Sự kiện hot
9 năm trước

Thú vị những ngôi làng có một không hai ở Đồng bằng Bắc bộ

Trong cái rét se sắt, chúng tôi chia tay thành phố náo nhiệt về với những vùng quê Việt Nam, nơi có lũy tre xanh, có cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Người quê hồn hậu, cảnh quê hiền hòa và đặc biệt hơn là có những làng quê vô cùng độc đáo.

Làng Can Vũ hay làng Can “Tức”?

Có lẽ rất ít người biết rằng ở vùng quê Kinh Bắc có một ngôi làng khá đặc biệt như làng Can Vũ (Quế Võ, Bắc Ninh). Do lối đối đáp sắc sảo và sự nhạy bén trong xử lý ngôn ngữ mà người dân nơi đây được biết đến với cái tên gọi nghe thôi đã thấy lạ lùng muốn một lần thử đến thăm rồi đó là “Làng nói tức”. Ở nơi đây cách nói chuyện của họ từ người già đến trẻ nhỏ đều khiến cho người nghe tức đến sôi máu mà vẫn phải cười.

Cách TP. Bắc Ninh chừng hơn chục cây số, vừa đến đầu làng thì có một thanh niên khoảng 28 tuổi gọi giật chúng tôi lại chỉ vào anh bạn đang đứng câu cá rồi nói: “Các em vào đây làm gì? Tìm anh này à?”.

Không giấu được sự ngơ ngác chúng tôi hỏi về nhà trưởng thôn của làng Can Vũ thì nhận được câu trả lời khá đáo để: “Ở đây chỉ có làng Can Tức thôi chứ làm gì có Can Vũ, nhà Trưởng thôn “Can Tức” ở đằng kia kìa, em đi nhanh thì nhanh đến, đi chậm thì đến lâu”. Chỉ vừa nghe đến đây chúng tôi biết chắc chắn đã đặt chân đến ngôi làng “nói tức” Can Vũ rồi.

Được sự giới thiệu của người dân chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Định, là ông đồ của làng, ông là người ngày đêm cần mẫn sưu tập những giai thoại về nói tức ở làng Can Vũ.

Phong thái cụ điềm đạm, thật thà, chân thật nhưng lại khiến người nghe bực mình đến sôi gan, sôi ruột mà vẫn buồn cười, đó có lẽ là cái tài của người nói tức. Trò chuyện với chúng tôi về “đặc sản” nói tức của làng, ông Định kể cho chúng tôi những giai thoại nói tức như câu chuyện về cụ Nghiễn đi ăn giỗ. Khi đến đám giỗ cụ thấy người nhà làm cỗ mà toàn gọt su hào cụ hắng giọng quát: “Tiên sư cái thằng “Su” này, ở nhà tao vừa thấy mày mà giờ sang đây đã thấy mày ở đây rồi”.  Mọi người quay sang hỏi nhau vì ở đây chẳng có ai tên là “Su” mà cũng không biết cụ mắng ai. Mãi sau có người làng Can Vũ giải thích thì mọi người mới hiểu ra rằng ở nhà cụ Nghiễn thường ăn cơm với su hào luộc, tưởng đi đám giỗ linh đình thế nào hóa ra cũng có mỗi su hào. Mọi người lại được trận cười nghiêng ngả.


Làng Hoàng Dương hay còn gọi là làng Chùa

Ông Định cho hay: “Người đạt đến trình độ nói tức thì phải là người nói nhẹ nhàng như hát, khiến người nghe vừa tức vừa phì cười vì sự dí dỏm, thâm sâu trong câu nói ấy. Làng Can Vũ “nói tức” từ lâu đời lắm rồi, đến thời bây giờ cũng vẫn “nói tức”, không những thế mà bây giờ nói tức ở làng còn mang cả tính thời sự nữa. Ở các xã xung quanh họ gọi làng chúng tôi là làng Can Tức”.

Theo như sưu tầm của ông Định thì tục nói tức ra đời cùng thời với phong tục nói dối ở một số tỉnh phía Bắc mà chủ yếu là Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong cuộc sống đời thường, những câu đối thoại chào hỏi của người Can Vũ cũng mang đầy sắc thái chế nhạo, châm cười, mục đích của nói tức nhằm xua tan những mệt nhọc sau giờ lao động, những câu chuyện đời thường được đối đáp với nhau bằng giọng hài hước, thâm sâu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nói tức ở Can Vũ không những không bị mai một đi mà ngày càng phát triển hơn theo kịp với nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, mỗi thế hệ lối nói tức lại có một nét riêng khác nhau. Các bậc cao niên trong làng khi nói tức thì mang sắc thái dân gian, còn thế hệ thanh niên nói tức lại được chuyển hóa theo lối hiện đại thường ngày hơn. Nhưng cái chính vẫn là để châm cười.

Anh Họa trưởng thôn Can Vũ biết: “Chuyện nói tức ở làng Can Vũ cũng có từ lâu đời rồi và chúng tôi cũng có hướng bảo tồn, phát triển bằng cách thành lập các câu lạc bộ để giữ gìn lối nói từ xa xưa để lại”

Bản chất của nói tức ở làng Can Vũ không phải mang ý nghĩa trêu chọc, gây mất đoàn kết mà là cách dùng các biện pháp nói ngược, nói lái, nhân hóa, ẩn dụ để mang lại tiếng cười sảng khoái xua tan đi cái mệt mỏi của người dân lao động chân lấm tay bùn. Những ai mới đến làng có thể sẽ không  biết đến văn hóa nói tức của Làng Can Vũ sẽ cảm thấy tức giận, nhưng khi hiểu ra rồi thì thấy đó như một lời nói vui mà sâu cay của món “đặc sản” nói tức.

Làng nói ngang cua

Cũng không kém phần nổi tiếng và lạ lùng như làng Can Vũ, Bắc Ninh thì Làng Phụng Pháp, xã Tân Mỹ (Yên Dũng, Bắc Giang) cũng được gắn với cái tên khá độc đáo đó là “làng cua”. Sở dĩ có tên gọi ấy cũng bắt đầu từ lối nói chuyện có “duyên” của người dân làng này. Ở nơi đây từ người già đến trẻ nhỏ đều nói rất “ngang” khiến người tiếp xúc tức chảy cả nước mắt vì giận.

Nghệ thuật nói ngang của làng Phụng Pháp không chỉ là truyền miệng mà được các cụ cao niên tập hợp những cách nói tiêu biểu của người trong làng và ghi chép lại thành sách. Thậm chí đến ngày hội xuân họ còn tổ chức “hội thi nói ngang”.


Người dân làng Can Vũ vẫn trò chuyện với nhau bằng lối nói tức

Ghé vào nhà trưởng thôn Hoàng Văn Chính hỏi về phong tục nói ngang của người làng Phụng Pháp, ông Chính trả lời chúng tôi: “Không có bí quyết gì hết, ở làng chúng tôi coi việc nói ngang là món ăn tinh thần từ thời xa xưa cho tới bây giờ rồi”.

Rồi ông Chính kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện, những đoạn hội thoại nói ngang như cua của làng Phụng Pháp như: Có một gia đình từ làng khác đến Phụng Pháp hỏi vợ cho con trai mình, đến nhà gái, ông bà nhà trai chào lớn: "Chào anh chị" thì ngay lập tức nhận được câu trả lời chưng hửng: "Sao lại gọi là anh chị, biết chúng tôi bao nhiêu tuổi mà xưng hô như thế?" nghe đến đây thì nhà trai đã giận tím mặt đòi bỏ về. Hay cũng tương tự như câu chuyện trên, có một ông khách đến thăm nhà của một người ở làng Phụng Pháp, thấy có cụ già từ ngoài vườn bước vào nhà, vị khách liền hỏi người vừa dẫn vào: “Cụ đây là người thân sinh ra bác hả?”. "Không, đây là ông nội của con tôi, là bố chồng của vợ tôi".

Cách nói ngang từ hàng ngàn năm nay của dân Phụng Pháp đã trở thành thành ngữ không chỉ của xứ Bắc Giang mà còn lan ra khắp Bắc bộ. Hiện nay khi đến đình “làng cua” vẫn thấy còn những tấm bia cổ ghi lại những giai thoại dân gian và “bí quyết” nói ngang được lưu truyền từ bao thế hệ của làng. Cách nói của làng Phụng Pháp như một đặc điểm để biết đó là người làng. Nhưng tùy nơi, tùy vùng, tùy đối tượng tiếp xúc mà cách nói ngang được sử dụng hợp lý.

Ngôi làng của những “thi sĩ nông dân”

Khác với cách nói tức, nói ngang của hai ngôi làng trên, chúng tôi lại tìm đến một ngôi làng ngoại thành Hà Nội nằm nép mình bên bờ sông đáy,đặc biệt hơn nữa khi đó là ngôi làng từ trẻ con cho đến người già đều làm thơ, làm thơ mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi mắng nhau họ cũng sử dụng thơ.

Từ sau cánh cổng làng đã phai màu thời gian của thôn Hoàng Dương xã Sơn Công (Ứng Hòa - Hà Nội) là con đường làng sạch sẽ trải dài qua vài chục ngôi nhà. Trước sự thay đổi chóng mặt của xã hội thì ngôi làng này vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, trầm mặc.

Tìm đến nhà ông Lê Xuân Sủng - Hội trưởng hội thơ làng Hoàng Dương vừa rót xong chén trà ông Sủng đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài thơ mà người làng dùng để giải hòa mỗi khi chứng kiến gia đình nào đó xung đột: “Khuyên vợ thì khuyên bằng lời/ Can chồng chọn lẽ chọn lời mà can/ Hay gì túm tóc xé nhau/ Trước là phạm pháp rồi sau nát nhà...”.

Đọc xong một số bài thơ của làng sáng tác ông Sủng dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Gia Tế (83 tuổi) một trong những người yêu thơ của làng, cụ Tế cho chúng tôi biết: "Người làng Hoàng Dương đa số đều biết làm thơ, trẻ con cũng có thể làm thơ. Thơ của người làng không xa vời, không dùng đến những mỹ từ hào nhoáng mà lại rất gần gũi với người nông dân".

Cụ Tế sáng tác nhiều bài thơ không đếm xuể hết nhưng hỏi đến bài nào là cụ đọc vanh vách. Hỏi, bản thảo của những bài thơ cụ sáng tác để ở đâu thì cụ chỉ lên đầu và trả lời: "Bản thảo tôi để hết trong đầu. Tôi đi tát nước 7 lần mới nhớ ra ruộng của nhà mình, nhưng có bao nhiêu bài thơ tôi sáng tác tôi đều nhớ hết. Sở dĩ tôi có trí nhớ tốt vậy là do tôi yêu thơ, người ta yêu rượu thì nhớ rượu còn tôi yêu thơ thì nhớ thơ".

Điều lạ nữa là, ở làng Chùa, thơ theo trẻ nhỏ đi học, theo các mẹ, các chị ra đồng, theo các ông bà dạy bảo con cháu. Khi hỏi về bí quyết để ai cũng làm được thơ như vậy thì cụ nói: "Cái cốt thơ của làng Hoàng Dương là từ những câu ca dao, dân ca bình dân".

Thơ ca đối với làng Hoàng Dương không chỉ có giá trị giải trí, mà nó còn mang mục đích giáo dục đạo đức của con người cho bà con, trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày ở làng. Thơ dạy tầng lớp thanh thiếu niên trong làng sống sao cho phải đạo làm người, biết yêu quê hương đất nước, biết chăm ngoan, học giỏi, tuân thủ luật giao thông: “Đường làng ngõ, ngách như răng bừa/ Ra vào xe máy chớ chạy đua/ Phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn/ Tai nạn, có phen rạn sọ dừa”.

Cụ Tế kể chúng tôi xuất xứ của bài thơ "Dạy cháu" đó là một lần khi nghe người bà bên hàng xóm mắng cháu cụ muốn góp ý, nhưng sợ làm phật ý nên người ở làng mới làm bài thơ này. Bài thơ như một cách khuyên nhủ hết sức nhẹ nhàng nhưng nghe lại thấm: "“Dạy con không dạy bằng lời/ Bà dùng roi đánh tơi bời thế a/ Chửi con bới cả ông cha/ Con hư hay chính tại bà cũng hư”.

Chính nhờ những bài thơ mang ý nghĩa phê phán, góp ý tế nhị của hàng xóm láng giềng nên những vấn đề nhỏ nhặt của cuộc sống trong ngôi làng này đều được giải quyết một cách êm ấm.

Người dân trong làng Chùa, từ già tới trẻ, ai cũng yêu thơ, cảm thấy thơ là một phần của cuộc sống của mình, cả làng yêu thơ, đưa thơ vào cuộc sống với những câu rất vần, rất ý nghĩa. Thế nên trong làng không có ai mắc vào các tệ nạn cờ bạc: “Những ai đánh bạc, đánh đề/ Hãy ngừng ngay lại mà nghe vài lời/ Phải đâu tôi dám dạy đời/ Chỉ xin nhắc lại những lời người xưa...”.

Tiếng cười đó cũng là niềm tự hào quê hương với những "đặc sản" đáng tự hào hơn và trở nên vững chắc nhờ tiếng cười tự tin trong cuộc sống.

Hà Linh
theo Công lý

Từ khóa: