Sự kiện hot
10 năm trước

Sống trong sợ hãi với những “quả bom xăng” ở khu dân cư

Một năm sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại một cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội vẫn còn đó những nguy cơ về cháy nổ khi hàng loạt các cây xăng nằm sát khu dân cư, vi phạm quy định về khoảng cách nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có biện pháp xử lý nào từ phía nhà chức trách. Trong khi đó, người dân tiếp tục sống trong sợ hãi với những “quả bom xăng” ngay sát nơi ở có thể nổ bùm lên bất cứ lúc nào.


Cây xăng kinh doanh ngay sát tòa cao ốc.

Sống trong sợ hãi

Ngày 3/6/2012, cây xăng tại địa chỉ 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy, lực lượng cảnh sát cứu hỏa phải hết sức vất vả triển khai phương án chữa cháy trong nhiều giờ đồng hồ mới có thể khống chế được. Vụ cháy không chỉ khiến những nhà dân xung quanh bị cháy lan, mà còn gây hoang mang cho những người sống quanh khu vực này.

Sau vụ cháy kinh hoàng, người Hà Nội bỗng giật mình bởi hàng loạt cây xăng nằm sát khu dân sinh, nhà ở… thiếu phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) có nguy cơ cháy hoặc nổ bùng lên bất cứ lúc nào… Những con số thống kê khiến người dân lo lắng, nhà chức trách Hà Nội nhanh chóng lập đoàn kiểm tra, rà soát, đưa kế hoạch di dời, quy hoạch lại hệ thống cây xăng mà trước hết là di dời ngay những cây xăng sát khu dân cư ra nơi đủ tiêu chuẩn…

Thế nhưng, một năm sau mọi thứ vẫn y nguyên, có chăng thì chỉ là một vài cây xăng có thiết bị quá cũ kỹ ngừng hoạt động, đa số còn lại được tân trang, mua sắm thêm vài thiết bị chữa cháy tại chỗ rồi ngang nhiên hoạt động quanh khu vực dân cư “như chưa hề có… cháy!”.

Đường Láng (quận Đống Đa), chỉ trong một đoạn đường vài ba cây số, đã có đến 3 - 4 cây xăng cùng hoạt động, có những cây xăng chỉ cách nhau chừng mấy trăm mét. Và tất nhiên, những cây xăng này nằm ngay sát nhà dân, có khi chỉ là một bức tường ngăn. Nắng nóng khiến mùi xăng bốc lên nồng nặc, nhà nào cũng đóng kín cửa, sống mà lo nơm nớp…

Không khác đường Láng, tại đường Thụy Khê, chỉ trong vòng 500m trên đoạn đường này đã có đến 2 cây xăng ngay sát nhà dân. Thậm chí một cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt nằm trước khu chung cư, đã không đủ tiêu chuẩn lại còn ngang nhiên tiếp xăng vào bồn như một hành động “thách thức bà hỏa!”.

Nhân viên trạm xăng thì cứ vô tư nhưng những người dân sống xung quanh hay đơn giản là những người qua đường chứng kiến thôi cũng đã “sởn gai ốc” vì lo sợ, bất an.

Ông Nguyễn Trọng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội), một hộ dân sống sát cây xăng chia sẻ “Rõ ràng khi cây xăng xảy ra cháy thì rất nguy hại đến người dân xung quanh. Ngay nhà tôi ở gần đây cũng thế thôi. Vì nhiều khi cũng nghĩ xem, mình phải chạy như thế nào nếu không may cháy xảy ra…”

Cũng với tâm lý bất an, bà Trần Thị Bình – người dân sống tại Thụy Khuê cho hay, “lúc mà xe xăng đến đổ vào bể, chả thấy có gì đảm bảo ở đây cả. Nếu mà cháy, thì chịu chả biết làm thế nào, bởi khi xăng cháy thì như núi lửa luôn. Về tinh thần thì chúng tôi chả lúc nào yên khi sống cạnh quả bom nổ chậm”.

Theo quy định, khoảng cách an toàn giữa các cửa hàng xăng dầu với các công trình công cộng xung quanh phải đảm bảo 50m, cách đường điện 1,5 lần chiều cao cột điện. Thế nhưng, ngay tại Đường Láng, ngôi nhà ông Lê Xuân Hải chỉ cách cây xăng đúng 1 bức tường, ngay trước đó còn là cột điện cao thế.

Cho nên, thay vì chỉ lo suông, gia đình ông còn chuẩn bị rất nhiều phương án, để thoát thân bất cứ lúc nào khi xảy ra sự cố.

“Mình phải nói thật là nếu nó có nổ thì phương án là bất khả kháng, còn nếu cháy thì chúng tôi đã trang bị cửa thoát hiểm, để có gì mở cửa chạy ra cho kịp.

Cái thứ 2 là tôi mua về nhà 2 bình PCCC, đây… tôi giới thiệu luôn… tự mình phải cảnh giác cho mình thôi. Còn nếu mà có sự cố thì tôi sẽ mở cửa này” – ông Hải nói.

Trong khi đó, cây xăng Nam Ðồng (đầu đường Nguyễn Lương Bằng) nằm gần hai khu chung cư với hàng nghìn hộ dân càng nguy hiểm hơn tại đây còn có kinh doanh thêm mặt hàng bình ga… Điều đáng nói là cây xăng này mới được đơn vị quản lý sửa chữa lại, trang bị thêm một vài thiết bị chữa cháy, thế nhưng về bản chất vẫn vi phạm quy định về khoảng cách với khu dân cư…

Điều đáng nói, tuyến đường này lại có mật độ phương tiện giao thông cao, đây là một trở ngại cho lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường trong trường hợp xảy ra cháy và rất nguy hiểm cho người dân sinh sống chung quanh cũng như đi qua đây.

Một thực tế khác cũng đang diễn ra tại các cây xăng, đó là tình trạng người dân khi vào nạp nhiên liệu vẫn nghe điện thoại di động, bất chấp các biển cấm tại đây. Một nguy hiểm khác, có nhiều người điều khiển xe ô-tô khi vào mua xăng không tắt máy xe, và việc cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Quyết định về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” của Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, trạm xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu an toàn chặt chẽ như phân cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7 mét (tính từ mép ngoài hình chiếu bằng công trình trạm xăng).

Đối với các trạm xăng nằm gần giao lộ, khoảng cách từ lối vào trạm xăng tới chỉ giới đường đỏ gần nhất cần đảm bảo ít nhất 50m. Đặc biệt, phải cách nơi tụ họp đông người như trường học, chợ ít nhất 100m, cách trạm xăng khác ít nhất 300m, cách các danh lam thắng cảnh ít nhất 100m, không vi phạm xây dựng an toàn PCCC và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ở Hà Nội bằng mắt thường có thể nhận thấy, còn rất nhiều cây xăng đang vi phạm quy định về khoảng cách với nhà dân. Nếu áp dụng theo đúng quy chuẩn, số cây xăng đúng quy định chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, thành phố hiện có hơn 500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ hàng triệu lít mỗi ngày. Tuy nhiên, các cửa hàng xăng dầu lại phân bố không đều tại khu vực các quận nội thành, trong số này, đa phần các cửa hàng nằm sát đường phố, khu vực đông dân cư, những khu vực diễn ra các hoạt động kinh doanh... Thực tế này là những mối nguy hiểm luôn rình rập nếu xảy ra cháy nổ.

Quản lý lỏng lẻo?

Đại tá Đoàn Hữu Thắng – Phó cục trưởng cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an biết, đối với những công trình tồn tại trước năm 2001, mà vi phạm những quy định về an toàn PCCC, tức là không phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành thì Hội đồng nhân dân tỉnh TP phải có trách nhiệm để xem xét và có lộ trình để giải quyết việc đó.

Liên quan đến tình trạng này, ngày 5/11/2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch nêu rõ, từ nay đến năm 2020 sẽ giải tỏa, di dời 56 cửa hàng xăng, dầu không phù hợp về quy hoạch phát triển chung của thành phố hoặc có vi phạm tiêu chuẩn về an toàn; xây dựng thêm từ 312 đến 347 cửa hàng xăng, dầu mới.

Trong đó, giai đoạn 2010-2015 xây dựng năm cửa hàng loại I, 60 cửa hàng loại II và 136 cửa hàng loại III. Giai đoạn 2016-2020 xây dựng hai cửa hàng loại I, 48 cửa hàng loại II và 65 cửa hàng loại III. Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2015 là 989 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 630 tỷ đồng. Nhu cầu đất cho xây mới các cửa hàng là hơn 514 nghìn m2. Riêng trong khu vực mười quận nội thành và thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2012-2015, sẽ xây dựng thêm một cửa hàng loại I, năm cửa hàng loại II và 30 cửa hàng loại III.

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn chậm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các mục tiêu nêu trên vẫn gần như chỉ nằm “trên giấy”. Các cây xăng vi phạm nằm trong khu vực nội thành vẫn hoạt động như trước đây.

Theo lãnh đạo của Sở Công thương Hà Nội thì các cửa hàng xăng, dầu đã có từ lâu. Khi mới xây dựng, được cấp phép hoạt động, các cửa hàng này đều đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, qua thời gian, do quản lý lỏng lẻo, nhiều hộ dân ở gần cây xăng lấn chiếm đất để xây dựng, cho nên khoảng cách an toàn giữa cây xăng và khu dân cư bị thu hẹp dần, thậm chí, nhà dân, cửa hàng nằm sát cây xăng. Ðến nay, việc xác định cửa hàng xăng vi phạm quy định an toàn khoảng cách với khu dân cư hay người dân tự ý lấn chiếm diện tích rất phức tạp. Dân cư đông, số lượng xe máy, ô-tô nhiều, nhu cầu mua xăng, dầu của người dân rất lớn, cho nên việc di dời các cửa hàng bán xăng trong nội thành không đơn giản, nhất là lựa chọn những vị trí vừa bảo đảm quy chuẩn, vừa thuận tiện cho người dân mua hàng.

Mặc dù đã có rất nhiều cây xăng tồn tại sai quy định đã bị dỡ bỏ trong một năm qua. Tuy nhiên, với thực tế đang diễn ra, rõ ràng nhà chức trách Hà Nội cần một biện pháp mạnh tay hơn từ các cơ quan quản lý để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng vi phạm khoảng cách giữa các cây xăng, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Ma Loan

Từ khóa: