Sự kiện hot
10 năm trước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chủ động ứng phó với bão Thần Sấm

Bão Thần Sấm (cơn bão số 2) đã mạnh thêm một cấp, gây mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, TP tìm các giải pháp chống bão diễn ra sáng nay (17/7), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương phải tập trung hoàn thành công tác sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm trước 16 giờ ngày mai (18/7), thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão và không được chủ quan trong thực hiện công tác ứng phó với bão.


Đến khoảng trưa ngày 19/7, bão Thần Sấm đổ bộ vào đất liền, vùng trọng tâm khu vực các tỉnh Quảng Ninh – Thái Bình. Ảnh: Thảo Nguyên

Quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, đến 8 giờ sáng nay bão Thần Sấm đi theo hướng Tây Tây Bắc, hướng vào khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đến khoảng trưa 18/7, vượt qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ. Cường độ bão cấp 13, giật cấp 14, 15. Đến khoảng trưa ngày 19/7, bão Thần Sấm đổ bộ vào đất liền, vùng trọng tâm khu vực các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình, cường độ bão khi đổ bộ cấp 11, giật cấp 12, 13. Sau khi đổ bộ, bão suy yếu tương đối nhanh khi đi sâu vào đất liền và thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng thấp và tan ở khu vực trung du, vùng núi phía Nam Hoàng Liên Sơn (Yên Bái).

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, các địa phương cần tập trung kêu gọi tàu thuyền về neo đậu tại bờ; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở ven biển, cửa sông đảm bảo an toàn. Đối với 17 tàu đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, mặc dù vẫn giữ liên lạc nhưng cần khẩn trương kêu gọi di chuyển, trú tránh an toàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu, hoãn những cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng chống bão Thần Sấm; thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại những địa bàn trọng yếu. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Cùng với đó, phải tăng cường thông tin tuyên truyền về bão Thần Sấm đến người dân; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Đặc biệt, phải có phương án sơ tán người dân ở các lồng bè, chòi canh ven bờ.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn thành lập 2 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 2 tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Bộ Giao thông Vận tải cần nắm chắc và thông báo cho các tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Bộ Thông tin Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc, nhất là những mạng thông tin di động. Các bộ, ngành, địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã có báo cáo công tác tổ chức triển khai các phương án chuẩn bị đối phó ở địa phương. Tính đến 6 giờ, ngày 17/7, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.685 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với trên 205.000 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Tại cuộc họp, đại diện TP Hải Phòng cho biết, đã huy động hơn 39.000 người tham gia phòng chống bão, trên 1.000 ô tô và hơn 240 tàu thuyền. TP cũng chuẩn bị phương án di dời cho 87.900 hộ dân. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, thành lập các đoàn công tác đến các địa bàn ven biển để chỉ đạo, đôn đốc triển khai đối phó với bão. Hải Phòng đã điều động tàu CN09 và SAR ra ứng trực tại các vùng biển; yêu cầu, bất kể lãnh đạo nào để xảy ra tai nạn tại địa bàn mình quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm.

Còn tại Quảng Ninh, tới thời điểm này, tỉnh đã lên phương án di dời dân, kêu gọi hơn 200 tàu thuyền về tránh trú, một số ít còn lại được kêu gọi về nơi trú ẩn. Hệ thống lồng bè đã thông báo di chuyển, di chuyển 300 hộ dân lên bờ. Với tàu du lịch, đến trưa nay, Quảng Ninh đã thực hiện lệnh cấm biển. Với khu du lịch Cô Tô, huyện đã có những phương án chống bão tại chỗ. Riêng khu dân cư gần mỏ, người dân phải sơ tán. Quảng Ninh cũng thành lập 3 tổ công tác đi kiểm tra các huyện, TP: Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái.

Tại Nam Định, lãnh đạo tỉnh cho biết, Nam Định sẽ bắt đầu thực hiện lệnh cấm biển từ chiều nay, đồng thời kêu gọi nông dân tạm dừng cấy lúa mùa.

Hà Nội ngập nặng

Trận mưa lớn sáng nay đã làm nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội ngập nặng. Mưa đúng vào giờ cao điểm nên đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, từ hồi 6 giờ 50 đến 8 giờ 30 ngày 17/7 trên địa bàn TP đã xảy ra mưa to tại các khu vực quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm với lượng mưa đo được tại Xuân Đỉnh là 108mm. Lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên tại các khu vực đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa hoặc không có hệ thống thoát nước như phố Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường, Xuân Đỉnh, Nguyễn Hoàng Tôn đã xảy ra úng ngập với mức độ 0,1 - 0,2m. Các vị trí khác như Hoàng Quốc Việt (trước ĐH Điện lực), Trần Đăng Ninh, Nút Mai Dịch… ngập sâu từ 0,1 - 0,3m.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, đã chỉ đạo rà soát lại các phương án chống mưa bão, rà soát lại các tuyến đê, cây xanh được cắt tỉa. Lực lượng quân đội như Bộ Tư lệnh Thủ đô được huy động để tham gia ứng trực.

Thảo Nguyên
theo Thanh tra

Từ khóa: