Sự kiện hot
11 năm trước

Phân ban THPT thất bại!

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo báo cáo giám sát, chủ trương phân ban ở cấp học THPT không thành công.


Phần lớn các trường THPT chỉ tổ chức dạy học theo Ban Cơ bản. Ảnh: Chí Cường.

Chỉ 2% học sinh học Ban Khoa học Xã hội & Nhân văn

Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.

Từ năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học Ban Cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học Ban Khoa học Tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học Ban Khoa học Xã hội & Nhân văn. Kết quả giám sát tại các địa phương cũng cho thấy, hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên đều chỉ tổ chức dạy học theo Ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh. “Như vậy, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công”, ông Đào Trọng Thi nói.

Cùng quan điểm, bà Trương Thị Mai ,Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, góp ý: “Báo cáo giám sát đã mạnh dạn nói phân ban thất bại, vậy tới đây, phân hóa ở giáo dục phổ thông sẽ như thế nào? Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này”.

Đối với các trường THPT chuyên, báo cáo chỉ ra rằng nhiều trường do áp lực của cơ chế thị trường cũng như của phụ huynh và học sinh nên đã chú trọng luyện thi đại học hơn nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển tài năng, kể cả công tác bồi dưỡng học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, việc quá chú trọng mở rộng quy mô của một số trường chuyên khiến mục tiêu đào tạo nhân tài trở nên mờ nhạt.

Bất cập trong chương trình và sách giáo khoa

Về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT- SGK), bên cạnh một số mặt tích cực, đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra CT- SGK được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong CT- SGK chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”... Ông Đào Trọng Thi nói: “Những hạn chế trong việc triển khai CT-SGK vừa qua chủ yếu là do công tác chuẩn bị chưa chu đáo. Vì vậy, Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện CT-SGK một cách nghiêm túc và sâu sắc, sớm hoàn chỉnh dự thảo Đề án đổi mới CT-SGK sau năm 2015, công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để hoàn thiện và tạo sự đồng thuận; chuẩn bị thật kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện Đề án”.

Góp ý vào báo cáo giám sát, ông Ksor Phước- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói: “Tôi chưa hài lòng vì báo cáo chưa nêu được vấn đề then chốt để tháo gỡ cho vấn đề SGK. Qua 3 đời Bộ trưởng nhưng “cuộc chiến” SGK chưa dừng. Góp ý, trao đổi nhiều lắm rồi nhưng sao CT-SGK vẫn chưa hạ màn? Phải làm rõ những cuộc cải cách SGK có gì mới? Còn cái gì cần khắc phục sửa chữa? Đừng để cứ tranh luận mãi không có hồi kết”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lên tiếng: “Hiện nay, xã hội đang kêu ca CT-SGK nặng nề, lệch lạc, chú trọng dạy chữ hơn dạy làm người. Vì thế, báo cáo cần chỉ ra cụ thể hơn cần bỏ môn học nào, thêm môn nào... Cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông và các giải pháp để giúp cho Bộ GD-ĐT tới đây triển khai”.

Tại phiên làm việc ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình dự thảo, theo đó mức tiền đặt cược tối thiểu là 10.000 đồng và tối đa là 1 triệu đồng/ngày.

Cùng ngày, Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh casino (sòng bạc). Dự thảo Nghị định quy định người nước ngoài và Việt kiều được chơi tại các casino, trong khi một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị cho làm thí điểm người Việt Nam được chơi để hạn chế tình trạng người Việt Nam thường xuyên sang Campuchia chơi casino.

Lê Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: