Sự kiện hot
12 năm trước

Nguy cơ khi quên đóng nắp bình xăng

Quên đóng nắp bình xăng không những làm tăng nguy cơ cháy nổ xe mà còn là nguyên nhân gây ra một số bệnh về đường hô hấp.

Quên đóng nắp bình xăng không những làm tăng nguy cơ cháy nổ xe mà còn là nguyên nhân gây ra một số bệnh về đường hô hấp.

Xe chạy, xăng trong bình cạn dần, chuyện đổ thêm xăng là điều đương nhiên. Nhưng thao tác đơn giản, quen thuộc thế nên ít được người sử dụng chú ý. Thậm chí chạy xe mà quên không đóng nắp bình.

Độc giả Ntt_rab bình luận: “Là nhân viên bán xăng dầu, tôi thường thấy chị em phụ nữ quên. Lúc xe hết xăng, ghé vào cửa hàng để đổ mới phát hiện quên đậy nắp từ lần đổ xăng trước”.

Lý do quên đóng nắp bình xăng thường là vội khi đổ ở chỗ đông. Những xe như Honda Lead, SCR có khóa bình xăng chính là chìa khóa đề nên thường không bị quên. Những xe có bình xăng nằm dưới yên (nên thường không cần khóa) khiến chủ nhân dễ quên.

Yamaha Luvias cháy trụi tại TP. HCM trưa ngày 25/12. Hiện trường cho thấy bình xăng không còn nắp.

Anh Việt Cường, công tác tại một công ty truyền thông tại Hà Nội, đi chiếc Piaggio S150 cũng từng quên không đóng nắp bình xăng sau khi đổ. Về đến nhà, cho xe vào thấy nồng nặc mùi xăng anh mới mở cốp kiểm tra. Rất may không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí lần đổ đó anh còn đổ đầy bình, xăng còn tràn cả vào cốp.

"Từ đó trở đi tôi rút kinh nghiệm, mỗi khi đổ xăng xong là phải kiểm tra hết. Ngoài ra bỏ thói quen đổ đầy bình. Chỉ đổ ở một mức vừa phải thôi", anh Cường chia sẻ.

Xe có thể bị cháy nếu quên không đóng nắp bình xăng

Dù ở nhiệt độ thấp xăng vẫn rất dễ dàng bay hơi. Nếu bình được đóng kín, hơi chỉ tồn tại trong bình không thể thoát ra ngoài. Khi đạt tới áp suất bão hòa xăng sẽ ngừng bay hơi. Còn nếu trong trường hợp nắp bình không đóng hoặc đóng nhưng không kín, hơi xăng thoát ra ngoài khiến xăng trong bình liên tục bay hơi. Do nặng hơn không khí, hơi xăng khó khuếch tán, thường tích tụ lại.

Khá nhiều dòng xe máy hiện nay có bình xăng đặt ở giữa vị trí để chân, hay phía sau dưới yên. Ở những thiết kế này, hơi xăng thoát khỏi bình, tích tụ ở ngóc ngách bên trong vỏ, nơi không khí ít lưu thông. Đặc biệt hơi xăng có thể tích tụ nhiều trên những dòng xe tay ga, có vỏ dạng hộp và khá kín.

Chiếc xe khác cháy ở Hà Nội với bình xăng không có nắp.

Hỗn hợp xăng không khí đạt tới tỷ lệ nhất định có thể phát hỏa nếu tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng từ động cơ hoặc hoặc tia lửa điện.

Bên cạnh đó, việc quên không đóng nắp bình sẽ làm xăng trào ra ngoài khi xảy ra tai nạn, và xe bị đổ. Thêm nữa, va đập giữa các chi tiết bằng kim loại với nhau hoặc với mặt đường có thể tạo ra tia lửa gây cháy xe. Đám cháy lan ngược theo dòng xăng chảy ra, bén tới bình. Nhiệt khiến hơi xăng thoát ra ngoài khiến đám cháy ngày càng mạnh, thậm chí có thể làm nổ bình xăng.

Nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp

Trong các hộ gia đình tại các thành phố lớn, xe máy thường được để trong nhà. Bình xăng hở khiến mật độ hơi xăng cao. Bên cạnh nguy cơ gây hỏa hoạn, thì hơi xăng có chứa nhiều thành phần hóa học phức tạp, độc hại, con người hít phải có thể gặp phải một số bệnh về đường hô hấp.

Nồng độ hơi xăng, dầu từ 45% (thể tích) trở lên gây ngạt thở do thiếu ôxi với biểu hiện say, co giật, ngạt, viêm phổi, áp xe phổi. Ở nồng độ trên 40.000 mg/m3 có thể bị tai biến cấp tính với các triệu chứng như tức ngực, chóng mặt, rối loạn giác quan, tâm thần, nhức đầu, buồn nôn. Còn nếu trên mức 60.000 mg/m3 sẽ xuất hiện các cơn co giật, rối loạn tim và hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Xe chạy tốn xăng

Với tốc độ bay hơi cao, rõ ràng một lượng xăng đáng kể sẽ bị thất thoát ra ngoài cho dù xe không được sử dụng.

Thế Hoàng
Theo Vnexpress

Từ khóa: