Sự kiện hot
12 năm trước

Thế giới ngầm trong nghĩa trang

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ lâu là nơi tấp nập cả ngày lẫn đêm; là đất sống của nhiều người, là nơi các tệ nạn xã hội quần tụ gây nhức nhối.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ lâu là nơi tấp nập cả ngày lẫn đêm; là đất sống của nhiều người, là nơi các tệ nạn xã hội quần tụ gây nhức nhối.

Bình Hưng Hòa (quận Tân Phú) và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Ở nơi người sống bủa vây người chết, đã khởi phát một loạt vấn đề xã hội kéo dài. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa từ lâu là nơi tấp nập cả ngày lẫn đêm, là đất sống của nhiều người; là nơi các tệ nạn xã hội quần tụ gây nhức nhối.

Vừa đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa, một phụ nữ tên H. ngoài 40 tuổi nắm tay tôi lôi xệch ra một góc liến thoắng: “Em thăm mộ hả. Để chị tìm giúp cho. Chị chăm sóc tất cả các ngôi mộ nên biết hết”.

Sống nhờ người chết

Khi tôi nói chỉ đến đây chơi cho biết, H. ném về tôi một cái nhìn dữ tợn rồi hậm hực bỏ đi. Thấy hai người khác đến viếng mộ, H. lại lật đật chạy đến giật phăng nhang đèn trên tay họ rồi cùng đến mộ chí thoăn thoắt nhổ cỏ, đốt nhang đèn.

Sau khi khấn vái xong, người thăm mộ lúi húi móc tờ tiền 100.000 đồng đưa cho H. rồi rời nghĩa trang. Bà Nguyễn Thị Ngọc, đi thăm mộ chồng trong nghĩa trang, cho biết: “Đã thành luật bất thành văn, bất cứ ai đến thăm mộ cũng phải cho tiền những người chăm mộ, ít vài chục ngàn, nhiều vài trăm. Nói là chăm mộ nhưng chỉ khi có mình họ mới lau chùi qua quýt để lấy tiền. Ai không đưa tiền thì sợ mộ phần người thân bị xúc phạm nên phải chấp nhận thôi”.

“Cò” chăm mộ đang chờ người thăm viếng để xin tiền

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa trải trên một diện tích mênh mông, chi chít mộ. Có thể chia nghĩa trang thành 8 khu lớn, mỗi khu có đến hàng chục người hành nghề chăm mộ. Cần nói thêm rằng, chăm mộ là một nghề chân chính, nguồn sống của nhiều gia đình quanh nghĩa trang. Chị Bích, người có thâm niên hơn chục năm sống với nghề này cho biết người có thân nhân an nghỉ tại đây đều có nhu cầu chăm sóc mộ phần người đã khuất. Người nghèo trả tiền theo từng đợt viếng. Người giàu thuê người chăm và trả tiền hàng tháng. Tùy vào thỏa thuận nhưng khoảng  50.000 -100.000 đồng/mộ/tháng.

“Sộp” nhất là mộ gia đình giàu có nhưng ở xa hoặc thân nhân Việt kiều không có điều kiện thăm viếng. Những người đó không tiếc tiền, miễn sao mộ chí được chăm sóc chu đáo. Vợ chồng chị quản gần trăm ngôi mộ, cuộc sống ổn định dù không quá dư dật. “Thấy nghề dễ sống nên nhiều kẻ chen vào giành miếng ăn” - chị Bích tâm sự.

Ở nghĩa trang này, ngoài những người nhận chăm các khu mộ cũng không hiếm các “cò” kiếm ăn bằng cách chụp giật, làm tiền người thăm viếng. Lắm lúc các con nghiện, giang hồ rảo quanh đòi thu tiền bảo kê cả người viếng lẫn người chăm mộ.

“Nghề này mỗi lúc một nguy hiểm, nghĩa trang cũng sắp đóng cửa, những người chăm mộ tử tế như bọn chị chắc cũng chẳng còn đất sống nữa rồi”, chị thở dài.

Tệ nạn bao vây

Ông Nguyễn Văn Hùng, 68 tuổi, sống cạnh nghĩa trang hàng chục năm nay, kể hồi trước ở đây vẫn còn là nông thôn, ít người biết đến. Từ khi khu vực này gắn liền với quá trình đô thị hóa, người dân đổ về trung đông đúc, các tệ nạn mới bắt đầu xuất hiện tràn lan. Nhức nhối nhất là nạn mại dâm. Hàng chục cô gái đứng ngay mặt tiền nghĩa trang vẫy khách. Lắm lúc, họ đi sâu vào bên trong nghĩa trang “hành sự” ngay tại các mộ chí.

Gái bán dâm đến đây từ nhiều vùng miền. Đa phần là gái hết thời tại các nhà hàng, khách sạn nên “dạt vòm” và chọn nghĩa địa làm bãi đáp. Không ít người mang bệnh thế kỷ hoặc nghiện hút, bán dâm để lấy tiền mua ma túy. “Kinh hãi vậy nhưng vẫn có nhiều người tìm đến nơi này để thử cảm giác lạ. Tệ nạn mại dâm nghĩa trang nhức nhối đã nhiều năm qua” - ông Hùng nói.

“Lắm lúc các con nghiện ngồi chích choác ngay trước cửa nhà, ai cũng sởn gai ốc”, Chị Hằng, một hộ dân sống bên trong nghĩa trang, góp chuyện. Ban ngày, bên cạnh các ngôi mộ, tua tủa kim tiêm và các giấy kẽm của các con nghiện để lại. Do ở khu vực này có nhiều con nghiện, nên không ít kẻ buôn bán ma túy thường đến đây bán. Nhiều lần những kẻ buôn bán còn dằn mặt nhau bằng dao, kiếm gây náo loạn cả một khu vực.

Cảnh mua bán ma túy gần như công khai, cứ dẹp hai ba bữa là lại thấy xuất hiện. Mại dâm, ma túy tập trung nên một loạt các tệ nạn khác cũng thi nhau “tề tựu” về nghĩa trang. Những vụ trộm cắp, trấn lột, cướp giật xảy ra như cơm bữa. “Dân sống quanh nghĩa trang như tụi chị cứ tối đến là đóng cửa tắt đèn, không ai dám ra khỏi nhà vì sợ” - chị Hằng nói.

Ngoài ma túy, mại dâm, nghĩa trang Bình Hưng Hòa trước đây còn được biết đến như một “thiên đường” cờ bạc với một loạt các trường gà dã chiến. Gần đây nhất, công an đột nhập nghĩa trang vây ráp 400 con bạc đang đá gà hoặc sát phạt xóc đĩa. Hàng trăm con bạc nháo nhào chạy trốn, 97 người bị bắt. “Ông chủ” của hoạt động cờ bạc bên trong nghĩa trang là Chương Hoàng Chiến, tự Chiến “lò thiêu”, một đối tượng có máu mặt tại địa phương. Dưới trướng Chiến là một loạt chân tay nhiều lần vào tù ra khám chuyên tổ chức cảnh giới, bảo kê và cho con bạc vay cắt cổ.

Một cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, cho biết: Tệ nạn xã hội ở nghĩa trang gây nhức nhối nhiều năm qua. Chính quyền và các cơ quan chức năng nhiều cấp đã nỗ lực phòng chống quyết liệt. Tuy nhiên, do nghĩa trang quá rộng, lực lượng lại mỏng nên rất khó giải quyết triệt để.

Theo Đất Việt

Từ khóa: