Sự kiện hot
11 năm trước

Xóm nghèo với ước mơ sách bút

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh cả nước náo nức bước vào năm học mới.

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh cả nước náo nức bước vào năm học mới.

Nhưng ở những xóm nghèo, ngày tựu trường, ngày khai giảng với vở thơm, sách mới, đồng phục, ba lô… là cái gì đó quá xa vời! Sự háo hức của con trẻ trong ngày khai trường càng khiến cho bố mẹ nghèo nặng lòng vì thương con!


Phong đang học bài trong căn nhà 10m2 của bà ngoại. Ảnh: Hạnh Nguyên

Xóm “tứ hải”

Cách trung tâm TPHCM 15km, xóm ngụ cư nghèo ở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh được người dân gọi là "xóm mù chữ". Lũ trẻ ở đây hầu hết là con của những người nhập cư tứ phương, từ bao năm qua sống chung với “3 không”: không đất, không hộ khẩu và không biết chữ. Những người trong xóm chợ coi nhau là "tứ hải giai huynh đệ". Họ làm đủ thứ nghề và tới đủ các khu công nghiệp, nhiều địa phương khác nhưng rồi cũng dạt về đây định cư với ước mơ đổi đời.


Căn nhà hơn chục mét vuông với đàn chó con là tài sản của gia đình Phong. Ảnh: HN

Cậu bé Nguyễn Minh Sang (6 tuổi), con chị Hoàng Kim, đang cố vật lộn với cây bút chì và cuốn tập bằng đôi mắt ngời sáng vì hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên trong đời cậu bé Sang được đi học, không phải lê la khắp xóm mỗi khi bố mẹ đi làm. Đây cũng là lần đầu tiên cậu bé có bạn mới ngoài cái xóm nghèo này với đủ thứ trò chơi đất cát, trong vắt của tuổi thơ.

Nhìn con rạng ngời, ca hát líu lo mà chị Kim cũng vui lây. Nhưng niềm vui cũng chỉ thoáng qua và sự lo âu đã hiện hữu trên gương mặt chị: “Ngày vui của thằng Sang không biết có hết được học kỳ 1 năm học mới hay không?”. Bởi, chị đang “ăn ở không”, hưởng lương 70% vì công ty thiếu việc. Còn anh Khang chồng chị, sáng sớm đã chạy chiếc xe máy xuống tận quận 7 làm phụ hồ, tiền công mỗi ngày được 170.000 đồng. Mà không biết công việc có kéo dài được bao lâu?


Chị Kim (bên phải) và đứa con 6 tuổi, ước mơ một ngày khai giảng đầy tiếng cười. Ảnh: QĐ

Một quyển sách vẫn đi học

Cô và trò tại mái ấm 19/5 - nơi dành cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở đường Nghĩa Dũng (Ba Đình, Hà Nội) - lặng lẽ đón ngày khai giảng năm học mới.

Trong căn phòng nhỏ khoảng vài chục mét vuông của mái ấm, hơn chục học sinh với trình độ từ lớp 1 đến lớp 5 đang ê a học bài. Những mái tóc vàng hoe hăng hắc mùi mồ hôi, những đôi chân lấm lem của nhiều em đi bộ từ ngoài bãi sông tới lớp này để tìm con chữ. Có em mặc những bộ đồ đã sờn cũ, những cuốn sách giáo khoa cũ mèm nhưng em nào cũng chăm chú đọc, viết. Hầu hết các em ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, sống tạm bợ trên bờ hoặc trên thuyền quanh khu vực sông Hồng. Nhiều em còn rất nhỏ nhưng đã phải thức khuya dậy sớm lao động kiếm sống phụ giúp bố mẹ. Đã vào năm học mới nhưng nhiều em ở lớp vẫn chưa có đủ sách vở.

Vòng vèo gần tận bờ sông là căn nhà của học sinh Nguyễn Duy Phong. Trong căn phòng khoảng hơn chục mét vuông, một mảnh vải cũ được trải làm ổ nằm lẫn giữa người và 6 chú chó con. Ngoài chiếc tủ lạnh bé tí, cũ kĩ được một hàng xóm cho, gia đình không có vật dụng gì đáng giá. Mới học lớp 1 nhưng năm nay Phong đã lên 8 tuổi. Phong không được nhanh nhẹn như các bạn khác nên em học đi học lại vẫn chưa lên được lớp. Gia đình Phong có 3 chị em. Chị cả của em đã bước vào tuổi 24 nhưng trông vẫn lơ ngơ như đứa trẻ. Thanh Phương, chị gái Phong làm đủ việc, từ nhặt rác đến quét chợ thuê. Anh trai Phong vào làng trẻ mồ côi từ năm 5 tuổi, nay đã đủ 18 tuổi nên vừa được gửi trả về nhà. Còn mẹ Phong cũng đi nhặt rác khắp hàng cùng ngõ hẻm.


Trẻ em xóm nghèo ấp 2 với những trò chơi tuổi thơ. Ảnh: Q. Định

Chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ Phong cho biết, người chồng đầu tiên của mình mất cách đây đã vài chục năm. Chị có thêm Phong ngoài giá thú và không biết bố đứa trẻ giờ ở phương trời nào. Vừa sinh ra, Phong đã không có hậu môn, phải mổ 3 lần mà tưởng không qua khỏi. Căn phòng này là do bà ngoại Phong cơi nới cho con cháu làm chỗ tá túc qua ngày. Mấy mẹ con làm thuê đủ việc nhưng mỗi tháng chỉ được khoảng 1 triệu đồng cho 4 miệng ăn. Giờ gia đình chả có gì ngoài 6 con chó con đang chờ lớn để bán. Bản thân Phong được đi học miễn phí nhưng gia đình cũng không có tiền mua sách vở. “Cuốn tiếng Việt lớp 1 này là do cô giáo ở mái ấm cho cháu chứ tôi cũng không có tiền mua. Hôm qua, thấy cháu có mỗi cuốn sách, thương quá nên tôi mua hai cuốn vở cho cháu tập tô”, chị Thanh chia sẻ.

Khi mái ấm không giữ được giáo viên

Trung tâm mái ấm 19/5 là món quà của nhạc sĩ Thanh Tùng xây tặng trẻ em lang thang cơ nhỡ, mồ côi Hà Nội từ những năm 1992 - 1993. Hiện, mái ấm là đơn vị trực thuộc Phòng LĐ,TB&XH quận Ba Đình (Hà Nội). Ngoài dạy học cho con em gia đình di dân tự do, mái ấm còn hỗ trợ chi phí sinh hoạt học tập lên cấp cao hơn cho những em thuộc sĩ số trung tâm.

Khi mái ấm 19/5 tham gia dự án của các tổ chức phi chính phủ, hoạt động ở đây khá sôi nổi. Các cô giáo được dự lớp tập huấn chuyên môn sư phạm và công tác xã hội. Có những lúc, trung tâm tập hợp được hàng trăm học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, mái ấm chỉ còn hơn 10 học sinh với đủ trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Có 2 cô giáo gắn bó với mái ấm 19/5 lâu năm nhất là cô Hồng (15 năm) và cô Phương (17 năm) thì mới đây, cô Phương đã nghỉ dạy vì với số lương 2,5 triệu đồng nhưng phải dạy cùng lúc đến 5 trình độ rất mệt mỏi, vất vả.

Cô Hồng cho biết, không lý giải được vì sao mình mãi gắn bó với lớp học nhỏ này. Nhiều khi học trò không có sách đi học hoặc thiếu cái bút, lọ mực, cô cũng phải cho các cháu. Thậm chí, con cháu có đồ dùng cũ, cô cũng mang đến cho các em khó khăn. Vừa dạy nhưng vừa phải vận động các em đến lớp vì có nhiều gia đình bắt con bỏ học. Hiện tại, lớp chỉ học một buổi sáng vì một mình cô không thể kham nổi. Trao đổi qua điện thoại, chị Đinh Thị Hảo - Cán bộ Phòng LĐ,TB&XH quận Ba Đình cho biết, do quy mô lớp nhỏ nên sẽ không tổ chức khai giảng như các trường khác mà chỉ có buổi gặp mặt đầu năm. Với mục tiêu xã hội hóa, để các em hòa nhập cộng đồng nên lớp học đang ngày càng thu hẹp lại và tiến tới, mái ấm chỉ còn là một trung tâm tư vấn.

Gian nan con đường đến trường

Chị Hoàng Thị Út - Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM) đăm chiêu: “Gần như 100% học sinh của trường tiểu học xã đều làm việc tại nhà, tại xã để giúp đỡ bố mẹ. Lớn thì đạp xe đi bán vé số dạo 2 buổi sáng, chiều. Nhỏ thì ra chợ nhặt nhạnh, bưng bê cho các quán cơm, quán cháo… Cháu nào cũng có việc để kiếm thêm thu nhập.

Dân cư ở ấp 2 luôn biến động xoành xoạch, mới sáng lấy được danh sách, địa chỉ tạm trú thì chiều họ đã đi đâu mất. Chính quyền xã không thể nào có một danh sách các cháu ở độ tuổi phổ cập tiểu học ổn định để mà xin huyện cấp một khoản kinh phí khuyến học thường niên.

Cuối tháng 7 vừa rồi, có một công ty đóng trên địa bàn của xã ngỏ ý tặng 30 phần quà gồm: ba lô, tập viết, sách giáo khoa, bảng con, bút, thước kẻ… cho các cháu đến trường. Họ yêu cầu phải có danh sách cụ thể, phụ huynh phải ký nhận và cam đoan đưa con em mình đến trường, nhưng cán bộ xã, ấp đi từng nhà mà “bói” không ra danh sách này”.

Chị Út thổ lộ, nhìn tụi nhỏ ngày ngày phải lang thang khắp ấp, khắp xã để phụ giúp gia đình mà không khỏi nao lòng. Chị mơ ước các cháu ở xóm ngụ cư nghèo ấp 2 này có một ngày khai giảng rộn ràng cờ hoa, kèn trống, đầy ắp niềm vui và tiếng cười…

Quốc Định – Hạnh Nguyên
theo GĐ&XH

Từ khóa: