắp nơi lại được phủ một màu xanh đầy sức sống từ những chồi non đua mọc.

Tất cả những sắc màu đó tạo nên màu của Tết, màu của niềm tin và hy vọng...

Tương Mai
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: