Sự kiện hot
7 năm trước

Thương mại nội địa sẽ tăng mạnh dịp cuối năm

Thương mại nội địa thời gian gần đây luôn phát triển tịnh tiến, được coi là điểm tựa và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước, thị trường nội địa vẫn tiếp tục xu hướng tăng, nhất là dịp cuối năm.

Các chuyên gia thương mại dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm sẽ đạt trên 3.880 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016.

Thương mại nội địa tăng gần 4.000 tỷ đồng

Theo đánh giá từ các chuyên gia thương mại, từ đầu năm đến nay, thị trường trong nước nhìn chung duy trì ổn định, sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp khá dồi dào, đa dạng nên giá hàng hóa không có biến động lớn, sức mua trên thị trường ngày càng tăng.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm đạt 2.248,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; may mặc tăng 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,9%; phương tiện đi lại tăng 7,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 4,8%.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy, trong tháng 8/2017 CPI tăng 0,92% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 3,84%, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%.

Giới chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao. Do đó, các chuyên gia thương mại dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm sẽ đạt trên 3.880 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2016.

Trong vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Công thương cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa trong dịp lễ, Tết cuối năm nhằm kích cầu thị trường.

Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. Qua đó, sẽ tập trung tiêu thụ các sản phẩm nội địa nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước phát triển.

Việc kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ tạo thêm động lực cho tăng trưởng mà quan trọng hơn sẽ hướng tới hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thị trường, đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ bớt đi các đợt giải cứu nông sản như đã từng xảy ra. 


Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm sẽ đạt trên 3.880 nghìn tỷ đồng

Đẩy mạnh thị trường nông thôn

Theo các chuyên gia kinh tế, việc kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ là một giải pháp "tiếp lực" cho tăng trưởng không chỉ cho riêng năm 2017 mà còn cho cả những năm tiếp theo. Do đó, để đạt được con số gần 4.000 tỷ đồng ngoài việc chú trọng phát triển thị khu vực thành phố, cần mở rộng đến các thị trường truyền thống ở nông thôn.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám Đốc – Trưởng Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ - Nielsen Việt Nam nhận định, với 68% dân số sống ở vùng nông thôn ngày càng có cuộc sống sự thịnh vượng hơn, vùng nông thôn Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn vì người tiêu dùng ở đây đang có mức thu nhập tăng nhanh và họ cũng có khuynh hướng nâng cao lối sống hiện tại của mình.

Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, trong quý 1/2017, mức tăng trưởng ở khu vực nông thôn đạt 12,4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn quốc, trong khi đó, tăng trưởng ở khu vực thành thị chỉ đạt mức 6,5%.



Kết quả thăm dò của AC Nielsen

Khi nghiên cứu kỹ hơn ở từng phân khúc để xem sự tăng trưởng thực sự đến từ đâu, thì dữ liệu của Nielsen cho thấy các dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp là 2 nguồn đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn, với gần 40% và 38.5% tương ứng cho từng dòng sản phẩm.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường nông thôn sẽ được hết sức coi trọng và để thúc đẩy sức mua tại thị trường này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp và nhà phân phối.

“Hiện nay sức mua của thị trường nông thôn rất lớn vì đây một thị trường rất tiềm năng cho thị trường trong nước. Các doanh nghiệp nên có những chương trình quảng bá các sản phẩm, đổi hàng, hoặc cung cấp những sản phẩm mà người dân cần và đổi lại là mình thu mua những sản phẩm người nông dân có. Doanh nghiệp cũng nên đặt trụ sở cũng như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình ở tại địa bàn các thị trấn cũng như các vùng nông thôn có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm”, ông An khuyến cáo.

Thương mại nội địa cần phải được hết sức coi trọng vì đây là lĩnh vực thúc đẩy hoạt động cung cấp sản phẩm cũng như tăng sức mua của người tiêu dùng, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa sẽ là “trợ lực” cho nền kinh tế. Vì vậy cần phải phát triển hài hoà giữa thành thị và nông thôn.

Quang Huy – Mai Quỳnh

Từ khóa: