Sự kiện hot
10 năm trước

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014: Ngó lơ khối C và ngành Sử

Rất nhiều thí sinh cho biết, năm nay họ không dự thi ĐH, CĐ khối C. Đặc biệt, môn Sử cũng không được nhiều thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT.


Hoàng Huyền My (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội): “Trong lớp, chỉ có em và một bạn nữa chọn thi tốt nghiệp THPT môn Sử bởi yêu thích môn học này”. Ảnh: Q.Anh

Khối C bị thờ ơ

Ngày 9/3, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Ngày hội tư vấn tuyển sinh đã thu hút rất đông thí sinh, học sinh từ các trường THPT ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tham dự. Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, kỳ thi năm nay, thí sinh vẫn đặc biệt quan tâm đến các ngành Kinh tế, Y, Dược, Công an và Quân đội.

Thí sinh đa phần lựa chọn các khối thi ĐH, CĐ như: A, A1, D và B, rất ít thí sinh lựa chọn khối C. Thí sinh Nguyễn Thị Hương (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi, Thái Bình) chia sẻ: “Năm nay, em dự thi vào ngành Kinh tế của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khối A. Các bạn lớp em chủ yếu thi khối A, B. Dù em biết khối ngành Kinh tế hiện đang thừa nhân lực, tuy nhiên xét vào lực học, sở thích của mình nên em vẫn quyết định chọn thi vào khối ngành này và đặc biệt là em phải cố gắng trau dồi thêm các kỹ năng để khi ra trường có cơ hội việc làm tốt hơn. Gia đình cũng rất ủng hộ quyết định của em”.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, khá nhiều thí sinh tìm hiểu các ngành Khoa học xã hội - nhân văn nhưng lại “thờ ơ” với khối C. Thí sinh Phùng Minh Ngọc (lớp 12, Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay, em chọn thi khối D1. Em đang tìm hiểu để lựa chọn vào một chuyên ngành Khoa học xã hội - nhân văn của trường nào phù hợp. Em thấy, các bạn lớp em chủ yếu thi khối D, chỉ có vài bạn thi khối C nhưng không có bạn nào chọn ngành Sử cả”.

Là thí sinh sắp đăng ký dự thi vào khối C, thí sinh Vũ Ngọc Linh (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cho biết: “Lớp em chỉ có 4/43 bạn chọn thi khối C. Các bạn chủ yếu thi vào trường Quân đội, Công an vì ra trường không phải lo xin việc làm. Còn em chọn thi vào ngành Quan hệ công chúng của Học viện Báo chí và tuyên truyền. Em thấy ngành học này mới, có sự năng động và nhu cầu tuyển dụng cao”.

Thi Sử là của hiếm

Có một thực tế, ít thí sinh thi khối C và trong đó lại càng ít người chọn ngành Sử, thậm chí thi tốt nghiệp THPT cũng có ít thí sinh lựa chọn môn Sử. Thí sinh Hoàng Huyền My (lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cho biết: “Lớp em chỉ có em và một bạn nữa chọn thi tốt nghiệp THPT môn Sử. Em chọn thi Sử bởi yêu thích môn học này chứ thực ra, ôn tập môn Sử mất thời gian hơn các môn khác bởi phải học thuộc quá nhiều vì thi tự luận. Mặc dù chọn môn Sử thi tốt nghiệp, nhưng khi thi đại học thì em đăng ký vào Khoa Giáo dục tiểu học của ĐH Sư phạm Hà Nội, khối D”.

Thí sinh Nguyễn Thị Hương (Trường THPT Nguyễn Trãi, Thái Bình) cho biết thêm: “Lớp em có 50 bạn và không ai chọn môn Sử để thi tốt nghiệp. Trước khi Bộ GD&ĐT cho phép chọn môn thi tốt nghiệp, chúng em rất sợ phải thi môn Sử. Nên khi Bộ vừa công bố năm nay thí sinh được lựa chọn môn thi, các bạn trong lớp rất vui vì “thoát” được môn này. Cá nhân em thấy môn Sử rất hay, nhưng học nặng nên không ai thích thi”.

Đánh giá về thực trạng môn Sử hiện nay, TS Phạm Mạnh Hà (Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết: “Thí sinh hiện nay đã nắm chắc thông tin để chọn trường, chọn ngành. Các trường có ngành Khoa học xã hội - nhân văn đều mở thêm các khối A1, D1 nên số lượng thí sinh dự thi khối C giảm là điều dễ hiểu. Riêng với môn Sử và ngành đào tạo Sử, có lẽ do cách dạy hiện nay chưa phát huy hiệu quả môn học này nên ít được thí sinh lựa chọn. Đây cũng là thực trạng báo động để các nhà làm giáo dục thay đổi tư duy, xây dựng môn học này tạo hứng thú cho học sinh”.

Còn ông Lê Quốc Hạnh - Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Hà Nội) nhận xét: “Đến bây giờ vẫn chưa có thống kê cụ thể về từng khối thi, ngành thi để đưa ra thực tế lựa chọn của thí sinh. Nhưng có thể dễ dàng thấy được, thí sinh quan tâm nhiều hơn đến các ngành Công an, Quân đội, Kinh tế và một số ngành Khoa học xã hội - nhân văn. Tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh, thí sinh hay hỏi về khối thi A, A1, D mà ít có thí sinh yêu cầu giải đáp về khối C, nhất là đề cập đến môn Sử hay khoa Sử”.

Cách lựa chọn ngành thi phù hợp

Hiện nay, nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn về cách chọn trường, chọn nghề cho phù hợp. TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) tư vấn: “Thí sinh cần chọn ngành, nghề theo hướng:

Căn cứ vào giá trị của nghề, yếu tố của nghề; Môi trường làm việc, những đòi hỏi công việc thực tế khi ra trường; Sở thích, sở trường, tính cách, năng lực làm việc, năng lực học tập… Từ đó mới đưa ra lựa chọn ngành thi, trường thi của mình”.

Quang Anh
theo GĐ&XH

Từ khóa: