Sự kiện hot
5 năm trước

“Mê hồn trận” thuốc giả, thực phẩm chức năng giả

Hiện nay có thể thấy, ngoài một số thực phẩm chức năng kém chất lượng, bị làm nhái, làm giả thì các nhóm thuốc như kháng sinh, giảm đau,… cũng bị làm giả khá phổ biến và rất khó nhận dạng gây nỗi hoang mang, trăn trở cho người bệnh cũng như trở thành vấn đề gây nhức nhối cho cơ quan chức năng.

Hàng loạt các loại thuốc, thực phẩm chức năng bị đình chỉ, thu hồi trong năm 2018

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục quản lý Dược (Bộ y tế) đã có rất nhiều công văn thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi những loại thuốc, thực phẩm chức năng kém phẩm chất lượng. Hầu hết các vi phạm này đều do không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu gian lận về nhãn phụ đối với các loại thuốc, thực phẩm chức năng lưu hành tại Việt Nam...

Điểm lại những lần thu hồi lớn từ đầu năm đến nay, vào tháng 4/2018 vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu tạm dừng lưu thông hàng hóa đối với lô sản phẩm thực phẩm chức năng Siro High Pro và 1 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ginkgo 600.

Lô sản phẩm thực phẩm chức năng Siro High Pro bị tạm dừng lưu thông có mã số SX: 010216, NSX: 18/2/2016, HSD: 18/2/2019, của Công ty TNHH Dược phẩm Trung Hàn (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lý do dừng lưu thông vì mẫu sản phẩm này (lấy mẫu tại 78 D5 khu đô thị Đại Kim, sản xuất tại Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế USA ở khu công nghiệp Thanh Oai - Hà Nội) có kết quả kiểm nghiệm không đạt chất lượng.

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm cũng ra quyết định tạm dừng lưu thông hàng hóa đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ginkgo 600 (lô SX 040517040520 của Công ty Cổ phần Dược phẩm liên doanh Việt Pháp). Lý do tạm dừng lưu hành và thu hồi sản phẩm vì mẫu kiểm nghiệm không đạt chất lượng.

Chỉ vài ngày sau đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế ban hành quyết định thu hồi 2 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Go Lean Detox. Theo đó, Cục ATTP đã yêu cầu Công ty TNHH Mat Xi S.G. (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thu hồi 1 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Go Lean Detox (sản xuất ngày 29/8/2018, HSD: 29/8/2019) và lô sản phẩm Go Lean Detox (ngày sản xuất 20/10/2018, HSD: 20/10/2019) do kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm có chứa Sibutramin- – một hoạt chất đã bị Cục Quản lý dược cấm sử dụng vì gây tác dụng không mong muốn.

Hay vào tháng 7/2018, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng đã có thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất.

Theo Cục Quản lý Dược, Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu gọi tắt là EMA; Cơ quan quản lý dược Canada và một số cơ quan quản lý ở các nước khác đã có thông báo về việc thu hồi thuốc chứa Valsartan được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất. Nguyên liệu này được phát hiện chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư.

Ngoài ra, ngày 15/10/2018 Cục Quản lý Dược có Công văn số 19529/QLD-CL về việc đình chỉ lưu hành thuốc Viên nén PASAPIL, SĐK: VN-15829-12, Số lô: 14; NSX: 04/2017; HD: 01/14/2020 do Công ty S.C.Arena Group S.A.(Romania) sản xuất, Công ty TNHH MTV dược Sài Gòn (SAPHARCO) nhập khẩu, Công ty TNHH Dược phẩm Minh Trí ủy thác nhập khẩu. Thuốc Viên nén PASAPIL bị thu hồi do kết quả kiểm nghiệm phát hiện mẫu kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Những ví dụ nêu trên chỉ là một vài trong số rất nhiều những loại thuốc, thực phẩm chức năng đơn vị sản xuất và kinh doanh vi phạm chất lượng sản phẩm. Còn có hàng loạt những sản phẩm vi phạm khác chưa nhắc tới; điều này cũng phần nào gây tâm lý hoang mang, lo sợ từ những người tiêu dùng…

“Mê hồn trận” thuốc giả, thực phẩm chức năng giả

Không chỉ sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng, người tiêu dùng còn phải đương đầu với tình trạng thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả, làm nhái.

Một số báo cáo của Cục Quản lý Dược cho biết, thuốc, thực phẩm chức năng giả vẫn là vấn đề gây nhức nhối cho cơ quan chức năng.

Những sản phẩm giả thường phát hiện ở vùng sâu vùng xa và nông thôn, nhưng đôi khi những mặt hàng này vẫn len lỏi được vào hiệu thuốc thậm tri ngay cả ở bệnh viện.... Đặc biệt, một vấn đề khó nhằn là những sản phẩm giả này ngày càng được làm tinh vi hơn, bằng cảm quan rất khó phát hiện, chính vì vậy mà người bệnh khó có thể phân biệt được thật giả mà tránh.

Điển hình trước đó, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản thông tin thuốc kháng sinh Zinnat 500 mg film tablet giả, trên nhãn in "Sefuroksim aksetil 20 film table"; nhãn phụ ghi nhà sản xuất là Công ty Glaxo Opertione UK Ltd - Anh; doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty CP Armephaco (quận Long Biên, Hà Nội). Trước đó, tháng 5/2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương từng phát hiện thuốc Zinnat 500 mg film tablet giả trên địa bàn TP HCM. Là biệt dược gốc, loại kháng sinh thông dụng trị các bệnh nhiễm khuẩn này được bán khá phổ biến trên thị trường với giá từ 24.000-27.000 đồng/viên.

Đầu năm 2018, Cục Quản lý dược đã đề nghị các sở y tế rà soát và truy tìm nguồn gốc thuốc Lincomycin 500 mg giả lưu hành trên thị trường. Mẫu thuốc giả này được Trung tâm Kiểm nghiệm Gia Lai lấy mẫu tại một quầy thuốc ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đây là nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn được dùng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng.

Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy với việc thực hiện biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, hiện tỉ lệ thuốc giả ở Việt Nam là dưới 0,2% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%. Bộ Y tế khẳng định các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc được kiểm tra, kiểm soát, giám sát chất lượng kỹ lưỡng ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm.

Thuốc khi đăng ký lưu hành phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Thuốc sản xuất/nhập khẩu chỉ được phép xuất xưởng đưa ra lưu hành sau khi kiểm tra và đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký. Khi thuốc lưu hành, các cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc của cơ sở mình và báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, hằng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng thuốc. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Cũng theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, thực phẩm chức năng giả kém chất lượng. Còn tại Việt Nam, theo thống kê mới đây nhất của Trung tâm Kiểm nghiệm Thanh Hóa cho biết, đơn vị này đã tiến hành phân tích chất lượng 1.104 mẫu. Trong tổng số 937 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì có 19 mẫu thuốc không đạt chất lượng, 3 mẫu thuốc giả, 20 mẫu thực phẩm chức năng không đạt chất lượng.

Mai Quỳnh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: