Sự kiện hot
9 năm trước

Đặc sản “cầy tơ” và hệ lụy với cộng đồng (Kỳ 3): Xót xa những loài vật sinh ra bị… “bắt cóc” đòi tiền chuộc

ĐS&TD - “Mất chó hả? Chó gì? Đưa trước 200.000đồng chị tìm giúp, trưa chị gọi đến đây chuộc chó nhé!”… Lời “mồi chài” thản nhiên đến vô cảm của những người “cò” chuộc chó kiểng tại chân cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) khiến chúng tôi vô cùng phẫn nộ.


Căn nhà tôn nhỏ dưới chân cầu Kiệu được cho là nơi đóng quân của các “cò chính” trong đường dây “chuộc chó cưng”

Đụng đâu cũng… tiền!

Lần theo thông tin về các vụ mua bán, chuộc chó kiểng trên địa bàn TP.HCM, PV đã trực tiếp tiếp cận địa bàn của các “cò” chuộc chó kiểng như khu vực cầu Kiệu, chợ Ông Tạ, đường Lê Hồng Phong…

Xuất hiện tại cầu Kiệu với gương mặt dáo dác, lo lắng của người bị mất chó cưng, chúng tôi lập tức rơi vào tầm ngắm của nhóm người lạ mặt. Một người đàn ông chừng 40 tuổi hấp tấp chạy về phía chúng tôi thản nhiên hỏi: “Sao em? Mất chó hả? Chó gì anh cũng tìm được hết!”.

Sau khi chúng tôi buồn bã kể chuyện chú chó Bull bị “cẩu tặc” bắt cách đây 2 hôm, người đàn ông nhanh chóng đi thẳng vào ngôi nhà tôn sát mép cầu Kiệu. Trước đó, ông yêu cầu chúng tôi đứng bên ngoài đợi, kiên quyếtkhông cho chúng tôi đi theo. Để giữ khách, một người đàn ông khác từ trong căn nhà bước ra nói: “Đợi đây đi, nó đang kiếm, chờ chút nó ra!”.


Phía trước nhà luôn đậu vài chiếc xe máy, sẵn sàng “vọt” đi đến các “lò” nhốt để mang chó về cho “khổ chủ” nhận diện và chuộc tiền

Chưa đến 5 phút sau, người đàn ông ban nãy sau khi lục tung “tổng kho” chó kiểng nhưng không tìm thấy Bull liền trở ra với một người phụ nữ.Trên tay cầm sổ và bút, chị đến gần chúng tôi. Chị hỏi kỹ các thông tin về con chó mà tôi bị mất bao gồm: loại chó, đặc điểm màu mắt, màu lông, to hay nhỏ, bị mất ở đâu, lúc mấy giờ. Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là việc chị hỏi về loại xe mà bọn “cẩu tặc” sử dụng để đi bắt chó(?!). Có thể đặt nghi vấn, hành động hỏi han, nắm thông tin nhận diện phương tiện này nhằm khoanh vùng đối tượng và dễ dàng xác định “danh tính” trong đường dây chuyên “bắt cóc” chó kiểng.

Để “đôi bên cùng có lợi”, chị yêu cầu tôi đưa trước 200.000 đồng, cam kết đến trưa cùng ngày sẽ có người đi tìm chó mang về. Chị sẽ có trách nhiệm gọi điện báo cho tôi đến chuộc. Số tiền này được xem như “phí bắt buộc” trong giao kèo tìm chó kiểng. Hoàn toàn không có gì đảm bảo, chị này sau khi nhận tiền sẽ tìm chó cho chúng tôi.

Nhận thấy sự phân vân của khách hàng, người phụ nữ này lên giọng: “Em không còn cách nào khác đâu! Không có chị, em chẳng thể tìm được chó cưng. Cứ đưa tiền trước đi, bên chị đảm bảo sẽ đi tìm và chắc chắn trưa nay sẽ gọi điện báo em khi tìm thấy con chó giống vậy. Có đủ tiền chuộc hay không thì tùy em, bên chị chỉ đi tìm và mang nó về đây thôi”. Chị dọa thêm: “Tự đi tìm thì mất thời gian thôi. Không có lò nào cho vô xem đâu. Để càng lâu thì nguy cơ chó của em vào quán cầy tơ càng lớn!”. Chúng tôi đề nghị chỉ trả trước cho “cò” từ 50.000-100.000đồng, kiếm được chó sẽ trả nốt phần còn lại. Lúc này, người phụ nữ mới dịu giọng: “Ừ, thôi em đưa trước 100.000đồng cũng được, rồi để lại số điện thoại cho chị”.

Trước lúc PV rời khỏi khu vực cầu Kiệu, nhóm 4-5 người đàn ông ngồi phía bên kia đường dưới gầm cầu Kiệu còn vẫy tay ngoắt chúng tôi và í ới tìm khách. Hai chú chó kiểng bị nhốt gần đó như một dấu hiệu cho thấy họ chính là “cò”.

Địa điểm thứ hai mà tôi đến là đường Lê Văn Sỹ. Ở đây, tôi tiếp xúc với một người lái xe ôm tại ngã tư Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ. Khi nghe tôi hỏi thăm về các lò mổ và nơi chuộc chó trên con đường này, người lái xe ôm này trả lời nhát gừng. Thái độ thờ ơám chỉ rằng, tìm chó kiểng thì phải… rút hầu bao.


Một quầy hàng thịt chó tại chợ Ông Tạ

Tiếp tục tìm đến là chợ Ông Tạ - một trong những khu chợ nổi tiếng ở Sài Gòn về giết mổ và mua bán chó - chúng tôi ghé vào tiệm bán thịt chó của một người đàn ông trung niên khoảng tầm 50 tuổi. Sau khi nghe trình bày về việc chó Bull bị bắt trộm, ông nói: “Ở đây có nhiều lò mổ lắm nhưng nếu là chó 1-2 năm tuổi thì không tìm được đâu vì người ta mần thịt hết rồi! Chó già 5-7 năm tuổi thì… may ra”. Sau đó, bác hướng dẫn PV đến khu vực đường Lê Hồng Phong hoặc hỏi những người ở gần đoạn đường ray số 6 cắt ngang đường Lê Văn Sỹ về “lò mổ bà T.”.Bác căn dặn, nếu hỏi xe ôm thì họ sẽ lắc đầu trừ khi chi tiền “cò” từ 50.000-100.000 đồng. “Mất chó thì tìm ngay trong ngày mới có hy vọng, 2 -3 ngày thì… hóa kiếp rồi” - bác nhấn mạnh.

“Ưu tiên cho người chuộc chó vì hét giá nào cũng OK”


“Khổ chủ” đau lòng đăng tin tìm chó trên mạng xã hội

Chó kiểng, từ lâu được xem là “cú trúng mánh” của “cẩu tặc”. Bắt được một chó kiểng “hàng hiệu” là có thể rung đùi nhậu cả tuần. Riêng với những kẻ kiếm sống bằng “cò” và cho chuộc loại chó này, chó càng được cưng càng là miếng mồi béo bở. Vì vậy, bọn trộm chó hiện nay rất hay rỉ tai nhau nhắm vào những nhà giàu có nuôi chó kiểng. Chúng nắm được tâm lý rằng giá nào “khổ chủ” cũng sẽ không tiếc tiền đi chuộc lại “đứa con” yêu quý.

Tiếp xúc với nhiều “cò” chuộc chó, chúng tôi được biết,chó bị bắt về được phân loại: nếu là chó thường thì sẽ bị đưa vào các lò mổ để giết thịt, còn chó kiểng thì sẽ được nhốt tập trung ở nhiều điểm chờ người tới “chuộc mạng”. Đối với trường hợp thứ hai, nếu sau hơn một tuần không có ai hỏi thăm thì sẽ được đem ra bày bán tại các khu mua bán chó kiểng. Tuy nhiên, trên thực tế cả trộm lẫn “cò” đều mong muốn “hàng” sẽ được chuộc. Lợi nhuận từ việc chuộc thường cao gấp5 - 10 lần đem bán. Ở TP.HCM, việc những gia đình khá giả bị trộm chó bỏ ra khoản tiền lớn thuê công ty thám tử tư đi tìm lại chó cưng đã không còn hiếm.

Các đường dây trộm - chuộc chó kiểng hoạt động công khai nhiều năm qua tại TP.HCM nhưng vẫn chưa bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Chúng hoạt động có đường dây, chân rết liên kết với nhau mật thiết. Ngoài lên án nạn “cẩu tặc”, có lẽ đã đến lúc cần quyết liệt hơn với những kẻ kiếm ăn trên nước mắt của “khổ chủ” chó cưng.

Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, hành vi trộm cắp chó cảnh có thể quy vào Tội trộm cắp tài sản để xử phạt căn cứ theo Điều 138 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về Tội trộm cắp: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Minh Sỹ - Hạ Yên

Từ khóa: