Sự kiện hot
10 năm trước

Những mảnh đời vất vả

Chị Hạnh cầm bó hoa trên tay, thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, xe dừng lại, chị liền ôm bó hoa, đon đả chào mời. Khi khác hàng chưa kịp đưa tiền thì bóng dáng của dân phòng xuất hiện. Bỏ dỏ cuộc mua bán giữa chừng chị liền vội vã dắt chiếc xe đạp chở đầy hoa chui tận sâu vào con ngõ hẻm.

“Chợ chạy” giữa ngã tư đèn đỏ

Nhiều năm nay, ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Du chính là địa điểm kinh doanh lý tưởng của nhiều người “bán hoa chạy”. Trên chiếc xe đạp dạo chất đầy những thúng hoa ngày nào cũng vậy họ rong ruổi khắp phố phường vất vả mưu sinh. Chị Hạnh quê ở Vũ Thư – Thái Bình đã có kinh nghiệm nhiều năm kiếm sống nhờ việc bán hoa ở vỉa hè phố. Cả năm trời hôm nào cũng vậy, chị thức dậy từ 5 giờ sáng lấy hoa từ chợ đầu mối tại đường Lạc Long Quân mang ra ngã tư quen thuộc để bán cho kịp trước giờ mọi người đi đến công sở. Thúng hoa của chị Hạnh xuất hiện tại ngã tư này đã trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người đi đường.

Vừa chia hoa ra thành từng bó nhỏ, chị Hạnh vừa chia sẻ. Thời gian bán được nhiều thường vào lúc sáng sớm hoặc tan tầm nhưng lúc đó giao thông đông đúc, chị luôn phải đối mặt với nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy có thể bị tai nạn giao thông. “Đứng bán ở đây, ai cũng tưởng dễ kiếm sống nhưng thực tế cũng cơ cực lắm. Có hôm, mời khách mua được bó hoa, sau khi mặc cả xong thì đèn xanh, họ lại đi vội nên mất toi khách. Hôm nào không may, bị an ninh trật tự thu cả đống hoa thì coi như mất sạch. Biết là gây cản trở giao thông nhưng vì kiếm sống cũng không thể bỏ được”, chị Hạnh nói.

Đang nói dở câu chuyện, thấy đèn hiệu chuyển sang màu đỏ, xe dừng lại, chị liền ôm bó hoa, đon đả ra chào mời. Khi khách hàng chưa kịp đưa tiền thì bóng dáng của dân phòng xuất hiện. Bỏ dở cuộc mua bán giữa chừng chị liền vội vã dắt chiếc xe đạp chở đầy hoa chui tận sâu vào con ngõ hẻm.

Chờ cho xe dân phòng đi qua mới dắt xe trở lại và thể hiện niềm tiếc nuối: “Buổi sáng, thế là mất một khách rồi. Ở đây ngã tư, đông người cũng dễ bán nhưng lại lấn chiếm vỉa hè, thường xuyên bị nhắc nhở rồi bị đuổi nữa. Được cái, chỉ bán được lúc đèn đỏ chưa tới 1 phút nên khách mua cũng xởi lởi, hầu như không kén chọn nhiều”. Trên ngã tư con phố này những người kiếm sống quanh cái đèn đỏ như chị Hạnh không phải là hiếm.

Mưu sinh bất chấp mọi hiểm nguy



Chị Lan người cùng bán cạnh xe hàng chị Hạnh cho biết “Bán ở ngã tư đèn đỏ nên lúc nào cũng bị nhắc nhở, phải thay đổi địa điểm liên tục, lúc ở phố này mai ở phố khác. Thường thì chỉ bán được vào lúc buổi trưa chứ giờ tan tầm, tắc đường xe họ lao cả lên vỉa hè chẳng bán được bao nhiêu mà nguy hiểm”, Chị Lan cho hay.

Theo chia sẻ của những người buôn bán ở ngã tư, điểm chung của nơi kinh doanh này là khách hàng thường dừng lại rất ngắn, nên mọi giao dịch phải diễn ra nhanh gọn. Chính vì thế, kinh nghiệm của các tiểu thương thường phải rao sát giá, hàng hóa cũng phải đẹp để khách không phải lựa chọn và các thao tác gói hàng cho khách, lấy tiền cũng phải thật nhanh. Nếu “đắt hàng” mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng nhờ bám vào ngã tư này để buôn bán.

Nói về chuyện bảo kê ở vỉa hè, chị Lan kể, đã không ít lần chị gặp côn đồ tới gây rối, thậm chí có người muốn đuổi chị đi khỏi chỗ khác cũng nhờ tới dân “anh chị”. Tuy nhiên, chị luôn chọn giải pháp an toàn là chuyển địa điểm, hoặc nhờ mấy bác xe ôm can thiệp.

Theo những người bán hoa tại ngã tư này cho biết. Hầu hết họ đều có những mảnh đời khó khăn vất vả và xuất phát ở các vùng nông thôn lên buôn bán kiếm sống mưu sinh nuôi sống gia đình.

Như hoàn cảnh chị Hạnh xuất phát từ một gia đình làm nông nghiệp. Hai vợ chồng làm lụng nuôi 7 miệng ăn, nhưng từ khi 2 đứa con đều đậu vào các trường đại học ở Hà Nội thì chị cũng phải lên đây thuê phòng ở cùng con đi bán hoa để trả tiền phòng, chu cấp tiền cho con ăn học. Còn chồng thì ở nhà làm nông nuôi 3 đứa nhỏ. “Hôm nào ngày rằm hay mùng 1 bán đắt hàng thì được vài trăm nghìn trừ đi tiền ăn uống, chi tiêu ba người thì tôi cũng phải tích lũy một ít phòng hôm trời mưa không bán được rồi lại gửi về phụ giúp chồng nuôi ba đứa nhỏ đang ăn học ở quê nữa chứ. Có tháng bị ốm, mệt mỏi nhưng các con không cho đi bán, nhưng nghỉ được một hai hôm lại phải đi tiếp.”

Cùng hoàn cảnh, chị Lan quê ở Thiệu Hóa - Thanh Hóa cho biết: “Bán hoa thế này người ta bảo công việc nhẹ nhàng không bẩn chân, bẩn tay nhưng vất chú ạ. Có hôm mới đưa ra bán chưa được mấy công an dân phòng ra họ ôm vứt lên xe hết, thế là hôm đó vừa không bán được hàng lại vừa mất vốn nữa, chứ không phải sướng gì đâu”

Tuy mỗi người có một mảnh đời éo le nhưng việc những ngã tư vỉa hè là chỗ kiếm sống của nhiều người dân, theo phản ánh của không ít người tham gia giao thông, việc buôn bán này lại là một tác nhân gây cản trở giao thông vào giờ cao điểm, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chèo kéo khách đi đường. Không kể tai nạn vẫn luôn rình rập họ.







Bài & Ảnh: Sỹ Thành

Từ khóa: