Sự kiện hot
7 năm trước

Rà soát, giảm phí 54 trạm BOT: Liệu pháp tình thế, tâm lý?

Chuyên gia giao thông cho rằng việc rà soát, giảm phí 54 trạm BOT của Bộ GTVT chỉ là "liệu pháp tình thế, tâm lý" trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên gia giao thông cho rằng việc rà soát, giảm phí 54 trạm BOT của Bộ GTVT là "liệu pháp tình thế, tâm lý" trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Di Linh

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết đơn vị này đang tiến hành rà soát 54 trạm BOT do Bộ GTVT quản lý trên cả nước.

Dự kiến, việc rà soát và đàm phán với nhà đầu tư BOT sẽ hoàn thành trong tháng 10. Sau đó, Tổng cục sẽ đề xuất với Bộ GTVT xem xét giảm phí và nếu được phê duyệt thì việc giảm phí BOT sẽ tiến hành trong tháng 11.

Việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10, để Tổng cục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt giảm phí. Nếu được phê duyệt, các trạm sẽ tiến hành giảm phí trong tháng 11.

Liên quan đến "động thái" nêu trên của Bộ GTVT, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết:

"Thực ra đây là giải pháp tình thế, liệu pháp tâm lý cho đỡ căng thẳng trong khi thực hiện chủ trương của Chính phủ là trong năm 2017 phải rà soát giảm phí chính thức và không chính thức.

Đây là rà soát giảm phí chính thức vì giảm phí không chính thức là ở các trạm BOT có tiêu cực. Điều quan trọng nhất trong thời gian tới là phải công khai tổng mức đầu tư dự án BOT, công khai thời gian thu phí xem có đúng không.

Nếu không rà soát, giảm phí xong nhưng tăng thời gian thu phí thì cũng không giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, cần phải giải quyết những trạm thu phí không đúng vị trí, nơi người dân không đi vẫn phải trả phí".

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ việc rà soát, giảm phí là "điều tốt và cần thiết trong bối cảnh người dân bức xúc về giá phí".

"Động thái này là đúng nhưng làm được đến đâu thì phải chờ xem kết quả và cần thúc đẩy theo đúng tiến độ, kế hoạch.

Bên cạnh đó, khi rà soát có kế quả thì cần xem xét lại và hoàn thiện luật, quy định bởi việc xảy ra tình trạng như hiện này là do các quy định chưa thật hoàn chỉnh, chưa thật tốt", TS Hồ nói.

Cũng theo TS Lưu Bích Hồ, một trong những vấn đề của BOT hiện nay là quản lý chưa tốt có nhiều bất hợp lý cần kiểm điểm đánh giá lại tất cả.

"BOT là chủ trương đúng và không nên hiểu đây là chủ trương không đúng, chỗ nào làm không đúng thì nên chỉnh sửa. Không nên để hiện tượng tài xế dùng tiền lẻ phản đối. Điều này ảnh hưởng đến cả đời sống kinh tế.

Với tình hình hiện nay, Bộ GTVT nên công khai minh bạch vấn đề không nên để tình trạng dùng tiền lẻ lây lan", ĐBQH Trần Du Lịch nói.

Di Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: