Sự kiện hot
7 năm trước

Quảng Bình: Rác thải, phế thải xây dựng vương vãi lòng đường, hè phố

“Ra đường gặp khói bụi", đó là thực trạng trên nhiều tuyến đường quanh các công trình xây dựng lớn của TP Đồng Hới (Quảng Bình) hiện nay khi công tác thi công chưa tuân thủ nghiêm túc những quy định về bảo vệ môi trường. Để giải quyết tình trạng ấy, người dân mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt.


Vỉa hè tuyến đường Hữu Nghị được chiếm dụng để đổ rác thải, phế thải xây dựng.

Ở Quảng Bình, quá trình đô thị hóa kéo theo nhiều công trình xây dựng lớn đã và đang mọc lên từng ngày. Thế nhưng, đi cùng với nó là tình trạng ô nhiễm môi trường, đất, cát sỏi rơi vãi từ các xe chở vật liệu xây dựng (VLXD) ngày càng nhiều khiến người dân sống xung quanh khu vực và cả những người qua lại trên các cung đường này không khỏi lo ngại, bức xúc.

Tại tuyến đường Hữu Nghị, theo quan sát của chúng tôi trong một khoảng thời gian dài, đoạn từ Dự án khu dân cư phía Tây đường Hữu Nghị đến ngã ba Bắc Lý, nhiều xe bồn, xe tải chở VLXD chạy liên tục. Nhiều xe chở cát sỏi trọng tải lớn không thực hiện che bạt khi lưu thông trên đường khiến cát sỏi rơi vãi. Hơn nữa, xe chạy từ các công trình ra không được rửa sạch nên mặt đường có những đoạn bám đầy bùn đất. Trời nắng thì bụi bẩn, trời mưa thì lầy lội, nước bẩn từ các công trình xả ra gây ứ đọng, gây không ít phiền toái cho người dân.

Tình trạng lòng đường nhớp nháp do cát sỏi rơi vãi.

Đóng vai trò chủ đầu tư dự án trên, Sở Xây dựng Quảng Bình xác nhận với chúng tôi vấn đề trên có tồn tại do công tác xây lắp dự án nhà ở và việc thi công tuyến đường 19m gây ra. Trước đơn phản ánh của người dân, đơn vị mong muốn người dân thông cảm. Theo đó, vào cuối ngày, tại đoạn đường trên sẽ có xe chuyên dụng lau, hút bụi cho mặt đường nhằm cải thiện tình trạng lấm bẩn, cát sỏi rơi vãi.

Đối diện với Dự án khu dân cư nói trên, điểm gần ngay Trung tâm hội nghị nhà hàng tiệc cưới Armor Place, vỉa hè tuyến đường Hữu Nghị cũng bị chiếm dụng để đổ rác thải xây dựng. Và trên nhiều tuyến đường ở một số công trình khác lại không được khắc phục. Điển hình như trên đường Quang Trung, khu vực gần công trình xây dựng cầu Nhật Lệ 2 lòng đường tồn tại nhiều vệt bùn, đất vương vãi do quá trình vận chuyển vật liệu từ hướng cổng công trình đi ra nhất là mỗi khi xe có trọng tải lớn chạy qua gây bụi mù mịt.


Vệt bùn, đất in hằn trên quốc lộ 1A đoạn gần công trường xây dựng Cầu Nhật Lệ 2.

Không chỉ vậy, dọc các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, trong các công trình đang thi công thì không thiếu các công trình trưng bày diện mạo khá xấu xí. Nguyên nhân là các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công bỏ qua hoặc xem nhẹ các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tối thiểu. Chỉ có một số ít công trình tuân thủ quy định, số còn lại dùng vải bạt che chắn các tầng phía trên nhưng bị rách nham nhở, tả tơi gây mất mỹ quan đô thị.

Và mặc dù trước đó, chúng tôi cũng đã có bài viết đề cập đến tình trạng VLXD để ngổn ngang trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường. Nhưng theo quan sát trong một thời gian dài của PV thì hiện trạng gạch, cát, sạn và các VLXD khác vẫn để ngổn ngang, đổ bừa bãi trên vỉa hè ngay sát mặt đường.


Một điểm tập kết vật liệu xây dựng vô tình chiếm dụng lòng đường.

Việc hạn chế ô nhiễm môi trường trên công trường đang thi công được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trong hồ sơ mời thầu do các chủ đầu tư ban hành cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp từng dự án như: chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Vì vậy, để xảy ra tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường tại các gói thầu xây lắp là do ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị vận tải chưa cao. Để cắt giảm chi phí, nhiều nhà thầu thi công không làm hệ thống cầu rửa xe trước khi cho xe ra khỏi công trường nên thường xuyên mang đất từ công trường ra đường, gây bụi bẩn. Một số công trình do đất chật, không có nơi tập kết VLXD nên đã “liều” tập kết xe, vật liệu ngay trên lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, đơn vị vận tải vì lợi nhuận đã bất chấp quy định, chở quá trọng tải cho phép, không che bạt hoặc che không kín, gây rơi vãi.

Hơn nữa, do mức xử phạt hiện nay vẫn thấp (750.000 đồng/hộ gia đình và 1,5 triệu đồng áp dụng đối với tổ chức) nên chưa đủ tính răn đe. Nhiều chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt rồi tái phạm; nhiều trường hợp khi phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý tại địa bàn thường chưa đủ kiên quyết, khi các nhà thầu thi công bất hợp tác thì cơ quan chức năng mặc dù có công cụ quyền lực trong tay cũng không truy đến cùng để giải quyết dứt điểm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như nguyện vọng của người dân.

Nhất Linh
Theo Xây dựng

Từ khóa: