Sự kiện hot
10 năm trước

Những dịch vụ “hốt bạc” mùa thi

Dantin - Những ngày cuối tháng 6, hàng nghìn sĩ tử cùng người nhà nườm nượp đổ về TP.HCM tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Tranh thủ thời cơ, nhiều quán nước, cơm bình dân, phòng trọ, nhà nghỉ mọc lên như nấm gần khu vực hội đồng thi và đua nhau “chặt chém”.


Đội “Tiếp sức mùa thi” sẵn sàng hỗ trợ các sĩ tử trong tìm nơi ăn chỗ ở.

Quán cà phê cũng thành phòng trọ

Do lượng thí sinh từ các tỉnh đổ về TP.HCM khá đông để chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, nên các chủ hàng kinh doanh đều coi đây là cơ hội hốt bạc mà một năm chỉ có vài ngày. Đó cũng là lý do vì sao các dịch vụ ăn theo mùa thi đại học 2014 đều có chung đặc điểm "ra sức chặt chém" thí sinh và người nhà không thương tiếc.

Theo khảo sát của PV Báo ĐS&TD, tại một số trường đại học thuộc Q.5, Q.9 và Làng đại học Quốc Gia TP.HCM (Linh Trung, Thủ Đức), giá trọ cho thuê, nhà nghỉ khách sạn ở những khu vực này cũng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Giá phòng trọ cho thuê theo đầu người dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày/người; giá cho thuê tại khách sạn, nhà nghỉ từ 300.000 - 600.000 đồng/ ngày/phòng 2 người.


Thông báo cho thuê nhà trọ được dán đầy khắp khu vực trước cổng trường.

Nhiều hộ nhà dân cũng đã chớp cơ hội để kiếm thêm thu nhập bằng cách cho các thí sinh dự thi thuê luôn cả phòng còn trống trong nhà với mức giá từ 80.000 - 120.000 đồng/ngày/người. Thậm chí, quán cà phê cũng “kiếm thêm” với dịch vụ… cho thuê phòng dạng ở tập thể với giá 60.000/người/ ngày.

Không chỉ vậy, một số chủ nhà trọ còn ra sức tranh giành, chèo kéo thí sinh về thuê phòng. Bạn Nguyễn Việt Dũng (sinh viên trường ĐH GTVT cơ sở II, TP.HCM) cho biết: “Khi tham gia chương trình tiếp sức mùa thi của trường, chúng em đã gặp nhiều trường hợp chủ trọ chạy đến tận bàn hướng dẫn của đội để lôi kéo thí sinh khi bọn em đang hướng dẫn cho phụ huynh và thí sinh”.

Quán nước, hàng ăn cũng chớp thời cơ “tát nước theo mưa”

Ngay trong đợt dự thi đại học đầu tiên, xung quanh các cổng trường, quán nước, hàng cơm đua nhau mọc lên bất chấp các biển hiệu cấm gần đó. Nhiều hàng quán bán từ sớm để tranh chỗ tốt hoặc chuyển từ trong ngõ ra gần cổng trường. Dọc hai bên đường An Dương Vương (Q.5), nơi có hai trường đại học đối diện nhau là ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn, hay trước cổng trường ĐH KHTN (Q.5), ĐH GTVT cơ sở II (Q.9)… đều là điểm tập trung quen thuộc của những hàng quán bán rong. Đây cũng chính là thời điểm các chủ quán bắt “hớn hở” bắt đầu đợt tăng giá bán mới.

Một chai trà xanh C2 được bán từ 15.000 - 20.000 đồng/chai, ly nước mía ngày thường chỉ 4.000 - 5.000 đồng cũng tăng lên 8.000 - 10.000 đồng, các quán ăn cũng tăng giá gấp đôi so với ngày thường. Bạn Trúc, thí sinh dự thi đại học đến từ Bến Tre cho biết: “Lúc mới lên thành phố, em khá bất ngờ với giá một đĩa cơm bình dân sao mắc quá, chỉ có cơm trứng kho thịt và rau luộc, chủ quán lấy em đến 50.000 đồng/phần. Ban đầu, em cứ tưởng ở Sài Gòn đồ ăn thức uống đều mắc vậy nhưng khi kể chuyện với cô chủ nhà, em mới biết rằng mình đã bị đưa lên “máy chém”, bình thường, cơm bình dân ở đây chỉ tầm từ 15.000 - 25.000 đồng/phần thôi. Mấy hôm nay em với mẹ chỉ quanh quẩn ăn mì gói và bánh mì”.

Tuy nhiên, chủ quán thường “nhìn mặt đặt giá”, nếu khách vào ăn uống mà “tay xách nách mang”, ăn mặc hơi “lúa lúa” là chắc chắn “vào lưới”. Thậm chí, nhiều cửa hàng vốn kinh doanh thời trang, văn phòng phẩm, nhưng nay cũng chuyển sang kinh doanh quán ăn hoặc nước giải khát để phục vụ cho mùa thi. Đồ nghề của các chủ “quán cóc” này khá đơn giản, thường là vài cái ly, ghế nhựa và bình đá.

Nhà mạng, hàng photo cũng “bận rộn” kiếm tiền

Sau khi làm bài thi, không ít thí sinh tò mò muốn biết đáp án kết quả thi. Nắm bắt được tâm lý này, các dịch vụ giải đề thi cũng trở nên nhộn nhịp hơn.

Tiệm photocopy trở nên sầm uất hơn trong mùa thi với các dịch vụ in ấn, photo tài liệu ôn thi. Không những “hái tiền” từ lúc kì thi chưa bắt đầu, tiệm photocopy tiếp tục kiếm thêm bộn tiền nhờ bán bài giải môn thi đại học, cao đẳng ngay khi môn thi kết thúc. Bài giải môn thi được “phân phối lẻ” đến nhiều sỉ tử với giá 5.000 đồng/bài giải/môn. Đây là một hình thức kinh doanh khá hiệu quả khi số vốn bỏ ra khoảng 500 đồng/bài giải/môn, cộng với một ít công sức chép bài từ mạng internet về, ngay lập tức, lợi nhuận các chủ tiệm thu về đã tăng gấp 10 lần số vốn bỏ ra.

Các nhà mạng cũng không bỏ qua cơ hội mà “vào cuộc”, với dịch vụ 15.000 đồng/tin nhắn báo điểm, hình thức này khá ăn khách và sống tốt do được nhiều người sử dụng qua nhiều kỳ thi từ thi tốt nghiệp THPT đến thi đại học, cao đẳng. Doanh nghiệp trong nước cũng nhân cơ hội này để PR cho sản phẩm của công ty mình. Chương trình bán sim khuyến mãi thông qua phát tờ rơi hay hình thức PR khá thông minh bằng việc phát miễn phí thực phẩm bản đồ, quạt tay… có in logo thương hiệu để hỗ trợ sĩ tử.


Phát miễn phí thức ăn cho sĩ tử - hình thức PR khá thông minh của doanh nghiệp bánh kẹo.

Bên cạnh đó, vẫn có những hành động xuất phát từ lòng nhân ái, nhường cơm xẻ áo, sẵn sàng giúp đỡ sĩ tử để có chỗ ở miễn phí hay cung cấp bữa ăn “0 đồng”. Chương trình "Cơm chay gieo duyên Tiếp sức mùa thi" do chùa Lộc Dã (quận 8, TP.HCM) đã mang các bữa ăn miễn phí đến hỗ trợ cho các sĩ tử. Vào các ngày thi, chùa đều chế biến và chuẩn bị kĩ lưỡng hàng trăm suất cơm và nhờ các bạn sinh viên trong đội "Tiếp sức mùa thi" vận chuyển đến các địa điểm thi cho thí sinh. Của ít lòng nhiều, chị Đỗ Thị Thu Thủy (Nhân viên văn phòng, ngụ tại Q.Bình Thạnh) vui vẻ cho biết: “Phòng trọ tôi đang ở còn khá rộng nên trong mùa thi này, tôi dự tính giúp cho 2 bạn là thí sinh Quảng Nam vào ở nhờ trong những ngày thi. Đồng thời, tôi có hỗ trợ thêm cho các bạn mỗi ngày một bữa cơm tối miễn phí, tuy không nhiều nhưng tôi cũng đã giúp đỡ được phần nào cho bạn đồng hương”.

Một số tổ chức, các nhân khác cũng chung tay mang đến cho các em cùng người thân những bữa cơm hay những nơi ở miễn phí. Hy vọng rằng, với những hành động này sẽ giúp những thí sinh lần đầu đặt chân đến Sài thành hoa lệ cảm thấy ấm lòng hơn và an tâm thi cử.

Thi Trần

Từ khóa: