Sự kiện hot
11 năm trước

Thủ đô Hà Nội sau 5 năm mở rộng: Khác biệt từ cái vé xe

Mấy năm gần đây, mỗi năm ngân sách TP Hà Nội chi cho việc trợ giá xe buýt đều trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong danh sách các tuyến xe buýt được trợ giá có cả những tuyến xe đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, còn các tuyến xe buýt đi một số huyện, thị xã của Hà Nội lại theo giá thị trường.

Mấy năm gần đây, mỗi năm ngân sách TP Hà Nội chi cho việc trợ giá xe buýt đều trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong danh sách các tuyến xe buýt được trợ giá có cả những tuyến xe đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, còn các tuyến xe buýt đi một số huyện, thị xã của Hà Nội lại theo giá thị trường.


Tuyến xe 71 Mỹ Đình – Thị xã Sơn Tây chưa được hưởng chính sách trợ giá. Ảnh: Lan Hương.

Giá vé cao gấp 2 - 3 lần

Sau 5 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng, các tuyến xe buýt từ Hà Nội (cũ) về Hà Tây (cũ) vẫn chưa được thụ hưởng chính sách trợ giá xe buýt. Cụ thể, đối với các tuyến trợ giá, nếu quãng đường dưới 25km giá vé là 5.000 đồng, trên 25km là 7.000 đồng. Trong khi đó, cùng chiều dài tuyến đường thì các tuyến xe buýt chưa trợ giá lại có mức phí rất cao, gấp 2-3 lần. Ví dụ, tuyến xe buýt từ bến xe Mỹ Đình đi đại lộ Thăng Long về thị xã Sơn Tây, chiều dài trên 50km giá trọn tuyến là 22.000 đồng nhưng cùng chiều dài tương tự thì tuyến được trợ giá chỉ có 7.000 đồng.

Ngoài ra, những tuyến không được trợ giá cũng không được mua vé tháng (chỉ những tuyến được trợ giá mới được đăng ký mua vé tháng) dẫn tới chi phí cho việc đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt với những người thường xuyên đi lại bằng xe buýt không trợ giá. Trường hợp anh Nguyễn Văn Đoành là một ví dụ. Nhà ở thị xã Sơn Tây, hàng ngày anh phải đi xe buýt số 71 từ Sơn Tây tới bến xe Mỹ Đình và ngược lại. Anh Đoành cho biết, trung bình mỗi tháng anh mất 20 ngày di chuyển như vậy. Với mức giá vé tuyến 71 (Mỹ Đình – Sơn Tây) là 22.000 đồng/lượt, anh Đoành mất khoảng 900.000 đồng/tháng, trong khi đó với các tuyến xe có trợ giá thì mua vé tháng anh Đoành chỉ mất 140.000 đồng.

Điều bất hợp lý còn thể hiện ở chỗ, trong khi các tuyến xe trong thành phố (đi Hà Tây cũ) chưa được trợ giá thì các tuyến buýt kế cận về Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên lại có trợ giá. Các tuyến buýt kế cận mặc dù chặng đường ngang bằng, thậm chí là xa hơn một số tuyến từ nội thành Hà Nội đi Hà Tây (cũ) nhưng do được trợ giá nên giá vé “mềm” hơn khá nhiều. Chẳng hạn tuyến xe 203 đi Lương Yên (Hà Nội) - Bắc Giang, tuyến 204 đi từ bến xe Lương Yên sang Thuận Thành (Bắc Ninh) vì được trợ giá nên vé chặng chỉ có 7.000 đồng, giá theo tuyến là 12.000 đồng, rẻ bằng 1/2 so với cùng tuyến đi lên huyện Quốc Oai, Sơn Tây .


Anh Nguyễn Quang Thư - tài xế tuyến bến xe Mỹ Đình - Sơn Tây.

Người dân ngóng chờ

Việc chưa thực hiện trợ giá xe buýt đối với các địa phương thuộc Hà Tây (cũ) sau 5 năm sáp nhập vào Hà Nội đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Ngoài chuyện có sự “phân biệt” đối với người dân trong sử dụng dịch vụ thì các công nhân lao động trong hoạt động xe buýt cũng bất bình đẳng.

Anh Nguyễn Quang Thư (tài xế xe buýt số 71) cho biết, xe của anh chạy 5 lượt/ngày, chạy liên tục không được chia ca từ 5h đến 19h10 hàng ngày. Vì chưa được trợ giá, nên anh phải chịu hình thức khoán, mỗi ngày nộp về xí nghiệp 500.000 đồng, không phụ thuộc hàng ngày thực thu được bao nhiêu, cho nên nhiều khi tài xế phải tự bù lỗ. Nguyện vọng của anh Thư là mong sớm được trợ giá và sớm được làm việc chia ca (khi được trợ giá thì đồng thời cũng sẽ được kéo theo chế độ chia ca). Chính việc khoán hàng ngày nên nhiều khi các tài xế như anh Thư phải chạy hết công suất để đủ mức khoán, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ và an toàn giao thông.

Khác với anh Thư, anh Nguyễn Văn Hải (tài xế xe tuyến 74) cho biết, xe anh chạy 5-6 lượt/ngày nhưng được trợ giá nên không phải chịu mức khoán. Hàng ngày, các tuyến xe này sẽ áp dụng hình thức “thực thu”, tức là mỗi ngày lái xe thu vé được bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu về xí nghiệp.

Trước tình trạng người dân có nhiều thắc mắc, UBND một số huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội có chính sách trợ giá cho xe buýt các tuyến nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, để triển khai các tuyến xe buýt có trợ giá, phải tổ chức được một mạng lưới hợp lý. Từ năm 2012, TP Hà Nội đã hoàn thiện việc đánh giá và cũng đã có quyết định quy hoạch lại mạng lưới xe buýt của Hà Tây (cũ) thành 12 tuyến. Theo ông Hải, hệ thống xe buýt được trợ giá phải có tiêu chí riêng và chỉ có thể thực hiện được khi có đầy đủ các yếu tố về lộ trình, phương tiện, hệ thống quản lý điều hành và chất lượng phục vụ.

“Có thể trong quý 4 năm nay, một số tuyến đi theo đường 32, Sơn Tây chưa được trợ giá sẽ được đưa vào mạng lưới có trợ giá. Việc không áp dụng đồng loạt đối với tất cả các tuyến ở Hà Tây (cũ) vì còn phụ thuộc vào ngân sách của thành phố”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội

Phùng Bình
theo GĐ&XH

Từ khóa: