Sự kiện hot
11 năm trước

Suýt mất mạng vì đắp thuốc lá của thầy lang

Bệnh nhân bỏng 5% nhưng mới điều trị được 2 ngày tại Viện Bỏng quốc gia đã xin về đắp thuốc lá, hậu quả là vết sẹo co, mưng mủ, người bệnh vẹo cột sống, không thể tự ăn uống được.

Bệnh nhân bỏng 5% nhưng mới điều trị được 2 ngày tại Viện Bỏng quốc gia đã xin về đắp thuốc lá, hậu quả là vết sẹo co, mưng mủ, người bệnh vẹo cột sống, không thể tự ăn uống được.

Đó là trường hợp bệnh nhân Vũ Thị Phương, 52 tuổi, ở Tuyên Quang. Khoảng tháng 2, bà nhập Viện bỏng quốc gia vì bị bỏng lửa, diện tích khoảng 5% cơ thể ở vùng mặt, cổ, vai trái. Gia đình bệnh nhân cho vào Viện Bỏng quốc gia ở Khoa Hồi sức được 2 ngày thì xin về để tự chữa bằng thuốc lá.

“Họ sợ tốn kém, xin về nên bệnh viện không thể làm khác. Sau đó bệnh nhân tự đi đắp thuốc lá của một thầy lang chữa bỏng ở gần nhà. Sau một thời gian đắp lá, vết thương thành sẹo nhưng vết sẹo ấy co kéo khiến khuôn mặt và vùng vai, cổ của bệnh nhân hoàn toàn biến dạng. Mi dưới mắt trái kéo dài xuống gần miệng, cổ vẹo về bên trái, vẹo cả cột sống” – bác sĩ điề u trị cho bệnh nhân kể lại.


Bệnh nhân Phương trước khi được phẫu thuật.

Khi đó, bà Phương như một người “ngoài hành tinh”. Tình trạng bệnh rất khổ sở. Vết sẹo đó căng tới mức bà không cử động được hàm, không tự ăn uống được. Bệnh nhân liên tục dùng thuốc đắp 2 tháng khiến ổ loét trên thân thể duy trì mãi, không khỏi hẳn.

“Với vết sẹo gây biến dạng cả người của bà Phương, gia đình bệnh nhân nghe ai đó nói là chỉ có sang Mỹ mới chữa được, tốn rất nhiều tiền nên họ đành buông tay, để bà phải chịu đau đớn. Tới khoảng đầu tháng 7, con gái bà Phương có biết thông tin về Khoa phẫu thuật tạo hình ở Viện Bỏng quốc gia có thể cứu chữa cho bà thì họ đã đưa bệnh nhân xuống đây” – bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình kể lại.

Bà Phương được vào Viện Bỏng quốc gia, phẫu thuật tại Khoa tạo hình chỉ 2 tuần là khỏi hẳn và được ra viện. “Điều đáng mừng nhất với bệnh nhân là bà đã thoát cảnh đau đớn, không tự ăn nổi và biến dạng cả người. Gia đình bệnh nhân có bảo hiểm y tế nên đã không phải chi phí gì, bảo hiểm y tế thanh toán hoàn toàn” – một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân kể lại.

Không chỉ người ở vùng sâu, xa thiếu điều kiện chữa trị mới tin vào lời thầy lang, chữa bệnh một cách thiếu hiểu biết. Ông Nguyễn Văn Kiểm, 62 tuổi ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội đang điều trị tại khoa Phẫu thuật tạo hình là một ví dụ. Đầu năm nay, ông thấy một nốt hạch to như đầu ngón tay, mọc dưới quai hàm trái. Ông lo lắng, sợ mình bị u ác nên đã đi khám ở Bệnh viện ung bướu. Sau 2 ngày được mổ lấy sinh thiết, ông Kiểm đột nhiên ốm nặng hơn và được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây, bác sĩ xét nghiệm phát hiện ông bị tiểu đường tuýp 2. Sau một thời gian điều trị, ông Kiêm khỏe mạnh, về nhà có thể tự đi xe máy đi chơi.


Vết loét của ông Kiểm sâu 4cm, rộng khoảng 8cm khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng
sức khỏe tồi tệ.

“Bố tôi nghe bạn quen từ ngày nằm ở Viện ung bướu nói có ông thầy lang ở Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc đắp thuốc giỏi lắm, có thể hút toàn bộ cái cục ở dưới hàm ra. Vì không tin đó là u lành như bác sĩ nói, bố tôi đã tự đi lên đó, mua thuốc về uống, đắp” – con trai bệnh nhân Kiểm kể.

Ông Kiểm mua thuốc gồm nững cành cây, lá về sắc uống. Khi uống thuốc này, thầy lang bắt ông phải ăn kiêng, không được ăn gì liên quan tới chất đạm, không được uống bất kỳ loại thuốc gì khác. Sau 2 tháng uống thuốc, chiếc “mụn” ở dưới quai hàm vỡ ra, khiến tình trạng sức khỏe của ông rất kém. “Bố tôi chỉ đi lại trong nhà, không tự ăn cơm được vì cứng hết hàm. Chúng tôi bắt bố đi khám thì nhưng ông vẫn tin thầy lang nên nhất định không uống bất kỳ loại thuốc nào khác. Các con không cho đi lên gặp thầy lang, ông tự bắt taxi đi. Ông thầy lang đó cho một loại thuốc lá đã nhào sẵn, hằng ngày dắp vào vết thương bị vỡ. Tình trạng của bố tôi ngày càng kém đi, phải tới khi người thân về thăm ông mới nói cho chúng tôi phải đưa ông vào Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Viện bỏng đây điều trị” – con trai ông Kiểm kể lại tình cảnh của bố.

Ông Kiểm vào viện trong tình trạng rất yếu. Chỗ đắp thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ đã gây loét sâu 4cm, nguy cơ tổn thương động mạch cảnh. Thêm nữa, bệnh nhân bị tiểu đường mà phải ăn chay suốt mấy tháng trời, chỉ ăn tinh bột nên bệnh này càng nặng hơn khiến thể trạng yếu, suy kiệt. Bệnh viện phải chăm sóc bệnh nhân một cách đặc biệt, cải thiện tình trạng sức khỏe bác sĩ mới phẫu thuật cho ông Kiểm được. Ngày 2/11 ông được mổ cắt, nạo vùng viêm nhiễm, cắt một cục hạch to như quả trứng. Đi xét nghiệm tại Viện 103, bác sĩ kết luận ông không bị ung thư như bệnh nhân tưởng tượng.

Được phẫu thuật, tạo hình lại vết thương, sau 2 ngày mổ con trai ông Kiểm đã dìu bố đi lại trong phòng được. Nhưng tới chiều ngày 8/11, tình trạng sức khỏe của ông lại yếu đi bởi quá trình dùng thuốc, đắp thuốc lá ông đã ăn chay khiến người trở nên gầy gò, ốm yếu, sức đề kháng giảm.

Một bác sĩ xin không đưa danh tính chia sẻ, không ai phủ nhận tác dụng tốt của các bài thuốc dân gian nhưng người bệnh nên tới bác sĩ để được khám và tư vấn. Việc dùng thuốc nam như dân gian vẫn truyền kinh nghiệm nên có sự hướng dẫn của bác sĩ, có chuyên môn, đừng tin vào những “lang vườn” mà rước họa vào thân.

* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi

Phương Mai
Theo Infonet

Từ khóa: