Sự kiện hot
11 năm trước

Quá yêu mến, lấy tên thầy cô đặt cho con

Đồng bào đặt tên con theo tên thầy, cô giáo là thể hiện sự biết ơn, lòng tri ân. Giờ đây tên gọi tạo nên "giá trị sống" tinh thần trong cộng đồng dân làng chứ không phải là điều bình thường nữa.

Đồng bào đặt tên con theo tên thầy, cô giáo là thể hiện sự biết ơn, lòng tri ân. Giờ đây tên gọi tạo nên "giá trị sống" tinh thần trong cộng đồng dân làng chứ không phải là điều bình thường nữa.

Nằm cách trung tâm huyện Sơn Tây hơn 10 km, trường tiểu học và THCS Sơn Liên (Quảng Ngãi) có khoảng 15 học sinh giống hệt tên cô giáo Nguyệt.

Em Đinh Thị Nguyệt, học sinh lớp 4C bẽn lẽn nói, ở nhà em tên Thay nhưng đến lớp em là Nguyệt. "Em ước sau này giống như cô Nguyệt dạy học ở làng nên ba đã đặt tên trong khai sinh giống tên cô giáo", học trò Nguyệt giải thích.

Nữ giáo viên được gia đình các học trò lấy tên đặt cho con này là Đoàn Thị Bích Nguyệt. Cô giáo gắn bó huyện Sơn Tây từ những ngày đầu địa phương thành lập năm 1995, suốt 18 năm qua đã trở thành "ân nhân", nghĩa tình sâu nặng với đồng bào nơi đây.

Cô Nguyệt còn nhớ như in những đêm sốt rét rừng vật vã, đau xé lòng sau từng trận lũ quét, lở núi vùi lấp đồng nghiệp của mình vượt suối, băng rừng đến bản làng vùng sâu, vùng xa dạy học. Nhọc nhằn, thiếu thốn là vậy, cô Nguyệt vẫn cần mẫn với sự nghiệp "trồng người" ở các thôn, bản xa xôi.

Ông Đinh Văn Sáu (cha của em Nguyệt) cho rằng, cô giáo Nguyệt đã mang "cái chữ" về xóa mù chữ cho nhiều trẻ em ở làng nên ai cũng quý mến, biết ơn. "Tôi quyết định đặt tên con là Nguyệt để bày tỏ lòng kính trọng, cảm ơn cô đã dạy tôi và mấy đứa trẻ trong làng biết đọc, biết viết...", ông Sáu cảm kích.

Từ lâu, con em đồng bào các xã vùng cao huyện Sơn Tây học đến lớp 2, lớp 3 thì họ mới phối hợp với nhà trường làm giấy khai sinh cho con. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Huề, hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Liên cho biết, nhiều năm trước đồng bào nơi đây đặt tên con theo ngôn ngữ địa phương như: Đinh Văn Eó, Đinh Văn Yên... Giờ thì trào lưu đặt tên con theo tên thầy cô giáo nhiều không kể xiết.

"Lúc trước tôi công tác ở xã Sơn Dung, nhiều phụ huynh cũng đặt tên con giống thầy cô giáo. Một số phụ huynh ở thôn Đắc Trên đã lấy tên tôi đặt tên cho con là Đinh Thị Huề, Đinh Văn Huề..., nghe cảm động lắm", thầy giáo Huề thổ lộ.

Do trào lưu này mà có khi trong một lớp học có rất nhiều tên học trò trùng nhau. Một số trường tiểu học, THCS ở Sơn Tây nghĩ cách thêm vần A, B, C... phía sau tên học sinh để dễ phân biệt, tránh nhầm lẫn khi kiểm tra hoặc thi cử. Chẳng hạn như: Đinh Thị Nguyệt A, Đinh Thị Nguyệt B...

Cô giáo Đinh Thị Nguyệt kể, thoạt đầu nhìn nhãn vở thấy học trò ghi giống tên giống mình cô rất ngạc nhiên. Cô gặng hỏi thì các em trả lời "rất thích, yêu mến" nên gia đình đã đặt theo tên cô giáo. "Không chỉ là tên gọi đơn thuần, mà chúng tôi xem đây như món quà tinh thần khích lệ chúng tôi vượt qua mọi gian khó hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", cô Nguyệt chia sẻ.

Như cô giáo mầm non Đỗ Thị Thủy được phụ huynh ở xã Sơn Liên đặt tên cho con là Đinh Thị Thủy, Đinh Văn Thủy...Cô giáo Trương Thị Thương, giáo viên tiểu học Sơn Liên được phụ huynh đặt tên cho con là Đinh Thị Thương. Cô giáo Nguyễn Thị Trinh, giáo viên tiểu học thì phụ huynh lấy tên đặt cho con là Đinh Thị Trinh. Thầy giáo Lê Ngọc Hân, nguyên hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Liên được dân làng đặt tên cho con là Đinh Văn Hân, Đinh Ngọc Hân...

Thầy giáo Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng giáo dục huyện Sơn Tây tâm sự, đồng bào Ca Dong lấy tên thầy, cô giáo để đặt tên cho con mình là cả quá trình tác động tâm lý giáo dục vào thực tiễn, giáo dục đã dần đi vào lòng người. Cách đặt tên như vậy là thể hiện sự trân trọng, cảm mến của đồng bào đối với đội ngũ giáo viên gần gũi, gắn bó với họ suốt nhiều năm qua.

"Đồng bào đặt tên con theo tên thầy, cô giáo là thể hiện sự biết ơn, lòng tri ân. Giờ đây tên gọi tạo nên "giá trị sống" tinh thần trong cộng đồng dân làng chứ không phải là điều bình thường nữa". Thầy Thạnh cho rằng đây là nền tảng nhận thức về giáo dục đáng quý của dân làng vùng cao Sơn Tây.

Theo thầy giáo Thạnh, trong công tác xóa đói giảm nghèo ở miền núi, dù nhà nước có đổ hàng " núi tiền" vào đây nếu trình độ dân trí còn thấp, nhận thức còn lạc hậu thì khó thể giúp đồng bào thoát nghèo. Do vậy vấn đề then chốt là đồng bào bắt đầu nhận thức về vai trò quan trọng của giáo dục. Trong tương lai gần họ mới có thể tự giải được bài toán cho gia đình mình vươn lên thoát nghèo.

Theo VnExpress

Từ khóa: