Sự kiện hot
12 năm trước

Thị trường Việt cần nhiều game có chiều sâu hơn

Tình trạng mất cân bằng về thể loại sản phẩm, đề tài trùng lặp vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Tình trạng mất cân bằng về thể loại sản phẩm, đề tài trùng lặp vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Cách đây 3-4 năm, thời "mảnh đất" webgame còn hoang sơ với những Đế Chế Quật Khởi, Linh Vương... Chúng một cõi tung hoành trong vương quốc của các sản phẩm client. Lúc đó, webgame được xem là "của hiếm", sự có mặt trên thị trường của chúng luôn nhận được sự chú ý đặc biệt.

Kể từ giữa năm 2011 đến nay, tức là chỉ khoảng 12 tháng, quân số của "đại gia đình" webgame tại Việt Nam ngày càng tăng lên và nhiều như nấm mọc sau mưa. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến quyết định nhập webgame tràn lan của NPH Việt là do nguồn vốn đầu tư ban đầu không lớn, dễ thu hồi hồi vốn và quay vòng sản phẩm nhanh. Thêm vào đó, việc xin cấp phép cho những sản phẩm này cũng thuận lợi hơn so với các game online cài đặt. Bức tranh thị trường game Việt cũng vì thế thay đổi từ đây - một bức tranh bị phủ dày bởi mảng màu mang tên webgame.

Thay vì một không khí đón nhận một cách nhiệt tình như thời Đế Chế Quật Khởi, Linh Vương, sự bội thực các sản phẩm webgame giờ đây đã gây ra hiệu ứng tiêu cực cho cộng đồng game thủ. Đa số đều cho biết, họ cảm thấy ngột ngạt, rối bời giữa một "mớ bòng bong" trò chơi trực tuyến trên trình duyệt. Hệ quả là mỗi khí có những MMO cài đặt sắp xuất hiện tại VN, họ đều tỏ ra rất đỗi vui mừng, thể hiện qua hàng loạt những topic, lời bình phẩm trên các diễn đàn và trang tin.

Bên cạnh tình trạng mất cân bằng thể loại, một mảng tối khác của làng game Việt hiện nay còn nằm ở sự trùng lặp và nhàm chán của đề tài. Theo đó, dòng game nhập vai kiếm hiệp Kim Dung và chiến thuật Tam Quốc đến từ Trung Quốc đã và đang lên ngôi mạnh mẽ. Tính sơ bộ đến nay, số lượng sản phẩm đề tài này đang chiếm không dưới 70% tổng số game online đang tồn tại ở dải đất chữ S.

Lý do mà NPH game Việt luôn ưu tiên đưa về VN các sản phẩm đề tài này đơn giản xuất phát từ việc, chúng phù hợp với văn hóa gamer thủ Việt. Hiện, đây cũng là dòng sản phẩm có đông người chơi nhất, tập trung ở những gương mặt tiêu biểu như Tam Quốc Truyền Kỳ, Ngọa Long, Võ Lâm Chi Mộng hay Chân Long Giáng Thế.

Việc có quá nhiều webgame na ná nhau ra đời đã dẫn đến hệ lụy cuộc cạnh tranh giành miếng bánh thị phần ngày càng trở nên khốc liệt. Khi số lượng sản phẩm xuất hiện với tần suất dày đặc, thị trường dần trở nên bão hoà, quy luật đào thải tất yếu sẽ loại dần những webgame yếu kém. Trong cuộc đua này, hàng loạt sản phẩm không thành công đành phải ngậm ngùi ra đi "không kèn không trống" như Tung Hoành Thiên Hạ, Võ Lâm web, Tiên Kiếm, Thần Bài, Cửu Đỉnh

Theo nhận định của đại diện một nhà phát hành game tại Việt Nam, thị trường game Việt hiện nay đang phát triển quá nóng, chưa chú trọng đến sự bền vững. Hơn nữa, việc không tập trung vào chiều sâu mà chỉ chăm chút cho chiều rộng sẽ dẫn đến hệ quả nhà phát hành gặp khó, phải đóng cửa sản phẩm, quyền lợi của game thủ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vị này phân tích.

Trước tình hình này, một vài doanh nghiệp game bước đầu cho biết ý định mang về những sản phẩm có chất lượng và phải thực sự khác biệt so với những trò chơi "mỳ ăn liền" hiện nay. "Khi nhập game, việc dựa vào xếp hạng của nó tại nước sở tại là một yếu tố khá quan trọng. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt chính là 'yếu tố lạ' của sản phẩm, những tính năng gần gũi mà game thủ Việt Nam từng có ở những MMO trước đó. Theo tôi, nếu NPH game Việt chọn ra được một sản phẩm, dù là client hay webgame, đáp ứng được cả 2 tiêu chí này thì sẽ thành công", đại diện một NPH chia sẻ.

Hoàng Quân
Theo vnexpress

Từ khóa: