Sự kiện hot
12 năm trước

Vụ “Làm 'nô lệ' trên cao nguyên”: Công ty môi giới vô can?

Việc 26 lao động ở xã Ea Bia (Phú Yên) bị lừa lên Lâm Đồng lao động (LĐ) cực nhọc đã gây bức xúc trong dư luận. Hiện tượng này xuất hiện từ khoảng 5 năm qua nhưng việc xử lý gần như rơi vào ngõ cụt.

Việc 26 lao động ở xã Ea Bia (Phú Yên) bị lừa lên Lâm Đồng lao động (LĐ) cực nhọc đã gây bức xúc trong dư luận. Hiện tượng này xuất hiện từ khoảng 5 năm qua nhưng việc xử lý gần như rơi vào ngõ cụt.

Nhận lao động từ người lạ

Từ khi thành lập (tháng 2.2011) đến nay, Công ty TNHH Đức Hoàng (trụ sở tại thôn Đoàn Kết, xã NThôn Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã 2 lần có liên quan đến việc một số người bị lừa đi LĐ cực nhọc. Ngày 22.10, phóng viên NTNN đã đến trụ sở công ty này để tìm hiểu thực hư. Trụ sở là một ngôi nhà cấp 4. Ngoài tấm biển ghi tên công ty, chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có một doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.


Trụ sở của Công ty TNHH Đức Hoàng.

Theo ông Cao Ngọc Khoa - Giám đốc Công ty Đức Hoàng, dưới ông có 5 nhân viên gồm 1 kế toán và 4 người tư vấn tại chỗ. Ngoài ra, ông còn có một số cộng tác viên tại các tỉnh, có trách nhiệm thông báo tìm kiếm LĐ cho ông. Tùy thời vụ, mỗi tháng Công ty Đức Hoàng giới thiệu được từ 10 - 50 LĐ cho người sử dụng, thu phí 700.000 đồng/người. Trong số đó, công ty sẽ phải trả cho người môi giới 500.000 đồng và chỉ hưởng 200.000 đồng.

Liên quan đến vụ 26 người bị lừa đi LĐ khổ sai ở Lâm Đồng, ông Khoa cho biết: “Quá trình thông báo tuyển dụng LĐ này do ông Nguyễn Xuân Hồi từng là nhân viên của công ty phụ trách. Tuy nhiên, người dẫn LĐ đến cho ông là một người khác ông không quen biết. Toàn bộ 26 LĐ khi chuyển đến người sử dụng đều có hợp đồng 3 bên có ghi rất đầy đủ các thỏa thuận và được người LĐ ký, đồng ý.

Không thể can thiệp

Theo ông Hoàng Bình, để hạn chế tình trạng này, nên để cho các trung tâm dạy nghề tại các địa phương được phép hoạt động như các trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân. Việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giảm bớt được sự nhũng nhiễu của các đơn vị tư nhân .

Trong buổi làm việc với phóng viên NTNN, thượng tá Nguyễn Phú Chuyển - Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết, qua kiểm tra các chứng từ thì việc môi giới LĐ của Công ty Đức Hoàng hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Vấn đề ở đây là người môi giới (đưa LĐ về cho Công ty Đức Hoàng) đã cố tình đưa ra những thông tin không chính xác để lôi kéo người LĐ.

Để xử lý tình trạng này thì các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ các đối tượng môi giới lao động. Cũng theo thượng tá Chuyển, trước đây Công an huyện đã đề nghị rút giấy phép hoạt động của Công ty Đức Hoàng do có một số vi phạm, nhưng sau đó họ đã hoàn thành các thủ tục cần thiết nên được cho phép hoạt động bình thường.

Ngày 22.10, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Bình - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, không thể quy trách nhiệm đối với Công ty Đức Hoàng. Bởi trên thực tế nếu có xảy ra việc cưỡng ép LĐ thì đó là quan hệ giữa người LĐ và người sử dụng LĐ.

Ông Bình cũng cho biết, tình trạng nhiều LĐ bị lừa làm việc cực nhọc đã xảy ra nhiều năm nay và thực sự trở thành nỗi bức xúc. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty môi giới đều hoạt động đúng luật nên không thể xử lý.

Duy Hậu
theo Dân Việt

Từ khóa: