Sự kiện hot
9 năm trước

Nhọc nhằn những “Kiếp cầm ca” trên đường phố Sài Gòn

(ĐS&TD) - Dù buổi tối nóng bức oi trời hay đêm mưa rả rích, đường phố nhộn nhịp đông đúc hay thưa vắng bóng người, hay ở đâu đó trên phố phường Sài Gòn… những giọng hát bổng, trầm, đàn ghi ta thùng khuếch đại âm thanh, điệu bolero quen thuộc chất chứa nỗi buồn vang lên... Đó là những “nghệ sĩ hát rong” mua vui cho thực khách.


Anh Phương đang thay dây đàn bị đứt

 

Những mảnh đời trong câu hát

Ở các khu phố tập trung quán nhậu, cảnh thường thấy là những người “mua vui” cho thực khách bằng lời ca, tiếng nhạc dạo quanh các bàn ăn để hành nghề hát rong độ nhật. Đôi khi là nhóm hát, xiếc biểu diễn, lúc thì bán kẹo kéo hay hát lấy tiền boa. Chỉ với chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, chiếc loa, micro và đĩa ghi nhạc là đã có thể hành nghề.

Tìm hiểu về nghề hát rong, PV Báo ĐS&TD có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu, được nghe về nhiều mảnh đời khác nhau với thân phận, nỗi niềm đầy trắc ẩn từ những “nghệ sĩ hát rong” này.

Một lần đến dãy quán ăn ở khu Nguyễn Trung Trực (Q.1), chúng tôi gặp anh Phương ôm cây đàn ghita dạo quanh các bàn chờ thực khách yêu cầu hát. Được biết anh Phương khá đắt show, người ta mến anh không chỉ bởi giọng hát mà còn thương bởi anh là người khuyết tật. Mắt trái của anh đã bị hư, mắt phải thị lực rất yếu sau một tai nạn. Anh vào nghề được hơn 10 năm, dù nhà ở Gò Vấp nhưng anh vẫn chịu khó đi xa hành nghề ở các quán quen nằm trên đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực...

Mời anh ngồi, tôi yêu cầu anh hát một bài hát mà anh thích. Anh chọn một bài hát của Ngô Thụy Miên. Có lẽ do ca từ của bài hát nhẹ nhàng, da diết, thấm đẫm chất đời trong ca khúc Ngô Thụy Miên như chính cuộc sống, con người của anh Phương khiến giọng hát anh càng thêm da diết.

Đang hát giữa chừng, lời ca của anh Phương bị gián đoạn vì đứt dây đàn. Anh vội nói: “Do bàn trên kia yêu cầu mấy ca khúc ‘sung’ quá, lúc nãy đánh hơi mạnh tay, nhưng không sao, tôi thay dây là được”. Lấy từ trong túi ra những sợi dây đàn, anh ghé mắt sát vào cố tìm sợi dây số 4. Mồ hôi túa ra, ướt đẫm gương mặt... Anh thay dây và nhanh chóng tiếp tục ca khúc dang dở. Nhìn những giọt mồ hôi rớt trên cây đàn, đôi mắt nhắm nghiền, gương mặt khắc khổ, phong trần của anh, chúng tôi thật sự xúc động với sự lao động miệt mài của một người khuyết tật. Anh Phương không bán hàng kèm theo, chỉ “bán” lời ca tiếng hát. Hơn 5 phút ngồi cùng chúng tôi, anh chào để đi vì có người điện thoại mời hát.

Anh Tình - nhân viên phục vụ quán Vỹ Dạ, chia sẻ: “Ông này được nhiều người thích lắm. Có lần còn được mời ra Hà Nội biểu diễn nữa, đi vài ba ngày mà về được mấy triệu”. Điều này được xác nhận khi tôi gặp lại anh Phương 1 tiếng sau đó.

Một trường hợp khác khá đặc biệt mà chúng tôi gặp được ở quán ăn trên đường Phan Xích Long (Phú Nhuận) là anh Chung Ngọc Minh Dương. Dương từng tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Bình Thuận - quê của anh.

Dương tâm sự, anh đến với nghề hát rong khi mới đặt chân lên thành phố sau khi tốt nghiệp cao đẳng vào năm 2009. Nghề hát rong với anh lúc đó vừa mưu sinh vừa là công việc tạm thời trong thời gian học liên thông ở Trường ĐH KHXH&NV. Từng chuyển qua làm dịch thuật 2 năm cho công ty Hàn Quốc với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng mong muốn có sự thay đổi và làm điều mình muốn, Dương quay lại nghề hát rong và bán kẹo kéo để kiếm nhiều tiền hơn và có thời gian học thêm.

Nỗi niềm người hát rong…

 


Đôi bạn Phong - Dương chuẩn bị bài hát

 

Dương cho biết ba mẹ anh đã rất buồn và lo lắng khi biết anh kiếm sống bằng nghề hát rong, mua vui ở các quán nhậu. Anh phải nói dối đó là nghề kiếm thêm buổi tối, ban ngày vẫn đi làm văn phòng. Anh thật thà chia sẻ thu nhập của nghề hát này không thấp. Mỗi đêm, bình quân kiếm được 500.000 đồng.

Đi làm cùng Dương là Phong, người bạn học chung trường. Phong không biết hát, chỉ phụ giúp Dương bán kẹo, mời khách. Được hỏi vì sao không đi hát một mình, thu nhập trọn vẹn không phải chia. Dương chia sẻ: “Có những lúc “bán” không được, một mình lủi thủi, cô đơn, tủi lắm, có thêm bạn đỡ đần, phụ giúp cũng thấy an ủi. Hơn nữa Dương cũng không có việc, cùng nhau kiếm thêm để trang trải cuộc sống cũng vui mà”. Thế mới thấy nghề nào cũng cần có cái tình!

Nhắc đến sự đầu tư, mỗi ngày, họ phải nghe và thuộc nhiều ca khúc, phòng khi có sự yêu cầu từ khách hàng. Bởi, thực tế, không phải ai cũng nhã nhặn từ chối, hay thông cảm cho công việc, ngành nghề của họ. Dương kể có lần được yêu cầu hát ca khúc mà anh không thuộc lời, thế là bị xua đuổi, chê bai, từ chối mua kẹo. Cũng có lần sau khi hát, mời kẹo khách thì nhận được câu trả lời: “Anh không thích nghe nhạc!”

Theo Dương, làm khách cười thì khả năng bán được kẹo rất cao. Một điểm đáng nói, nghề hát rong 100% không được hát nhép. “Vả lại đứng gần bàn của khách hát nhép là bị phát hiện liền, nếu bị phát hiện thì chỉ có cách bỏ quán không dám quay lại” - Dương tâm sự.

Trong năm 2010 - 2011, nhiều “ông trùm” đứng ra bao “trọn gói” các xe kẹo kéo. Nghĩa là đầu tư phương tiện từ xe máy, kẹo, loa... cho đến chỗ ngủ, cơm ăn ngày một buổi. Số tiền lời được chia 70% cho người chủ và 30% cho người hát. Có thời gian “băng nhóm” kẹo kéo được hình thành khá rõ rệt, phân chia lãnh địa và không ít những cuộc cạnh tranh địa bàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây các bạn đã tự đầu tư cho mình phương tiện, tìm đường đi nước bước để làm nghề, nên “băng nhóm” đã giảm rõ rệt. Như một luật ngầm ai tới trước làm trước, tới sau thì đợi người tới trước hát xong mới tới mình. Dương nói: “Chỉ cần mình biết sống một tí, gặp bạn kẹo kéo thì chào hỏi, gặp chủ quán hỏi bán đông khách không… Biết điều là sống được thôi”.

Một nghề bạc bẽo…

Trong giới hát rong người ta vẫn biết đến Nhã Michael như một người tiên phong hát nhạc Michael Jackson với những bước đi huyền thoại. Thời đỉnh cao, một đêm kiếm được 3-4 triệu đồng là chuyện thường. Còn nhớ những đêm ở quán Tre trên đường Thành Thái (Q.11), sự có mặt của Nhã Michael thu hút rất nhiều thực khách. Cả dãy quán nhậu như trở thành sân khấu của anh, giọng hát vút cao, những bước đi ngược tự tin bất chấp xe từ sau lao tới. Người ta yêu thích và muốn có Nhã biểu diễn như sự giải trí cần có trong cuộc nhậu.

Một thời gian sau, người trong giới lại biết đến Nhã như một tay chơi, thường xuyên đi bar, vũ trường và gái. Những đêm biểu diễn thưa dần. Đàn em trong nghề “ngoi lên”, cũng với phong cách hát của Michael cùng những bước đi ngược (moonwalk) tự tin, Nhã Michael không còn là hiếm và quý, tiền cũng không còn, sức khỏe tàn phai để giờ đây Nhã như một “ngôi sao” đang lu mờ dần.

Với một người có nhiều năm lăn lộn với nghề, cùng với sự suy nghĩ chín chắn và thấu đáo, Dương cho rằng hát rong là một nghề “bạc bẽo”. Tiền dễ kiếm cũng dễ đi, tâm lý sống hôm nay không biết ngày mai vì không định hướng được tương lai thế nào. Đó là chưa kể tần suất hoạt động của thanh quản gần như là liên tục, sống bằng cách khai thác giọng hát tối đa nhưng không có hoặc không thể có chế độ, điều kiện để tái tạo, phục hồi sức khoẻ, dưỡng giọng. Đốt cháy bản thân cho nghiệp hát mưu sinh nhưng cuối đời còn lại gì?

Hiện tại Dương đang học thêm tiếng Trung, mục tiêu giữa năm sau phải nói tốt để có thể tìm kiếm công việc phù hợp hơn. Nhưng không phải “nghệ sĩ hát rong” nào cũng có bản lĩnh, suy nghĩ chín chắn như Dương.

Với anh Phương, có lẽ nghề hát thật sự đã là cái nghiệp của anh rồi. “Ngoài hát ra tôi còn biết làm gì đây?”, câu hỏi cùng tiếng thở dài của anh như nói lên thân phận của những người “mang kiếp cầm ca” trên đường phố nghe thật ngậm ngùi.

Thảo Hương

Từ khóa: