Sự kiện hot
5 năm trước

Nông dân với Tết Kỷ Hợi

Nói đến năm Hợi ai cũng hiểu đó là năm mang tên chú Lợn. Con vật dễ thương này đã đi vào thi ca cuốn hút mọi lứa tuổi đó là chuyện, phim “Tây Du Ký” với tên gọi “Trư Bát Giới”. Người đời thường bảo ai cầm tinh con lợn số sẽ nhàn hạ, sung sướng, hay gặp may mắn. Người nông dân - thuần nông cùng với con trâu, bò, chó, mèo, gà, lợn… không chỉ là vật nuôi mà còn được xem là những người “bạn” thân thiết của họ.

Chú Hợi, đã từ lâu, nhất là khi kinh tế đất nước còn chưa phát triển, cung chưa đủ cầu, nhà nông nào cũng nuôi lợn, một trong nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống gia đình ở nông thôn. Lợn là nguồn thực phẩm hàng ngày của cả xã hội. Nuôi lợn là để giết lấy thịt.

Mỗi khi “hóa kiếp” cho chú Hợi, không ít người đã khóc vì thương. Ước mong của người chăn nuôi hàng ngày là chú hay ăn chóng lớn, vỗ béo để bán được nhiều tiền. Mong muốn là vậy nhưng nghe tiếng “than khóc” của chú Hợi người nuôi nào chả chạnh lòng, thương quý, khổ đau (!). Tình cảm giữa con người và vật nuôi là có thật, là lẽ thường của tự nhiên, bản tính của con người.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, rất nhiều con số đáng mừng về tăng trưởng nông nghiệp nhờ thay đổi mới tư duy kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

  Nông dân chăm sóc đàn lợn

Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt ở 200 quốc gia trên thế giới, đạt 40 tỷ USD/năm. Người nông dân có thể sống tốt và làm giàu từ nông nghiệp: Con tôm ôm cây lúa ở Bạc Liêu; trồng nấm mỡ, nấm sò ở Đà Nẵng; nuôi tôm hùm ở một số tỉnh có biển; hàng ngàn cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo chuẩn VietGap áp dụng công nghệ cao cho ra những thực phẩm sạch: rau, củ, quả, gia súc, gia cầm.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi tư duy liên kết làm ăn, tiêu thụ sản phẩm, hàng triệu nông dân đổi đời, thoát nghèo, làm giàu từ cây cam, quýt, mít, dừa, dưa hấu, chuối, thanh long, na, chanh leo, xoài, vải, sầu riêng… Chuối tiêu hồng, nhãn lồng Hưng Yên, vải Bắc Giang, cam Cao Phong (Hòa Bình), na xứ Lạng, gạo Điện Biên, cá da trơn đồng bằng sông Cửu Long, dừa Bến Tre, tôm sú, tôm càng xanh… đăng ký mã vạch, xuất xứ tin cậy đã trở thành thương hiệu nông, thủy hải sản quốc gia, hội nhập thế giới tiêu dùng quốc tế với tâm thế tự tin, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với hàng tiêu dùng các nước.

Biết bao kinh nghiệm thú vị được đúc kết sau 10 năm triển khai nghị quyết tam nông… Máy móc đã dần thay thế sức lao động con người, sản xuất nông nghiệp làm vãn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển dịch vụ cung ứng thị trường tiêu dùng (phi nông nghiệp) làm thay đổi bộ mặt, cuộc sống của người nông dân; khoảng cách nông thôn - thành thị đã thu hẹp đáng kể.

Thành quả của chương trình “xây dựng nông thôn mới” đóng góp đáng kể làm đổi thay diện mạo, chất lượng cuộc sống của nhà nông. Mạng internet phát triển, nông dân tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, học hỏi làm giàu rất mau lẹ, sáng tạo. Họ đổi đời từ đây. Nhiều tỷ phú nhà nông đi lên từ chân đất, tay dính bùn vẫn lướt mạng thật kính nể.

Mừng vui xen lẫn lo âu. Có lẽ vì sinh kế mà không ít lao động trẻ ở nông thôn đã rời bỏ quê hương đi khắp các tỉnh, thành (nhất là chốn đô thị) tìm việc, ổn định cuộc sống lâu dài. Với họ đâu cũng là quê hương.

Không ít người liều vay mượn cả số tiền lớn để đi xuất khẩu lao động nước ngoài; có người đã gặp tai ương vì bị lừa đảo, thậm chí bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Lại có người vì lòng tham, mong sang giàu, đổi đời trong nhàn hạ lôi kéo nhiều nông dân góp hụi, vay nặng lãi, tín dụng đen, kinh doanh đa cấp, tham gia các khóa học “làm giàu siêu tốc” để rồi khuynh gia bại sản. Có những vùng quê toàn thấy người già trông coi nhà cửa, ruộng vườn.

Kinh tế phát triển, đời sống khấm khá hơn thế mà có người ước rằng: đạo đức xã hội được như xưa. Người ta không vui vì cuộc sống bị uy hiếp, đe dọa bởi ô nhiễm môi trường sống thật đáng sợ. Không phải nói quá đâu. Con người đang tự hủy hoại mình bằng lối sống, tư duy bảo thủ, trì trệ: xả rác, chất thải độc hại (đồ nhựa, hóa chất, chất thải rắn, ô nhiễm làng nghề, sản xuất gạch thủ công, sản xuất đồ nhựa) trong sản xuất công nghiệp, sinh hoạt hàng ngày ra môi trường; nhập lậu rác thải công nghiệp bất chấp pháp luật, coi thường xã hội, đồng loại. Mặt trái của đô thị hóa nông thôn làm cho làng quê không giữ được bầu không khí trong sạch, yên bình, đáng sống như xưa…

Đây là thực trạng cả thế giới phải đối mặt khi bước vào guồng quay phát triển nóng. Môi trường sống còn bị hủy hoại bởi nạn phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên được kiến tạo qua hàng trăm nghìn năm; phá núi làm xi măng, khai thác than, cát, khoáng sản quý hiếm, tận diệt thủy hải sản… Nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, ma túy, trộm cắp…là mối đe dọa lớn, hệ lụy không nhỏ cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Phác họa bức tranh nông thôn Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 nhận thấy mảng sáng là chủ đạo. Là nước có tới trên 70% dân sống ở nông thôn, xuất thân từ nông dân đương nhiên họ được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước. Thiên tai, bão lũ, ô nhiễm môi trường, tiêu cực xã hội ít nhiều đều tác động đến đời sống của những người đang sống ở vùng quê yên bình.

Biến đổi khí hậu toàn cầu đang dẫn đến nguy cơ ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Ninh Thuận; Bình Thuận; thiếu nước sạch, nước tưới ở miền trung Tây nguyên. Nơi lũ lụt, nơi hạn hán - bức tranh tương phản đang diễn ra trên cả nước. Tương lai gần là thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng hiện hữu tới hàng triệu người dân. Nước biển dâng ở TPHCM; ngập nặng, sạt lở đang đe dọa nhiều vùng quê đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều con sông, đập, hồ cạn khô. Phá rừng làm thủy điện, lấy gỗ, tận diệt thú quý hiếm; xâm phạm rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn diễn ra hàng ngày vô cùng phức tạp. Đứng trước những nguy cơ tự nhiên - xã hội, con người phải đối mặt để tồn tại. Đương nhiên, nông dân chỉ có một lựa chọn, tìm cách nâng cao chất lượng sống hoặc hủy diệt chính mình. Vì thế họ phải biết tự bảo vệ chính mình, tích cực tham gia loại bỏ hành động tiêu cực của đồng loại.

Truyền thông đã cho chúng ta thấy bức tranh tam nông tươi sáng của đất nước năm 2018. Mảng tối được phản ánh một phần. Nỗi đau sau mỗi mùa lũ, cơn bão đi qua; nỗi đau sau mỗi vụ tai nạn giao thông; nỗi đau sau mỗi vụ án ma túy, ngáo đá; nỗi đau vì di chứng của chiến tranh…

Trong muôn vàn nỗi đau đó đều có bóng dáng của người nông dân. Từ lâu nông dân, nông nghiệp, nông thôn vẫn được gắn với hai chữ “yếm thế”. Góc nhìn đó là thực tế. Nhà đầu tư không mặn với nông nghiệp; vùng xa, vùng sâu, vùng hẻo lánh còn gặp không ít khó khăn về hạ tầng, về đời sống; tệ nạn xã hội đang uy hiếp họ. Phóng sự nói về sự chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra thành phố trong đó có Thủ đô Tokyo của Nhật Bản có nét tương đồng với chúng ta. Đó là bài toán của nhiều nước châu Á. Nhu cầu việc làm, mong muốn có đời sống tinh thần thoải mái, môi trường sống văn minh hiện đại là chính đáng, cần khích lệ lại mâu thuẫn về quá tải hạ tầng, mặt trái của nhịp sống đô thị hiện đại, dịch bệnh, sức ép dân số, cùng nhiều bất cập khác…

Với những nước đi lên từ nông nghiệp, câu chuyện về nông dân chưa bao giờ cạn. Đó là niềm cảm hứng bất tận của những người nghiên cứu văn hóa, xã hội; những người sáng tác, ghi chép phản ánh để có được những bức tranh chân thực về đời sống nông thôn, nông dân, nông nghiệp.

Cả thế giới chuẩn bị bước sang năm mới Kỷ Hợi. Cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn bớt khó khăn, nhọc nhằn, nhà nhà có của ăn của để, đất nước phồn thịnh.

Tam nông luôn là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nó gợi nhắc mỗi người nhớ về nơi mình sinh ra, trưởng thành. Nó là cội rễ của sức mạnh truyền thống lịch sử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Biểu tượng của tam nông có thể là cây tre, cây dừa, cây đa, bến nước, sân đình, ao sen… nhưng vượt lên tất cả là nghị lực sống phi thường, bản tính cần cù chịu khó, quyết tâm để có cuộc sống chất lượng hơn, tốt đẹp hơn: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”.

Bức tranh âm nhạc tuyệt đẹp ấy như lời nhắc nhở trách nhiệm mỗi chúng ta phải biết góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hiện đại, tươi đẹp mà vẫn giữ được gốc gác, nguồn cội văn hóa lịch sử dân tộc Việt Nam.

Văn Hùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: