Sự kiện hot
10 năm trước

Xây dựng nhiều công trình giao thông lớn tại ĐBSCL

Theo Ban chỉ đạo Điều phối vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có 12 công trình giao thông lớn được xây dựng trong vùng này, trong đó có công trình chỉnh trị luồng tàu biển Định An trên sông Hậu, nâng cấp cảng Cái Cui (Cần Thơ) giai đoạn II, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ-An Giang, xây dựng cầu Vàm Cống.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công Dự án xây dựng cầu Vàm Cống tháng 9/2013. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Việc chỉnh trị luồng Định An bao gồm việc tiếp tục nâng cấp, đào mới kênh Quan Chánh Bố đang xây dựng dở dang với các công trình chính là xây dựng đê chắn sóng bảo vệ luồng tàu, nạo vét, đào mới luồng chính tổng chiều dài 46,5km.

Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông trong vùng (9.781 tỷ đồng) sẽ cho phép tàu biển trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT giảm tải có thể lưu thông trong luồng, công suất vận chuyển hàng hóa từ 21-22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000-500.000 TEU/năm.

Cảng biển Cái Cui lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng cũng đang trong quá trình xây dựng giai đoạn II gồm 3 bến cập tàu với chiều dài 500m cùng các hệ thống thiết bị bốc xếp, vận chuyển; cần trục chạy trên ray sức nâng 40 tấn, tầm với xa 35m kết hợp cần trục bánh hơi có sức nâng 80 tấn đảm bảo năng lực tiếp nhận cùng lúc ba tàu tổng hợp loại có trọng tải 20.000 tấn đến giao và nhận hàng tại cảng; khu hậu cần logistics có kho chứa và bãi chứa hàng container 3,5ha; bãi, kho hàng tổng hợp khoảng 3,6ha cùng 18ha hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng phục vụ quản lý sửa chữa, khai thác cảng.

Khi hoàn thành, cảng có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 20.000 tấn, công suất vận chuyển hàng qua cảng 22 triệu tấn/năm. Tuyến đường nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang (47,3km) đã hoàn thành giai đoạn 1, đang triển khai xây dựng giai đoạn 2.

Gần đây nhất là tuyến Quốc lộ 91 nối thành phố Cần Thơ với thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang, dài 44km) được nâng cấp 28km đầu tiên từ ngày 9/3/2014 với tổng vốn đầu tư 1.588 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án xây dựng cầu Vàm Cống dài 2,98 km, rộng 24,5 mét, nối giao thông đường bộ của tỉnh An Giang với tuyến đường quốc gia Hồ Chí Minh, giữa các tỉnh Bắc và Nam sông Hậu với tổng vốn đầu tư 271 triệu USD đã khởi công từ tháng 9/2013.

Tuyến đường nối thành phố Cần Thơ với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu (30km), tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ)-Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài 72km cũng đang được khởi động bước đầu.

Các công trình nói trên là một phần trong chương trình phát triển hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội tại khu vực này đồng thời góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho việc liên thông giữa các vùng trong khu vực, kết nối giao thông cho các vùng sâu vùng xa, nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông trên các tuyến đường.

Ngoài ra, việc nâng cấp đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy trong vùng còn là cơ sở để nghiên cứu, phát triển và nhân rộng mô hình vận tải đa phương thức tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thế Đạt
theo TTXVN

Từ khóa: