Sự kiện hot
13 năm trước

Xuất khẩu gạo: Những kỷ lục mới và thách thức (03/11/2011)

Dù gặp khá nhiều khó khăn về thiên tai, bão lụt, cùng với những biến động của khủng hoảng kinh tế... song, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ đạt mức 7 triệu tấn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, xuất khẩu gạo của ta luôn giữ ở mức cao và là mức kỷ lục so với những năm trước đó.

Liên tiếp xác lập kỷ lục xuất khẩu gạo

Có thể nói, mới chính thức hội nhập nền kinh tế quốc tế năm 2007, song riêng trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, Việt Nam đã "ghi điểm” liên tục trong nhiều năm trước đó và được đánh giá là nguồn cung cấp lương thực quan trọng của thị trường thế giới. 3 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu gạo của ta luôn đạt mức trên 2 tỷ USD và năm 2009, 2010 ghi dấu những "kỷ lục mới” khi liên tiếp đạt mức xuất khẩu lần lượt là 6 triệu và 6,75 triệu tấn với kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD. Năm 2011, VFA cho biết, mục tiêu xuất khẩu gạo 7 triệu tấn của năm nay là hoàn toàn ở trong tầm tay.


Ba năm liên tiếp, xuất khẩu gạo của Việt Nam
đạt kỷ lục về số lượng và giá trị

Theo lãnh đạo VFA, 10 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài xuất khẩu 7 triệu tấn, tăng gần 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ. Một điều đáng nói là, giá gạo xuất khẩu của ta năm nay ở mức khá cao, bình quân đạt mức 495 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn thế, khoảng cách về giá một số loại gạo chủ yếu xuất khẩu của nước ta so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan - một nước đứng đầu về xuất khẩu gạo thế giới - không còn cách xa, thậm chí có thời điểm giá còn cao hơn từ 1 - 6 USD/tấn. Điều này cho thấy, vị thế của hạt gạo Việt Nam đang ngày một được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Cùng với những biến chuyển nói trên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, những diễn biến không thuận lợi của lĩnh vực xuất khẩu gạo Thái Lan khi nước này đang bị thiên tai cùng chính sách nâng giá thu mua gạo trong nước... đang là những cơ hội để hạt gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí của mình; có thể nói là thời cơ để gạo Việt Nam cạnh tranh với nước đang có lượng xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.

Vẫn còn nhiều thách thức

Có một thực tế là chúng ta đang đối diện với những khó khăn mới khi có một "đối thủ đáng gờm” đang cạnh tranh về giá khá khốc liệt. Thông tin về việc Ấn Độ đã quyết định xuất khẩu trở lại 1 triệu tấn gạo với giá sàn chỉ là 400 USD/tấn, cho thấy, gạo của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với "giá cực sốc” của nước này trên thị trường thế giới. Theo VFA, hiện Ấn Độ đang xuất khẩu gạo trắng vào các thị trường bình dân và có giá trung bình thấp hơn gạo Việt Nam tới 100 USD/ tấn.

Theo kế hoạch, quý IV-2011 sẽ xuất khẩu 1,1-1,2 triệu tấn gạo. Hiệp hội dự báo nhu cầu xuất khẩu ổn định trong quý 4-2011 nên giá lúa vụ Thu Đông sẽ tiếp tục ổn định. Cần giữ mức tồn kho từ 0,8-1 triệu tấn để gối đầu sang quý I-2012 và chủ động bình ổn giá trong nước khi cần thiết.


10 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo

Bên cạnh đó, còn một khó khăn đối với vấn đề xuất khẩu gạo mà lâu nay được dư luận nhắc đến nhiều, đó là tình trạng "tranh mua tranh bán” của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của ta vẫn chưa chấm dứt hẳn. Và có khả năng còn diễn ra trong thời gian tới. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, đã có 140 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo được cấp chứng nhận theo Nghị định 109 của Chính phủ. Trong số này có tới 70 doanh nghiệp thuê mướn cơ sở vật chất, kho bãi hoặc chưa từng kinh doanh lúa gạo. Nếu tiếp tục phát triển ồ ạt về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ không phải là điều thuận lợi cho cho ngành xuất khẩu gạo của ta.

Duy Phương
Theo Baó đoàn kết

Từ khóa: