Sự kiện hot
10 năm trước

“Nhử” khách bằng việc cho tiền?

Những tấm biển “Giảm giá sốc”, “Thanh lý cửa hàng” đã trở thành xưa cũ vì bây giờ nhiều nơi treo cả câu mời chào “Không mua cũng tặng 10K”, “Khách vào là tặng 10K”… tạo nên sự tò mò hút chân khách hàng. Thực hư việc “tặng tiền” này ra sao?


Theo chuyên gia kinh tế, khi mua hàng người tiêu dùng cần thận trọng với những lời quảng cáo hấp dẫn và hiệu ứng đám đông. Ảnh: T.G

“Nặn não” nghĩ chiêu độc!


Chúng tôi bước vào cửa hàng bán quần áo thời trang có đề biển “Không mua cũng tặng 10K” trên phố Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội), chị chủ hàng đon đả giải thích: “Chị đang khuyến mại, khách nào vào cửa hàng cũng được tặng một tấm phiếu mua hàng trị giá 10.000 đồng. Khi khách quyết định mua hàng thì tấm phiếu đó sẽ được quy ra tiền. Nghĩa là chiếc áo trị giá 200.000 đồng/chiếc, em đưa phiếu này chị sẽ giảm giá 10.000 đồng, trị giá của chiếc áo chỉ còn 190.000 đồng thôi”. Chúng tôi hỏi: “Có tấm phiếu này, không mua gì có đổi được 10.000 đồng không chị”. Chị chủ hàng cười lớn: “Không đâu em ạ!”. “Thế thì không thể nói là “Không mua cũng tặng 10K” được chị ạ. Vì nếu không mua hàng thì tờ phiếu chị là không có giá trị”. Chị chủ hàng lập tức đổi giọng: “Làm gì có cái gì cho không”.

 

Tiếp theo, chúng tôi đến một cửa hàng gần đó cũng có biển đề “Tặng ngay 10K cho khách vào cửa hàng”. Ngay lập tức, một nhân viên nữ chạy ra với nụ cười thật tươi tặng chúng tôi mỗi người một tấm phiếu mua hàng trị giá 10.000 đồng. Và tất nhiên, tấm phiếu này cũng chỉ có giá trị khi khách mua hàng.


Thắc mắc của chúng tôi được chị Nguyễn Yến Trang, chủ cửa hàng Thời trang Y&T (phố Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thẳng thắn: “Hàng tôi đẹp, giá lại hấp dẫn, chỉ cần đón được chân khách ghé vào cửa hàng coi như được 50% thắng lợi. Vì vậy, phải nghĩ ra “chiêu độc” này để đón khách đấy. Thời buổi khó khăn, tặng 10.000 đồng cho khách khi mua hàng cũng là thiện chí rồi”.

 

“Thanh lý” cũng… giả


Trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) đang có một cửa hàng thời trang hút được chân vô số khách hàng nhờ tấm biển “Thanh lý toàn bộ cửa hàng bán giá rẻ như cho”. Trong vai khách hàng, chúng tôi tỏ ý muốn sang nhượng lại cửa hàng thì bà chủ lập tức từ chối với lý do rằng treo biển để cho thuê... một cửa hàng khác trong ngõ nhỏ.


Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cửa hàng thời trang này tiết lộ: “Nhà tôi ngày nào cũng đổ đống hàng ra bán, không phải hàng lỗi, hết mốt mà là hàng mới nhập về. Cũng bộ quần áo đó, treo lên thì khó bán nhưng đổ đống ra là đẩy hàng rất nhanh”. Bà Nga bảo mình lấy hàng tận gốc, cả lô về nên giá rất rẻ, đổ đống ra rồi đề “thanh lý” để nhiều người ham rẻ đến mua. Mới đầu chỉ có cửa hàng của bà dùng chiêu này nên đắt khách, lâu dần các cửa hàng khác cũng học theo. Thậm chí, có cửa hàng vừa mới khai trương đã treo biển “thanh lý” để “làm mồi”.


Chị Trần Thị Bình, một khách hàng đang chọn mua quần áo thanh lý ở đây tâm sự: “Tôi là công nhân, lương có 3 triệu đồng/tháng nên không thể bỗng dưng thích là đi mua quần áo mà chỉ trừ khi thấy có biển giá bán hấp dẫn mới ghé vào chọn vài chiếc”.


Hầu hết khách hàng đến mua tại các cửa hàng kiểu này là vì những tấm biển quảng cáo hấp dẫn, giá rất rẻ. Tuy nhiên, nói về chất lượng thì nhiều khách hàng lại than thở “tiền nào của nấy”...

Cách tránh bị lừa… rút ví!


Phương thức bán hàng “tặng quà”, “giảm giá”, “khuyến mại”… không có gì mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, không phải nơi nào có biển đề “ưu đãi” thì người tiêu dùng được hưởng lợi mà nhiều khi chỉ là chiêu “nhử” khách.


Chuyên gia kinh tế Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện Phân tích kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng: “Mua rẻ lại được hàng chất lượng tốt thì tâm lý ai cũng muốn. Tuy nhiên, muốn “tiết kiệm” túi tiền của mình thông qua việc phải mua bằng được giá rẻ, nghĩa là quá tham rẻ sẽ bị lệ thuộc vào tâm lý này và sẽ không còn tỉnh táo nữa. Đó là lúc dễ bị lừa nhất”.


“Nhiều người dù không có ý định mua đồ nhưng khi đi trên đường nhìn thấy những tấm biển kiểu như “cho không tiền”; “hàng xịn giá bèo”, “thanh lý cửa hàng”… là lập tức “nhào zô” rồi rút ví. Khi đã bước vào cửa hàng, nếu không nắm chắc được giá cả và chất lượng các mặt hàng thì khách hàng rất dễ bị lừa. Lý do là bởi ngoài sự hấp dẫn của lời quảng cáo, khách hàng còn bị hấp dẫn bởi hiệu ứng đám đông với chính các loại đồ dùng nằm ngoài dự tính, ngoài kế hoạch của mình”, ông Mỳ phân tích.


Vì vậy, trước khi quyết định mua bất cứ món hàng gì trong điều kiện kinh tế vẫn khó khăn người tiêu dùng cần xác định nhu cầu của mình trước những sản phẩm giá rẻ. Hãy trả lời câu hỏi “Mua để làm gì?” nhằm tránh “vác” những thứ không cần thiết về nhà, để rồi sau đó lại phải tìm cách cho đi. Nếu câu trả lời là “Không để làm gì” hoặc “Nhà mình đã có một cái đang dùng tốt” thì tốt nhất là… nên bỏ đi. Với quyết định này, người tiêu dùng sẽ tránh được việc mất tiền vô ích mà còn không bị mất thời gian với hiệu ứng đám đông đó.

“Khi có nhu cầu mua bất kỳ món hàng nào có giá trị hãy tìm mua sản phẩm khuyến mại của những thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường. Nắm được giá cả, xuất xứ của sản phẩm, nếu đúng là mặt hàng mình cần mua, đang bán có khuyến mại rẻ hơn thị trường, nguyên đai nguyên kiện, lại được bảo hành… thì nên đưa ra quyết định “rinh” hàng về nhà. Đó cũng là “cơ hội vàng” giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt giá rẻ”.

Chuyên gia kinh tế Nghiêm Chí Mỳ

Mai Hạnh
theo GĐ&XH

Từ khóa: