Sự kiện hot
12 năm trước

Điện ảnh Anh “sợ” Hollywood lấn lướt

Một bản báo cáo của chính phủ Anh vừa lên tiếng thúc giục các đài phát thanh truyền hình quốc gia và khán giả hãy đứng đằng sau nền điện ảnh nước nhà để quảng bá thương hiệu văn hóa vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt từ Hollywood và điện ảnh Pháp.

Một bản báo cáo của chính phủ Anh vừa lên tiếng thúc giục các đài phát thanh truyền hình quốc gia và khán giả hãy đứng đằng sau nền điện ảnh nước nhà để quảng bá thương hiệu văn hóa vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt từ Hollywood và điện ảnh Pháp.

Thời kỳ này có thể được coi là thời kỳ vàng son của điện ảnh Anh Quốc với thành công vang dội của những tác phẩm như Slumdog Millionaire và gần đây nhất là The King’s Speech, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, bản báo cáo đã ra chủ trương yêu cầu những người có trách nhiệm với nền điện ảnh phải duy trì phong độ trên khía cạnh nghệ thuật, đồng thời cũng phải chú ý hơn đến yếu tố doanh thu phòng vé.

Harry Potter là một tác phẩm có nhiều yếu tố Anh thành công về mặt doanh thu 

Bản báo cáo của chính phủ đã đưa ra những bước đi khá cụ thể trong việc hiện thực hóa nhiệm vụ này, như kêu gọi các đài phát thanh truyền hình Anh hỗ trợ kinh phí sản xuất phim và ưu tiên chiếu những bộ phim Anh; riêng đối với vấn đề kinh phí làm phim, các nhà đầu tư được khuyến khích đầu tư cho cả những bộ phim nghệ thuật kinh phí thấp lẫn các bộ phim bom tấn kinh phí cao, đồng thời tái đầu tư lợi nhuận vào điện ảnh để tạo tiền đề cho những thành công trong tương lai.

Thậm chí hồi tuần trước, đích thân Thủ tướng Anh David Cameron đã gợi ý thẳng thắn rằng điện ảnh Anh Quốc nên tập trung vào yếu tố doanh thu phòng vé hơn là chỉ mong đợi những lời tán dương từ giới phê bình. Hàng năm ngành điện ảnh Anh Quốc đóng góp vào nền kinh tế chung gần 6,5 tỷ USD, tuy nhiên phần lớn trong số đó đến từ một số ít những bộ phim bom tấn như Harry Potter mà doanh thu chủ yếu của những bộ phim này lại chảy vào tài khoản của các hãng phim Hollywood.

Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010 những bộ phim độc lập thuần Anh chỉ đóng góp vẻn vẹn 5,5% vào tổng doanh thu phòng vé. Tuy nhiên các nhà làm phim giải thích rằng họ không thể dự đoán thành công của một bộ phim cho đến tận khi nó ra mắt khán giả, và rằng họ không muốn làm phim theo phong cách Hollywood để kiếm nhiều tiền.

Thông qua bản báo cáo, có vẻ như chính phủ Anh đã chấp nhận xem xét để hỗ trợ tài chính cho một số lượng phim nhiều nhất có thể.

Bản báo cáo cho biết: “Điện ảnh Anh Quốc đang ở trong một thời kỳ có thể gọi là vàng son. Những bộ phim thành công được làm bởi người Anh hoặc dựa trên những yếu tố Anh không chỉ thu hút được khán giả Anh mà còn thu hút được khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Câu hỏi ở đây là bằng cách nào chúng ta có thể duy trì thời kỳ này? Bằng cách nào chúng ta có thể nâng cao sự nhất quán trong chất lượng và thành công của những bộ phim Anh?”.

Một trong những gợi ý là trích lợi nhuận phim đầu tư lại cho nhóm phát triển và sản xuất, để sẵn sàng cho những dự án phim tiếp theo.

Một cách khác là tổ chức những Tuần lễ phim Anh trên khắp đất nước trong đó trình chiếu cả những bộ phim cũ và mới để quảng bá điện ảnh nước nhà, song song với đó là đưa vào nhà trường những bài học về di sản điện ảnh Anh Quốc.

Những đài truyền hình như ITV và BSkyB cũng được thúc giục phải làm nhiều hơn để quảng bá phim Anh bằng nhiều cách: đầu tư vào làm phim, và ưu tiên chiếu phim trong nước. Đáng kể nhất là BBC, hàng năm đầu tư đến 12 triệu Bảng cho các bộ phim Anh. Tuy nhiên con số này vẫn được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Chris Smith, cựu thư ký chính phủ đồng thời là người thực hiện bản báo cáo, cho biết truyền hình chiếm tới 80% tổng số khán giả xem phim, điều này đã khiến vai trò của các hãng truyền thông trở nên quan trọng hơn.

Trần Việt
Theo TTVH, Reuters 

Từ khóa: