Sự kiện hot
6 năm trước

Ngất ngây ngắm thiên đường hoa thược dược nở rực rỡ sưởi ấm những ngày đông Hà Nội

Khi “lỡ” bước chân vào khu vườn rộn ràng hương sắc với đủ loài thược dược đang đua nhau nở, mọi người dễ dàng quên đi cái lạnh giá se sắt của mùa đông Hà Nội.

Vườn thược dược của gia đình ông Mạnh Hùng khiến bất kỳ ai đi ngang qua đều không nỡ rời bởi vẻ đẹp rực rỡ, đua nhau khoe sắc như tấm thảm muôn màu. Trước khi có vườn hoa thược dược thì mảnh đất này là những khoảnh ruộng của bà con nông dân. Vì yêu hoa, yêu cây nên ông Hùng đã thuê lại để biến nơi đây thành trang trại hoa, cây cảnh có diện tích lên tới 45.000m2.

Khu vườn với hàng nghìn bông thược dược đua nhau khoe sắc.

Mùa đông như ấm áp hơn khi ngắm vườn thược dược.

Những bông hoa khoe sắc.

Ấm lòng trong không khí lạnh của Hà Nội.

Trong những ngày mùa đông lạnh giá, người dân Hà Thành bỗng thấy lòng ấm áp khi ghé thăm khu vườn ngắm hàng trăm gốc thược dược đang đua nhau khoe sắc. Ông Mạnh Hùng ch biết, ông trồng thược dược một phần vì yêu loài hoa này, phần nữa để mọi người có thời gian sẽ đến vườn của ông tham quan, chụp ảnh.

Để có vườn hoa thược dược rộng đến 500m2 khoe sắc đồng loạt rực rỡ này, ông Hùng đã chọn giống kỹ càng. Ông thường chọn các cây mập, lá tươi tốt, không nhiễm bệnh. Trước khi trồng thược dược, ông Hùng thường cày đất thật sâu, để ải một thời gian, đánh thành 2 luống cao dọc theo vườn. Tiếp đó là bón lót thêm phân hữu cơ, phân gia cầm ủ mục trước khi trồng cây xuống đất. Ông Hùng lưu ý thêm cần đảm bảo đất phải sạch, tơi xốp, khô thoáng và ấm để cây con dễ nảy mầm và phát triển.

Khi trồng cây, ông Mạnh Hùng lưu ý nên trồng mỗi cây cách nhau khoảng 40cm, đặt cây xuống đất rồi phủ thêm lớp đất tơi xốp. Không nên trồng quá dày, cây dễ bị nấm bệnh và khó phát triển tươi tốt.

Thược dược là loại cây mọng nước nên dễ bị thối nếu thời tiết mưa kéo dài, đặc biệt là cây còn nhỏ. Vì thế, tùy vào thời tiết, nếu khô có thể tưới 1 – 2 lần/ ngày, nếu bình thường thì chỉ cần tưới nước 1 lần/ ngày.

Trong quá trình chăm sóc, nên bổ sung thêm phân vô cơ với tỉ lên thành phần N-P-K đồng đều, tránh lạm dụng phân bón khiến bộ rễ của cây nhanh bị yếu.

Hoa thược dược truyền thống thuộc giống cây cao, mập, khỏe và đồng thời cũng phân cành, phân nhánh nhiều, hoa bông lớn, chính vì thế phải cắm cọc và giăng lưới để giúp cây không bị đổ trước gió mạnh. Khi cây được hơn 30 ngày tuổi, ông Hùng thường bấm ngọn để cây khỏe hơn, cây phân nhiều cành và nhánh hơn. Khi cây đã trưởng thành ông Hùng thường gia tăng bón thêm phân lân để cây cứng khỏe, hoa sai và đẹp hơn.

Sau mỗi một đợt ra hoa, ông Hùng cắt hoa, đồng thời bổ sung thêm một lượng phân hữu cơ và vô cơ để cây phục hồi nhanh chóng và lại tiếp tục ra hoa.

Ông Hùng cũng chia sẻ bí quyết trồng thược dược đón Tết: “Nếu trồng thược dược trong chậu, bạn có thể mua từ tháng 9 âm lịch, sau khoảng 70 ngày sẽ có hoa. Hoa sẽ nở kéo dài cho đến Tết âm lịch. Trong quá trình chăm sóc, nên cắt bỏ cành lá, vệ sinh cây, hạn chế tưới nước vào mùa mưa, nên để chậu hoa ở nơi khô ráo. Tầm tháng 8, tháng 9 năm sau cây sẽ tiếp tục nảy mầm mới”.

Nhờ vào kinh nghiệm lâu năm, nhờ vào tình yêu bất tận với thiên nhiên, hoa cỏ, trò chuyện với chủ nhân vườn thược dược, sẽ không ai bất ngờ khi biết rằng, người đàn ông này đang sở hữu hàng nghìn gốc hoa đẹp siêu lòng người giữa đất Thanh Trì, Hà Nội.

Mỹ An - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: