Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

VN-Index đi 'tàu lượn', khối ngoại tiếp tục mua ròng

Lực cầu cải thiện mạnh về cuối phiên giúp VNIndex chốt phiên ở mức cao nhất, tăng nhẹ 1,34 điểm (0,1%) lên 1.291,35 điểm.

Chung khoan Co phieu 13
Biên độ giao dịch trong phiên 7/6 lên đến 30,4 điểm. Ảnh Trọng Hiếu.

Sắc đỏ phủ bóng ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch ngày 7/6 đã kéo VN-Index lao nhanh về dưới mốc tham chiếu. Có thời điểm chỉ số chính chạm mốc 1.260 điểm khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu vấp phải áp lực bán mạnh đặc biệt là nhóm bất động sản. Cũng tại ngưỡng này, lực cầu nâng đỡ đã giúp đà giảm được thu hẹp về cuối phiên sáng và hồi phục mạnh vào cuối phiên chiều, nâng biên độ giao dịch trong phiên lên đến 30,4 điểm.

Nhóm VN30 ghi nhận 17 mã giảm, trong đó TPB tiếp tục là mã dẫn đầu chiều giảm với biên độ 3,6%, theo sau có SSI giảm khá. Hướng ngược lại, POW trở thành điểm sáng khi tăng kịch trần. VN30-Index giảm 2,67 điểm, xuống mức 1.324,27 điểm, thanh khoản đạt 6.425 tỷ đồng, tương đương 36% thanh khoản sàn HoSE. Nhóm cổ phiếu nhỏ có phần tích cực hơn khi VNSmallCap tăng nhẹ 0,1%.

VN-Index chốt phiên ngày 7/6 tăng 1,34 điểm (0,1%) lên 1.291,35 điểm với 309 mã giảm và 149 mã tăng. Ở các chỉ số thị trường khác, HNX-Index giảm 2,66 điểm (0,87%) xuống 304,15 điểm, UpCOM-Index giảm 0,21 điểm (0,22%) xuống 93,69 điểm. Tính tổng trên 3 sàn có 640 mã giảm và 306 mã tăng với tổng thanh khoản đạt mức 22.892 tỷ đồng, tăng 10% so với phiên hôm qua.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục vấp phải áp lực bán rất mạnh, trong đó, DXG bị kéo xuống mức giá sàn, các mã khác là L14, HQC, LDG, SCR,...đều giảm quanh mức 5%. Đà giảm cũng lan mạnh sang các nhóm ngành khác là ngân hàng, chứng khoán, xây dựng, thép. Trong bối cảnh đó, vẫn có một số cổ phiếu nhận được sự quan tâm, điển hình là SBS của nhóm chứng khoán khi bật tăng trần 15% trên sàn UpCOM sau thông tin đổi chủ.

Hướng ngược lại, nhóm thủy sản trở thành tâm điểm khi vẫn tăng mạnh bất chấp những rung lắc mạnh, ngoài CMX tăng trần thì các mã khác là SJ1, MPC, ANV, VHC đều tăng hơn 4%. Các cổ phiếu thuộc nhóm nông nghiệp cũng có biến động tích cực khi PAN và TAR tăng trần, LTG tăng 6,2%, BAF tăng 4,7%...Một số nhóm khác cũng tăng khá là điện và đường khi PPC, SBT, LSS, KTS đều tăng hơn 5%.

Điểm sáng trong phiên hôm nay còn đến từ giao dịch khối ngoại khi họ tiếp tục duy trì vị thế mua ròng với giá trị 200 tỷ đồng trên HoSE, lực mua tập trung vào FUEVFVND, BSR, PNJ.

Nhật Quỳnh
Theo nhadautu.vn

Từ khóa: