Sự kiện hot
12 năm trước

Nỗi đau thầm lặng của những “chiến binh thời bình”

Để có được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, họ phải đối mặt với đủ kiểu hình thức khủng bố. Nhưng trong ứng xử hàng ngày, số đông người dân xung quanh lại xem họ là… những người không bình thường.

Để có được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, họ phải đối mặt với đủ kiểu hình thức khủng bố. Nhưng trong ứng xử hàng ngày, số đông người dân xung quanh lại xem họ là… những người không bình thường,

Bà Nguyễn Thị Hòa ở phố An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội), chị Phan Thanh Hương, phóng viên báo Người cao tuổi là hai trong số hàng trăm "chiến binh" tiêu biểu trên mặt trận chống tham nhũng. Để có được thành công trong cuộc chiến với loại tội phạm này, họ đã phải đối mặt với đủ kiểu hình thức khủng bố, lúc theo kiểu xã hội đen, khi lợi dụng quyền lực để trấn áp. Nhưng có một thực tế đau lòng hơn, đó là, trong ứng xử hàng ngày, số đông người dân xung quanh lại xem họ là… những người không bình thường. Chính điều này đã đẩy người chống tham nhũng vào tình thế đơn độc đến tội nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hoà: "Tôi bị cho là lập dị, là điên khi cứ xả thân đi chống tham nhũng"

“Những chiến binh” thời bình

Ở tuổi 58, bà Hòa đang có cuộc sống sung túc, đuề huề, con cái phương trưởng. Như nhiều người khác, đây là lúc bà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, nhưng với bà Hòa chống tham nhũng là bảo vệ đất nước nên còn sống thì còn chiến đấu. Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của cuộc chiến chống lại vấn nạn này, bà Hòa luôn sẵn sàng vào cuộc vạch rõ những hành động tiêu cực nếu có thông tin chính xác.

Theo bà Hòa, trong vài năm trở lại đây, bà có đơn tố cáo việc thất thoát tài sản nhà nước tại gói thầu số 9 và số 10 kè Hồ Tây và việc xây nhà đè lên cống thoát nước chính của nhà 130 An Dương. Cũng từ đó gia đình bà liên tục bị khủng bố dưới nhiều hình thức, nhẹ thì thuê trẻ em đến chửi bới làm loạn trước cửa nhà, nặng thì ôm mìn đến ném (ngày 28/4 và 5/5/2010). Sự việc này bà đã báo với cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa điều tra ra thủ phạm.

Mới đây nhất, đêm 11/11/2011 lại có hai thanh niên dùng gạch ném vào nhà bà. Liên tiếp những vụ đe dọa nhằm uy hiếp tinh thần để bà Hòa không theo đuổi các vụ kiện, khiến bà và người dân ở phố An Dương hết sức bức xúc. Hình ảnh của vụ ném pháo và ném gạch vào nhà bà được camera an ninh ghi lại rõ ràng, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ.
Theo bà Hoà, ngoài những hành vi trên thì nhà bà thường xuyên bị kẻ xấu cắt dây điện, ném "bom chất thải", chửi bới làm xáo trộn cuộc sống của bà và người dân xung quanh. Nhưng những hành vi của kẻ xấu không làm lung lạc ý chí của nữ cựu chiến binh này, trước đây bà khiếu kiện chỉ vì thấy những điều chướng tai gai mắt diễn ra trước mắt mình, giờ đây bà lập hẳn một đường dây nóng tư vấn miễn phí, sẵn sàng tham gia khiếu kiện giúp người bị hại.

Trường hợp của chị Phan Thanh Hương, phóng viên báo Người cao tuổi là một câu chuyện khác, khi người chị khiếu kiện là lãnh đạo của mình. Nhận biết được sai lầm trong biển thủ công quỹ (5,6 tỷ đồng) của lãnh đạo báo “Người cao tuổi” thời điểm 2001, chị Hương đã tiến hành góp ý. Ngược lại với thành ý tốt của chị, lãnh đạo báo Người cao tuổi thời điểm đó đã có hành động vùi dập, nhằm đẩy chị vào bước đường cùng như tự ý rút thẻ nhà báo, không ký hợp đồng dài hạn, hạ bậc lương, không đăng bài nhằm hủy hoại danh dự và nguồn sống của chị. Với bản lĩnh của nữ cựu chiến binh, một nhà báo nhiều năm tham gia chống tiêu cực, chị Hương không gục ngã mà nung nấu thêm ý chí, quyết đem vụ việc ra trước ánh sáng pháp luật.

Nỗi đau về cách hành xử

Những con người như bà Hòa và chị Hương là những cá nhân điển hình yêu nước, đã được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương vinh danh. Nhưng có một điều trớ trêu, trong cuộc sống đời thường, hành vi của họ được nhiều người xem là lập dị, khác người, thậm chí họ còn xa lánh để tránh tai họa lây vào mình.

Chị Phan Thanh Hương: "Tôi đã từng bị đồng nghiệp coi là "tai hoạ di động"

Chị Hương tâm sự, nghĩ lại thời điểm đó điều khiến chị buồn nhất không phải vì mình bị vùi dập, mất hết quyền lợi mà chính là thái độ của không ít đồng nghiệp đối với chị. Thậm chí, có đồng nghiệp coi chị là "tai họa di động", họ sợ gần chị, sợ vạ lây vì các sếp chèn ép do có cảm tình đối với một người dám nói ra sự thật. Chị còn phải chịu sự dè bỉu của đồng nghiệp, nhiều người vì muốn lấy lòng sếp, muốn ghi điểm trong mắt lãnh đạo, họ sẵn sàng sỉ nhục, mạt sát, trong số đó có người chỉ đáng bậc em, bậc cháu của chị. Đến bây giờ chị không trách họ, chỉ buồn vì thế hệ trẻ giờ quá thực dụng, văn hóa ứng xử với người dám đấu tranh vì công lý ở công sở bị xuống cấp trầm trọng. Nếu tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều công sở khác thì đó là điều đáng báo động.

Chị thở dài: "Trong chiến tranh, bên cạnh cái chết luôn rình rập, con người ta sao tình người đến thế. Việc nào khó khăn, vất vả, gian nguy cũng tranh nhau làm. Giờ thời bình, cái đơn giản nhất là biết đứng về lẽ phải lại khó khăn hơn cả đối diện với cái chết". Chị bảo, bây giờ chị mới thấm thía câu nói trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: "Trâm không sợ kẻ thù, mà chỉ sợ những thói hư tật xấu của kẻ thù còn sót lại trong những người đồng chí của mình".

Với bà Nguyễn Thị Hòa, hành động bán nhà, bán trang sức để làm cái việc mà không ít người cho rằng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Bà tâm sự, "có người xem hành động của tôi là dại dột, vì theo lẽ thường người ta đi tham nhũng để xây nhà, đằng này lại đi bán nhà để chống tham nhũng, quả là một việc dị thường". Nhưng với bà, trơ mắt nhìn người khác vơ vét của công mới là hành động dị thường.

"Hàng xóm của tôi còn bảo chị làm thế làm gì cho khổ". Ngay cả đứa con gái của tôi cũng nói: “Mẹ hãy vì cuộc sống của con mà dừng lại. Tôi biết nó nói thế là vì, khi tôi khiếu kiện thời nó còn đi học bị người ta chặn đánh như cơm bữa, hay nhiều đêm ngủ bị khủng bố điện thoại đe dọa tính mạng làm nó hoang mang" - bà Hoà trần tình. Theo bà Hòa, sự thực dụng trong lối sống hiện đại đã lên mức báo động, giờ người ta chỉ biết lo cho cái phận của mình hơn là làm việc có ích cho xã hội.

Đường vẫn còn xa

Luật sư Nguyễn Đỗ Hiệp, Công ty luật Phượng Hoàng, đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Trong thực tế người tố cáo tham nhũng luôn là người yếu thế hơn người tham nhũng về mặt địa vị xã hội cũng như điều kiện kinh tế. Vì thế người đấu tranh chống tham nhũng luôn bị người bị tố cáo tham nhũng có hành vi trả thù về mặt chính trị, công việc, tính mạng, tài sản. Việc bảo vệ người chống tham nhũng là công tác cấp thiết trong công cuộc chống tham nhũng.

Pháp luật nên quy định người có hành vi trả thù, đe dọa, quấy rối người chống tham nhũng và người nhà của họ là tội phạm. Cụ thể là nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự về tội chống người thực hiện chống tham nhũng".

Theo bà Hòa, trong khi tham nhũng đã là vấn nạn diễn ra từ lâu ở nước ta thì việc chống tham nhũng còn đang bước những bước chập chững đầu tiên. Những vụ việc mà bà theo đuổi tính chất của nó đơn giản, rõ ràng như vụ xây nhà trái phép ở 130 An Dương nhưng kéo dài từ 2007 đến nay không xử lý. Ngay vụ việc nhà bà bị hành hung đe dọa, hình ảnh của kẻ ném mìn, ném pháo, ném gạch vào nhà được camera lưu lại rõ nét nhưng khi báo cho công an quận Tây Hồ đến nay vẫn chưa được làm rõ. Thậm chí những vụ việc khiếu kiện đã đưa ra ánh sáng của pháp luật chứng minh là đúng sự thật thì hành vi phạm tội của các bị cáo vẫn chưa được xét xử rõ ràng, gây bức xúc trong dư luận.

Trong vụ việc sai phạm thi công xây kè Hồ Tây, khi kiểm toán nhà nước chứng minh số tiền gây thất thoát lên đến 39,74 tỷ đồng. Vậy nhưng, những cá nhân liên đới chịu trách nhiệm vẫn chưa bị xét xử theo quy định của pháp luật. Vụ án tham nhũng tại báo “Người cao tuổi” được làm rõ từ năm 2007 nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Công tác bảo vệ người tố cáo và xử lý người vi phạm ở nước ta theo bà Hòa và chị Hương còn quá chậm trễ và có nhiều bất cập. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nạn tham nhũng như con bệnh nhờn thuốc, thậm chí nó còn được xã hội nhìn nhận đó là chuyện... bình thường.
Với thành tích đạt được trong việc chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Hòa, nhà báo Phan Thanh Hương được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương tuyên dương và được tôn vinh là những cá nhân xuất sắc trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Trinh Phúc
Theo Người đưa tin

Từ khóa: