Sự kiện hot
10 năm trước

Quản lý vi phạm hạ tầng xe buýt: Vẫn còn nhiều bất cập

Vi phạm hạ tầng dành cho xe buýt như dừng đỗ xe, chiếm dụng khu vực chờ xe buýt, tự ý tháo dỡ biển báo điểm dừng xe buýt... đang diễn ra phổ biến, hàng ngày. Song, trách nhiệm của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chỉ kiểm tra phát hiện vi phạm, còn việc xử lý lại thuộc về các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương. Đây chính là điểm bất cập đang tồn tại.


Ngang nhiên lấn chiếm điểm dừng, đỗ xe buýt. Ảnh: Tràng An

"Bấng" biển báo... bán đồng nát 

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hạ tầng xe buýt trên địa bàn Hà Nội hiện nay gồm 1.912 điểm dừng, 364 nhà chờ, 63 điểm đầu cuối, 3 điểm trung chuyển và 5km đường dành riêng cho xe buýt.

Các vi phạm phổ biến hiện tại, đó là việc ô tô, xe máy đỗ vào khu vực vị trí dành cho xe buýt dừng đón trả khách, cản trở hoạt động của xe buýt ra, vào điểm dừng; chiếm dụng khu vực đứng chờ xe buýt của hành khách tại các điểm dừng, bày bán hàng nước, đỗ xe ôm trong các nhà chờ; chiếm dụng bảng thông tin tại các nhà chờ, biển báo xe buýt để dán quảng cáo rao vặt. Việc dán quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan đô thị, che lấn cả phần thông tin dành cho xe buýt; để các vật dụng lên mái nhà chờ xe buýt...

Thực tế, các vi phạm khác như việc tập kết rác thải, hàng rong vây điểm chờ xe buýt không khó để bắt gặp ở bất cứ đâu trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Lương Đức Thịnh, việc người dân tự ý di chuyển, tháo dỡ biển báo điểm dừng xe buýt thường diễn ra ở các quận, huyện ngoại thành do người dân ở gần khu vực biển báo dừng xe buýt thực hiện, với mục đích "bấng" biển báo về trước cửa nhà để phục vụ mục đích kinh doanh, bán hàng quán. Đáng lo ngại hơn là tình trạng trộm cắp biển báo điểm dừng xe buýt, mà mới đây, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã phát hiện một số biển báo bị đánh cắp bán đồng nát và đã phối hợp với chính quyền quận Long Biên xử lý.

Khó xử lý 

Theo Phòng Quản lý Hạ tầng, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đặc thù hạ tầng xe buýt thường được khảo sát, tính toán bố trí tại các điểm thu hút lớn, tập trung đông dân cư để phục vụ thuận lợi cho hành khách đi xe buýt. Tuy nhiên, do là điểm tập trung đông hành khách, nên tại đây cũng thường phát sinh ra các nhu cầu sử dụng các dịch vụ khác như xe ôm, hàng nước, dán quảng cáo rao vặt hoặc ô tô, taxi đỗ dưới lòng đường, cản trở xe buýt ra, vào điểm dừng. Xuất phát từ các nhu cầu trên nên tại các khu vực bố trí hạ tầng xe buýt thường bị hàng rong, xe ôm chiếm dụng để sử dụng vào các mục đích khác. 

Bên cạnh đó, hạ tầng xe buýt được bố trí dưới hình thức không gian mở, do vậy việc chiếm dụng dễ thực hiện và các hành vi chiếm dụng cũng rất cơ động, nên khi các lực lượng chức năng đi giải tỏa thì người vi phạm thường tự động thu dọn, sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, tình trạng chiếm dụng lại tiếp tục tái diễn (bày ghế bán hàng nước, đặt biển cửa hàng, hoặc dừng đỗ xe để mua bán hàng….). Do đó, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. 

Thực tế, mặc dù chính quyền địa phương có hạ tầng xe buýt cũng có triển khai các biện pháp giải tỏa, chống chiếm dụng hạ tầng xe buýt, nhưng chưa đủ quyết liệt nên chưa giải quyết triệt để được những vấn đề trên, đặc biệt việc duy trì sau giải tỏa còn chưa được thường xuyên, nên việc chiếm dụng hạ tầng xe buýt vẫn xảy ra. Cùng với đó, các lực lượng chức năng: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông có trách nhiệm vẫn duy trì xử lý đối với việc dừng, đỗ xe tại các điểm dừng xe buýt, nhưng tình trạng chiếm dụng vẫn xảy ra. 

Thêm nữa, trách nhiệm quản lý Nhà nước về hạ tầng giao thông dành cho xe buýt do Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội chỉ thực hiện được chức năng kiểm tra, phát hiện sai phạm, còn việc xử lý các sai phạm, Trung tâm phải đề nghị các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phối hợp để xử lý. Vì vậy, hiệu lực gặp khó khăn. 

Theo lãnh đạo Trung tâm, để giải quyết những khó khăn trên cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thu hút nhân dân tham gia phối hợp hạn chế tình trạng chiếm dụng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương chống chiếm dụng trên hệ thống hạ tầng xe buýt. Chính quyền địa  phương là lực lượng bám sát địa bàn, có đầy đủ chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giải tỏa những vi phạm trên địa bàn quản lý.

Tràng An
theo Thanh tra

Từ khóa: