Sự kiện hot
11 năm trước

Nhà khoa học Việt đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình tập thể: “Tôi như hạt thóc…”

Dantin - Nếu thế giới như mặt phẳng sàng nhiều lỗ, tôi như hạt thóc, sẽ rơi vào chỗ người ta cần. Tuy nhiên, Việt Nam là quê hương tôi, đất nước tôi, nên tôi mong muốn được đóng góp trí tuệ, năng lực nhiều nhất cho đất nước.

Dantin - Nếu thế giới như mặt phẳng sàng nhiều lỗ, tôi như hạt thóc, sẽ rơi vào chỗ người ta cần. Tuy nhiên, Việt Nam là quê hương tôi, đất nước tôi, nên tôi mong muốn được đóng góp trí tuệ, năng lực nhiều nhất cho đất nước.

TS Nguyễn Hữu Ninh, thành viên tập thể giải Nobel Hòa bình 2007 cho Báo cáo biến đổi khí hậu lần thứ 4, tâm sự. Là nhà khoa học, ông nhận mình luôn là nhà phản biện tương đối độc lập, không vướng chút quyền lợi nào. Theo ông, bổn phận của nhà khoa học là luôn khách quan, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, nói đúng những điều cần nói.

BÀI HỌC THÁI LAN

“Túm” được ông khi vừa từ diễn đàn khoa học thế giới ở Hungari về. Sau bao hỏi han, cuối cùng câu chuyện lại về đúng “chỗ ngứa” của TS Ninh, đó là câu chuyện lụt lội kỷ lục ở Bangkok (Thái Lan) mùa thu vừa qua.

Ông cho biết, Bangkok, PhnomPênh, Tp. Hồ Chí Minh là những thành phố tương đối giống nhau về mặt địa lí, nằm ở vùng thấp (hạ lưu) và gần biển, độ cao so với mặt nước biển chỉ từ 1 – 3 m nên thường xuyên phải chịu rủi ro về lũ lụt. Lượng mưa lớn nhất trong vòng 50 năm qua, rồi bão xảy ra liên tiếp trong 3 tháng qua khiến hệ thống điều hoà quá tải, Bangkok cách biển có 20km lại là vùng trũng nên trở thành nơi chứa nước là điều dễ hiểu.

TS.Nguyễn Hữu Ninh

Việc Bangkok gánh chịu thảm kịch này thực ra đã được các nhà khoa học Thái Lan dự báo cách đây 10 - 15 năm. Và kịch bản này cũng có thể xảy ra trong tương lai đối với Tp. Hồ Chí Minh. “Bangkok điêu đứng, ngập trong lũ lụt hôm nay sẽ là hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh ngày mai”, ông Ninh cảnh báo. Tp. Hồ Chí Minh giống như Bangkok đã và đang đô thị hoá quá nhanh, làm mất đi sự cân bằng về sinh thái. Các hồ điều hoà bị lấp để trở thành cụm công nghiệp, các dự án đô thị mới, khu dân cư. Chưa kể Bangkok và Tp Hồ Chí Minh khai thác nước ngầm ngay dưới nền móng làm cho nền đất cứ lún xuống, mỗi năm trung bình Bangkok lún 5cm. Triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh trước đây là 1,3 m giờ đã lên tới 1,57m, và xu hướng chỉ tăng, không giảm.

Ở Việt Nam rất nhiều người, có khi cả những nhà hoạch định kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị vẫn coi biến đổi khí hậu (BĐKH) là chuyện xa xôi, các nhà khoa học nói “cho vui”. “Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo với TP.HCM từ năm 1991. Nhưng đến nay, người ta vẫn tiến ra biển, vô tư lấp hồ, lấp sông làm đường, làm bất động sản, dù đó là vùng trũng nên để làm vùng điều hoà”, TS Ninh tâm sự.

Thái Lan mất hàng chục tỷ USD trực tiếp do lũ lụt và còn hàng chục chục tỷ khác từ những thiệt hại gián tiếp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tính chuyện tháo chạy. Chúng ta không muốn câu chuyện tương tự sẽ xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh hay bất cứ nơi nào ở Việt Nam..

3 NĂM TRỜI VÀ 30 TRANG GIẤY

Bỏ ra 3 năm trời ròng rã để đóng góp được 30 trang giấy A4 trong cuốn sách “Báo cáo lần thứ 4: biến đổi khí hậu năm 2007”. TS Nguyễn Hữu Ninh - đồng tác giả của cuốn sách dày 3.000 trang về biến đổi khí hậu được trao giải Nobel hoà bình. Đó là một công trình đặc biệt, bước ngoặt cho lịch sử phát triển nhân loại, buộc thế giới phải nhìn lại sự đối lập của con người với con người, và con người với thiên nhiên.

Từ trước đến nay, quá trình biến đổi khí hậu của trái đất được nhìn nhận và tranh cãi vì quá trình này chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố phức tạp. Công trình đã chứng minh bằng lý lẽ khoa học sự tác động mạnh mẽ nhất của con người lên khí hậu của trái đất. Không còn nghi ngờ gì nữa, con người là tác nhân quan trọng nhất gây ra sự biến đổi của khí hậu hành tinh mà chúng ta đang sinh sống, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống của con người.

Trở lại câu chuyện Việt Nam. Khi trao đổi về kịch bản BĐKH năm 2009, ông thẳng thắn: Kịch bản đánh giá chưa đủ tác động của BĐKH, chất lượng kịch bản chưa thật sự đáp ứng. Sự thay đổi kịch bản này đã gây khó cho các địa phương, các ngành vì họ đã đổ công sức, tiền của để thực hiện ứng phó theo kịch bản năm 2009.

Hiện tại ở Việt Nam, theo như ông Ninh, chỉ duy nhất một đơn vị đưa ra kịch bản BĐKH. Trong khi đó ngoài Bộ TN-MT, có nhiều đơn vị khoa học khác có khả năng làm kịch bản rất tốt như Bộ NN&PTNT, ĐH Thuỷ lợi, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Cần Thơ…Thậm chí về khả năng tính toán mô phỏng thì các trường đại học là nơi tập hợp chất xám nhiều nhất và tính toán lý thuyết tốt nhất. Bộ TN-MT nên cung cấp số liệu cập nhật để họ cùng thực hiện.

TS.Nguyễn Hữu Ninh (SN 1954), là TS danh dự, thành viên Hội đồng giáo sư ĐH Pécs (Hungari); East Anglia (Vương quốc Anh); Giảng viên Trường ĐHQG Hà Nội từ năm 1977. Năm 2011, ông được Trường Đại học San Diego – SDSU (Mỹ) mời làm giảng viên liên kết thành viên (Adjunct Faculty).

Năm 2010, ông là đồng sáng lập Chương trình biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro (IP-CVR) thuộc Trung tâm Thiên tai Thái Bình Dương – PDC (Hawai, Mỹ). Ông là đồng tác giả Báo cáo đánh giá lần thứ tư về biến đổi khí hậu (BĐKH) 2007 của Uỷ ban Liên Chính Phủ về BĐKH của Liên Hợp Quốc (IPCC) thành viên tập thể tác giả đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2007.

Hiện TS Nguyễn Hữu Ninh là Uỷ viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Chủ tịch Hội đồng trung tâm Nghiên cứu Giáo dục môi trường và phát triển (CERED) thuộc Vusta.

Duy Tường

Từ khóa: