Sự kiện hot
11 năm trước

Thị trường lao động thời kinh tế khủng hoảng: Cần thay đổi quan điểm chọn nghề!

Dantin - Sau một năm đìu hưu, những phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội đã tấp nập người đi tìm việc.

Dantin - Sau một năm đìu hưu, những phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội đã tấp nập người đi tìm việc. Tuy nhiên, nhiều sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm phù hợp trong khi các doanh nghiệp đỏ mắt tìm lao động có tay nghề.

Cung - cầu đều cao

Trong nhiều phiên giao dịch việc làm thời gian qua, hàng ngàn lao động từ nhiều tỉnh thành với chuyên môn, trình độ khác nhau đã tới TTGTVL tìm cơ hội việc làm. Chị Lưu Thị Hoài (huyện Bình Lục, Hà Nam) quyết định nộp hồ sơ xin việc cho công ty Media Mart. Chị Hoài cho biết, chị tốt nghiệp cao đẳng kế toán từ tháng 6/2012. Đầu năm 2013, chị xin đi bán hàng cho một cửa hàng quần áo trên phố Tây Sơn với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm của người dân giảm, chủ cửa hàng đã chấm dứt hợp đồng lao động. Chị đến phiên giao dịch để tìm việc và được công ty mời tới thử việc.

Anh Nguyễn Minh Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tốt nghiệp cao đẳng nghề chuyên ngành hàn, nhưng chưa tìm được việc đúng chuyên môn nên ở nhà giúp việc đồng áng cho gia đình. Nay anh tìm đến TTGTVL Hà Nội để tìm việc. Qua tư vấn viên, anh thấy yêu cầu của một công ty tuyển công nhân hàn, cũng như mức lương khởi điểm phù hợp nên đã nộp hồ sơ. Anh Chung tâm sự: “Hy vọng là tôi sẽ sớm được nhận vào làm, chứ không thể ở nhà ngồi chơi được, chán lắm”.

Không chỉ người lao động đua nhau đi tìm việc, mà các doanh nghiệp cũng đang hối hả tìm người. Hiện tại, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T&L (thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có nhu cầu tuyển 10 LĐ phổ thông đi giao hàng. Ông Đặng Ngọc Thanh, cán bộ phụ trách tuyển dụng, cho biết sau quý I/2013, nhiều lao động đã nghỉ việc để tìm việc khác, vì thế công ty phải tuyển thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. “Năm nào cũng thế, vào thời điểm giữa năm, lao động của công ty “nhảy việc” khá nhiều, chúng tôi lại phải tuyển mới, đào tạo lại”, ông Thanh ngán ngẩm. 

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TTGTVL Hà Nội, mọi năm, phiên giao dịch việc làm có cung và cầu lao động rất ít, có phiên chỉ có 30 doanh nghiệp và vài trăm LĐ tham gia, thì năm nay ngược lại, số doanh nghiệp tham gia tăng 40% so với năm ngoái. Trong đó, nhiều nhất là các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, cơ khí. Ngoài ra, có gần 1.200 LĐ tham gia, tăng 60% so với năm ngoái.

Vẫn thiếu lao động có tay nghề

Dù số doanh nghiệp muốn tuyển lao động và người lao động muốn tìm việc đều tăng, nhưng cung- cầu lao động còn nhiều khoảng cách. Nhìn vào các đề mục tuyển dụng mà các doanh nghiệp thông báo tại sàn, thì yêu cầu tuyển lao động có tay nghề chiếm đến 70%. Nhiều công ty yêu cầu phải có nghề, ít nhất là từ trung cấp nghề trở lên hoặc công nhân cơ khí bậc 3/7 trở lên. Ngay cả lĩnh vực may mặc, các doanh nghiệp cũng ưu tiên tuyển dụng LĐ có tay nghề. Trong khi đó, phần lớn LĐ tìm tới phiên giao dịch là LĐ tự do, lao động không qua đào tạo hoặc SV mới ra trường.

Đại diện một công ty cơ khí cho biết, công ty cần tuyển 10 công nhân hàn với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, yêu cầu của công ty là LĐ phải có trình độ từ công nhân kỹ thuật và có 2 năm kinh nghiệm trở lên, biết hàn công nghệ cao 3G hoặc 6G (các loại tư thế hàn và các lĩnh vực hàn phức tạp). Tuy nhiên, cả phiên giao dịch, công ty cũng chỉ nhận được 1 bộ hồ sơ đạt tiêu chuẩn.

Theo bà Đào Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hà Thanh, nguyên nhân khiến người LĐ và nhà tuyển dụng khó gặp nhau là do trình độ, năng lực của người LĐ thấp, nhưng họ lại đòi hỏi cao về thu nhập. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, thì việc duy trì mức lương và các chế độ phụ cấp như năm 2012, đã khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, cho biết: “Hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, nhu cầu của các doanh nghiệp là lao động có chuyên môn, tay nghề thì lại thiếu trầm trọng. Nguyên chính là lao động, gia đình không thích cho con em mình học nghề, mà phải vào đại học bằng mọi giá. Qua đánh giá của Bộ LĐTB&XH, 100% học viên tốt nghiệp hệ cao đẳng nghề từ năm 2012 đến nay đều tìm được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức thu nhập mỗi tháng từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng”.

Ông Phi cho rằng, với mạng lưới dạy nghề rộng khắp cả nước như hiện nay, học viên có thể yên tâm lựa chọn ngành nghề phù hợp, để khi ra trường có công việc ổn định.

H.S

Từ khóa: