Sự kiện hot
11 năm trước

"Ốc đảo" giữa đại ngàn

Nằm cô lập giữa miền rừng núi xã Hướng Lộc (Hướng Hóa, Quảng Trị), Ra Ty là vùng đất “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Muốn vào vùng đất này chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ.

Nằm cô lập giữa miền rừng núi xã Hướng Lộc (Hướng Hóa, Quảng Trị), Ra Ty là vùng đất “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Muốn vào vùng đất này chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ.

Dừng chân tại UBND xã Hướng Lộc, Bí thư xã Hồ Xuân Lợi bảo: “ Các anh muốn vào vùng đất xa xôi nhất của xã à. Nhưng nói trước là phải bỏ xe máy ở đây và lội bộ 8 cây số đường rừng. Nếu muốn đi thì bỏ giày da rồi mượn tạm đôi ủng mà đi, tôi sẽ đi cùng các anh vào đó với bản làng”.

Những cây số đầu tiên được vượt qua một cách nhanh chóng trong cái nắng như thiêu, như đốt. Bất chợt, cơn mưa rừng từ phía Tây kéo đến thử thách lòng kiên nhẫn và khả năng chịu đựng của khách bộ hành. Bí thư Lợi đúc kết đường vào Ra Ty bằng vần thơ: “Ra Ty đi dễ khó về - Vào được đất đó dầm dề mồ hôi”. Rồi ông cười khà khà.

Sau mưa, vắt nhảy như nong tằm. Vừa đi, chúng tôi vừa giục nhau phải nhảy cho nhanh kẻo vắt búng theo kịp, ai tụt hậu thì chúng có “bữa tiệc máu”. Những con suối nhỏ bị nước từ các lèn đá đổ xuống nhuốm một màu đỏ ngàu. Lúa trỉa dần hiện ra giữa những khoảng đồi nham nhở báo hiệu sự xuất hiện của làng bản.

Những gì chúng tôi tưởng tượng khi vào cái thôn ốc đảo này dần hiện ra. Không đường, không điện, không trường, không trạm và rất nhiều thứ không khác nữa. Dân bản chào đón khách lạ vào thăm với nghi thức cao nhất là: nước suối tinh khiết lấy từ độ sâu nửa mét pha rong rêu cùng thuốc lá trồng quanh nhà đem ra mời.

Trưởng thôn Ra Ty, Hồ Văn Mớc bảo: “Lâu lắm mới thấy cán bộ vào thăm bản. Dân bản mình muốn gặp cán bộ cũng phải đi từ mờ sáng mới đến Ủy ban. Cuộc sống ở đây cực khổ lắm, đã từ lâu rồi dân mình không dùng đến tiền. Sự giàu nghèo ở đây được đo bởi số thóc để ở trong nhà, người nào nhiều thóc gạo, nhiều nông cụ thì được coi là khá giả”.


Nghèo đói, đông con là hình ảnh thường thấy ở những gia đình ở Ra Ty.

Thôn Ra Ty hiện có 49 hộ, 275 nhân khẩu sống phân tán theo các vùng đồi có độ cao trên 800m so với mực nước biển. Các dãy núi cheo leo được đặt tên lần lượt là đồi Sâm Trang, đồi Bu, đồi Xa Xanh chia cắt bởi nhiều suối lớn nhỏ.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh bản cũng đã mất nửa ngày trời, ghé vào nhà già Hồ Văn Pâng lúc ông đang phơi những chùm ngô vừa hái trên núi. Già Pâng là cao niên của thôn, chứng kiến biết bao thăng trầm của miền đất bị quên lãng này. Già cố lục lọi trong trí nhớ già nua của mình về những mùa lúa trỉa trên đồi cao. Về những năm cây lúa không chịu trổ bông, không biết tại sao cái vùng đất này lúa rẫy rất xanh tốt nhưng đến mùa thì không chịu mọc bông cho dân làng. Vì thế dân bản làm lễ cúng nhiều lắm, cúng trâu bò, lợn gà nhưng chưa năm nào trời ban cho những hạt ngọc óng ánh mọc trên cánh đồng. Cho đến một ngày, những cán bộ nông nghiệp tìm đến trong sương rừng và khí núi, truyền dạy kỹ thuật bắt cây lúa phải đẻ bông cho bà con.

Già rơm rớm nước mắt: “Biết ơn cái cán bộ lắm, nhờ bàn tay của nó mà lúa rẫy cho hạt ngọc, con cá quẫy đuôi dưới ao. Dân bản mình biết thế nào là mùa vụ, cách canh tác”.

Không đâu xa, nhà Trưởng thôn Mớc cũng nghèo xơ xác, hôm chúng tôi đến, chị vợ đi hái ớt ở trên nương, lũ con năm đứa nheo nhóc khóc không chịu nín khi thấy người lạ và nhất là dạ dày chưa được miếng gì từ sáng cho đến quá ngọ. “Hết gạo rồi, giờ ăn sắn thôi mấy anh à. Con đông khổ quá, ở nhà giữ chúng thôi cũng đủ mệt. Ăn sắn độn nửa tháng rồi, đến tôi cũng chịu hết nổi, thương lũ trẻ mà không biết làm sao cả”.

Rồi anh kể câu chuyện truyền thuyết về loài chim có tiếng kêu rất lạ, bà con không biết nó là chim gì. Đời cha ông của Mớc cứ sống theo dấu chân của nó, mùa rẫy nào nó đi đâu là dân bản đi đến đó. Lần theo dấu chân của nó mà tra hạt lúa giống thì có ăn. Cho đến khi chúng mất hút ở cái vùng Ta Ry này thì tổ tiên cắm dùi ở đây, không đi đâu nữa. Họ nghĩ rằng cuộc đời họ chỉ đi đến đây là cùng, dựng nhà lập bản rồi sinh con đẻ cháu. Giờ thì thành bản làng sống cheo leo trên vách núi.

Cái đói cái nghèo nhiều năm bao lấy những con người trên rẻo cao, không chịu rời bỏ họ chỉ một phút giây. Trong ký ức của họ lúc nào cũng đói, đói cả mùa, cả năm. Nhiều lớp người đã hơn nửa đời sống ở “ốc đảo” này chỉ mong được một lần nhìn thấy ánh sáng phát ra từ chiếc đèn sợi đốt mà không thể nào được. Ánh sáng văn hóa, văn minh biết bao giờ mới chiếu rọi thấu mảnh đất này. Như già Pâng thì ước mơ duy nhất của già là một ngày được thằng cháu chở ra chợ huyện để xem “con trâu sắt” nó chạy và ăn một bát bún của người Kinh. “Thế là mãn nguyện lắm rồi”.

Trong câu chuyện vui, Trưởng thôn Hồ Văn Mớc, tâm sự: cả bản chỉ có 5 chiếc xe máy không thể cà tàng hơn được nữa. Riêng Trưởng thôn có một con dream đã lột sạch lớp vỏ, biển số thì rơi nơi nào không biết. Đi họp nhiều lần vài ngày mới về được bản vì con xe hư suốt. Nếu gặp mưa rừng thì chỉ còn nước bỏ xe giữa rừng rồi đi bộ về bản. Tay lái thuộc dạng siêu đẳng mới có thể luồn trong những khu rừng chỉ dành cho một người đi. Mang theo xe máy có khi còn chậm hơn đi bộ, thôi thì bỏ ở xó nhà cho rảnh nợ.

Những lần họp tại Uỷ ban, Trưởng thôn phải lội rừng từ 4 giờ sáng, ra đến nơi thì sức cùng lực kiệt, phát biểu câu được câu mất. Thời gian họp chỉ một hai tiếng nhưng Trưởng thôn phải mất đến cả ngày đi và về. Vợ con ở nhà lo lắng nhưng không có cách nào liên lạc được. Hầu hết bà con trong ốc đảo là hộ nghèo đói thuộc dạng đặc biệt, cả thôn giờ mới có một người học đến lớp 12 nhưng cũng phải nghỉ học giữa chừng.

Sống lưng chừng giữa những dãy núi cao, không có gì ngoài cái nhà sàn che nắng che mưa và cái bếp lửa lúc nào cũng đỏ lửa mà trên ấy ít khi nấu nướng thứ gì. “ Ở đây tiết trời khắc nghiệt lắm, chiều đến là lạnh buốt, bà con phải đốt lửa để sưởi ấm và xua côn trùng”. Anh Mớc nói.

Có nhiều giấc mơ được bà con tâm sự chân tình với ông Bí thư xã. Nào là chuyện làm đường, chuyện điện đài, nhưng say sưa nhất vẫn là giấc mơ làm sao “cái bụng cao hơn cái mặt”.

Chào Ra Ty ở lèn đá đầu bản. Trưởng thôn Mớc xin chụp chung với chúng tôi một tấm hình làm kỷ niệm rồi dặn dò: “Khi nào các anh quay lại thì nhớ rửa ảnh cho tôi với. Mùa này mưa gió dữ lắm, không vào đây được thì gửi ở UBND xã. Mang về cho dân bản biết thế nào là được chụp ảnh với cán bộ. Oai lắm à !”.

Trần Phúc
theo BVPL

Từ khóa: