Sự kiện hot
11 năm trước

Sẽ phạt nặng nếu nói dối là xe mượn

Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện là phải thành thật khai báo. Nếu khai báo dối, khi điều tra ra, sẽ bị phạt nặng hơn.

Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện là phải thành thật khai báo. Nếu khai báo dối, khi điều tra ra, sẽ bị phạt nặng hơn.

Những ngày gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm về vấn đề xử phạt xe không sang tên đổi chủ mà cụ thể là việc người tham gia giao thông đi xe mượn và có đủ giấy tờ liệu có bị phạt hay không.

Trước thực trạng trên, chiều 12/11, trong cuộc họp với báo chí tại trụ sở của Bộ công an, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH (Bộ Công an) cho biết: “Thống kê sau một ngày triển khai nghị định 71, tại Hà Nội có 58 trường hợp vi phạm nghị định 71 bị xử lý, không có trường hợp nào là điều khiển xe không chính chủ bị xử phạt. Sáng 11/11, chúng tôi đã có công điện số 141 gửi công an các địa phương về vấn đề này. Công điện ghi rõ, trong thời gian mới triển khai quy định về xử phạt xe không chính chủ, nếu người điều lái xe khai là xe mượn thì tạm thời không xử phạt”.

Theo Thiếu tướng, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện là phải thành thật khai báo. Nếu khai báo dối khi điều tra ra sẽ bị phạt nặng hơn. Chỉ cần hỏi giấy tờ của người cho mượn, CMTND, số điện thoại của người cho mượn… là đã có thể biết có phải xe đi mượn hay mua mà không tiến hành sang tên đổi chủ.

Nói về việc cần phải sang tên đổi chủ sau khi mua bán, chuyển nhượng, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết có rất nhiều lí do cần phải thực hiện, như: “Thứ nhất là hiện nay, có khoảng 40% trong tổng số phương tiện đang lưu hành đã mua bán, chuyển nhượng nhưng không chấp hành việc sang tên, đổi chủ, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước và gây khó trong công tác quản lý. Hai là người dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước sau khi mua bán xe. Ba là trách nhiệm chịu hậu quả mà các vụ tai nạn giao thông gây ra”.

Giảm phí trước bạ xuống 1%

Về kế hoạch xử lý các trường hợp không chấp hành làm thủ tục sang tên đổi chủ, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị tiết lộ, lực lượng chức năng sẽ xử phạt thông qua quá trình tuần tra, kiểm tra và qua các vụ tai nạn giao thông.


Nếu bị phát hiện khai dối là xe mượn sẽ bị xử phạt nặng

Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, đa số người dân ai cũng muốn đi xe của chính mình. Do vậy, chủ trương của Chính phủ là giảm đến mức tối đa lệ phí, tạo điều kiện cho người dân đi sang tên, đổi chủ.

Hiện tại, mức lệ phí trước bạ từ 10-15% tùy theo địa phương. Sắp tới, sẽ có Thông tư hướng dẫn, giảm mức phí này xuống chỉ còn 1 đến dưới 1%, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện Nghị định 71, giúp cơ quan chức năng quản lý phương tiện dễ dàng hơn.

Để nghị định 71 đi vào thực tiến và mang lại hiệu quả sâu sắc, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị kêu gọi người dân đồng tình ủng hộ và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.

Sẽ có hướng dẫn cho người dùng xe đi mượn

Mặt khác, về việc nhiều người cho rằng cần mang theo cả hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân để chứng minh xe mượn là của gia đình hoặc người quen, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị nhận định: “Hiện nay, chưa có quy định nào bắt buộc người dân phải mang theo giấy chứng minh nhân dân của chủ phương tiện, sổ hộ khẩu khi điều khiển phương tiện mượn, thuê ngoài đường. Nhiều người cũng cho rằng, nếu mang nhiều giấy tờ như thế thật bất tiện. Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi của NĐ 71, Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện" - Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị nói.

Cũng theo Thiếu tướng Nghị, hiện phí trước bạ quá cao là nguyên nhân khiến nhiều người không sang tên, đổi chủ. Do vậy, Bộ Công an đang nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hạ phí trước bạ thấp nhất để người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ. Như vậy vừa đảm bảo lợi ích của dân, vừa đạt được lợi ích của nhà nước.

Lê Tú
Theo Infonet

Từ khóa: