Sự kiện hot
9 năm trước

Vấn nạn ma túy ở TP. HCM (kỳ 2): Lối thoát nào cho người trót lầm lỡ?

(ĐS&TD) - Trong thời gian qua, dù chính quyền TP.HCM đã có nhiều chủ trương, đối sách quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, song thực trạng vẫn đang có chiều hướng gia tăng khiến trật tự an toàn xã hội diễn biến khá phức tạp. Kiên quyết đẩy lùi tội phạm và tệ nạn này, chính quyền thành phố đã có đề án dài hơi cho công tác cai nghiện ma túy trong thời gian tới để giải được bài toán cai nghiện cho hơn 19.000 người cần những biện pháp khả thi.

Mỗi ngày người nghiện “đốt” khoảng 2 tỷ đồng

Tính đến tháng 9/2014, TP.HCM là địa phương có số người nghiện nhiều nhất cả nước với 19.213 người (chưa tính 5.600 người đã bỏ trốn). Đây là con số trên hồ sơ quản lý, còn thực tế cao hơn nhiều. Thử làm phép tính đơn giản, mỗi ngày một người nghiện sử dụng ít nhất 1 tép Heroin 100.000 đồng, còn ma túy tổng hợp thì ít nhất là 200.000 đồng, chưa kể có người sử dụng cả triệu đồng, tính bình quân một người nghiện mỗi ngày sử dụng 150.000 đồng ma túy thì thành phố này phải tiêu tốn trên 2 tỷ đồng mỗi ngày, nhân lên một năm thì số tiền người nghiện “đốt” vào ma túy ít nhất 730 tỷ đồng - một con số thật quá khủng khiếp.




Đối tượng buôn ma túy và tang vật

Để có tiền hút chích, người nghiện đã làm gì? Đối với người nghiện nhà giàu thì “đục khoét” tiền gia đình, số người nghiện nhà nghèo không được gia đình chu cấp thì trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người cướp của. Người nghiện không chỉ làm khổ cho bản thân mà cho cả người thân và xã hội, kéo theo bao hệ lụy đau buồn.

Thực tế trong thời gian qua, việc đưa người nghiện đi cai đạt hiệu quả chưa cao, trong khi số người đã hoàn thành cai nghiện ở các trung tâm tái hòa nhập cộng đồng ngày càng nhiều mà tỷ lệ tái nghiện cũng cao nên đã bổ sung vào đội ngũ người nghiện tăng lên con số trên 19.000 người như hiện nay quả là nhức nhối.

Một thực tế nữa là trong một năm qua, theo quy định mới của pháp luật thì đưa người nghiện đi cai phải có quyết định của Tòa án, trong khi các cơ quan liên quan lại bối rối, bỡ ngỡ trong việc lập hồ sơ. Vậy là ách tắc. Sự bế tắc kéo theo thực trạng công an phường, xã không muốn bắt người sử dụng ma túy, vì bắt vào không biết đưa đi đâu nên chỉ dùng biện pháp “đẩy đuổi” là chính. Phường này đuổi sang phường kia, phường kia đuổi sang phường nọ, thành một vòng luẩn quẩn đáng buồn.

Bứt phá từ một đề án

Trước thực trạng đó, TP.HCM đã chủ động lập đề án mở đường cai nghiện trình Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội đã thông qua những nội dụng cơ bản của đề án này, mở ra những thuận lợi trong việc cai nghiện không chỉ cho TP.HCM. Đó là thành lập Trung tâm cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý.

Trong thời gian tập trung người nghiện, các ngành liên quan như Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát cùng đến Trung tâm lập và xét duyệt hồ sơ người nghiện (trong thời gian khoảng 2 tuần) rồi thống nhất ký hồ sơ chuyển Tòa án xét xử lưu động tại trung tâm, ra quyết định đưa người nghiện đi cai. Cũng theo đề án, giai đoạn 2014 - 2016, thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng việc cho uống thuốc Methadone tại các cơ sở Y tế được mở rộng ở các quận, huyện…


Các dạng ma túy tổng hợp

Khi đề án trên được thực hiện thì vấn đề đặt ra là hơn 19.000 người nghiện sẽ được đưa vào đâu cho hết, trong khi sức chứa ở 13 trung tâm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng Thanh niên xung phong quản lý, trong đó có các trung tâm lớn như Bình Triệu, Phú Văn, Nhị Xuân… không thể đáp ứng và liệu đủ đảm bảo việc cai nghiện số đông thành công. Và trên 19.000 người nghiện ấy không thể đưa đi hết trong một thời gian ngắn. Vậy lộ trình thực hiện phải mất thời gian bao lâu để giải quyết hết số người nghiện này. Biện pháp thực hiện ra sao? Sự phối hợp của các ngành liên quan có đồng bộ không, có chặt chẽ và quyết liệt không? Đó là một bài toán không hề đơn giản.

Trong buổi làm việc với thường trực UBND TP.HCM và các ngành liên quan vào chiều 7/11, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, yêu cầu thành phố cần có những biện pháp căn cơ, chặt chẽ, khoa học. Cần xúc tiến ngay việc bố trí nhân lực vào công tác cai nghiện, nhất là đội ngũ y tế hiểu biết sâu về ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, đồng thời chuẩn bị thật tốt cơ sở vật chất.

Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện Thanh Đa thì việc cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý vô cùng khó khăn, cần có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có năng lực, có kinh nghiệm, tâm huyết và nhất là phải chịu đựng gian khổ, hiểm nguy. Với kinh nghiệm thực tế ở Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa trong thời gian qua, ông Duy cho rằng, để đánh giá một người cai nghiện thành công phải cần thời gian nhiều năm sau khi tái hòa nhập cộng đồng họ không sử dụng, không tơ tưởng đến ma túy. Khi họ hoàn thành việc cai nghiện trở về cần có sự cảm thông chia sẻ, động viên, tạo công ăn việc làm một cách căn bản của gia đình và xã hội.

Hơn 10 năm trước, mục tiêu 3 giảm đã đề ra, trong đó, giảm tệ nạn ma túy là một trong 3 mục tiêu quan trọng, nhưng với hơn 19.000 người nghiện hiện tại cho thấy tệ nạn ma túy ở thành phố đông dân nhất nước này không giảm mà lại tăng nhanh là một thực trạng đáng buồn.

Điều đáng buồn nữa là sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên (chiếm số đông trong số người nghiện) thì sự nỗ lực của từng cấp, ngành và gia đình trong thời gian qua đã không ngăn được dòng thác ma túy đang cuộn chảy mỗi ngày.

Thiết nghĩ, để giải quyết thực trạng này, đi đôi với việc cai nghiện bắt buộc, thành phố nên đẩy mạnh công tác vận động cai nghiện tự nguyện để giảm áp lực cho cai nghiện bắt buộc, đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy. Điều tiên quyết là cần phải nhận thức đúng đắn hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn, tiến hành công tác tổ chức cai nghiện một cách khoa học, bài bản với sự chung tay của toàn xã hội.

Từ tháng 9/2013 - 9/2014, lực lượng CATP đã điều tra khám phá 1.257 vụ, bắt 2.543 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng các chất ma túy, thu giữ 21,5kg Heroin, 11,27kg Cocain, 30kg ma túy tổng hợp, 17 khẩu súng, 307 viên đạn, 72 cân tiểu ly và cân điện tử, 1.028 xe máy, 1.680 điện thoại di động, 7,57 tỷ đồng, gần 400.000USD… Riêng việc chuyển hóa 51 địa bàn phức tạp về ANTT và ma túy đã khởi tố 185 vụ, 320 bị can, xử lý hành chính 18 vụ (198 đối tượng), thu 3 kg Heroin, 3,2 kg ma túy tổng hợp, 612 triệu đồng, 111 xe máy, 389 điện thoại di động…

Thanh Nghị

Từ khóa: