Sự kiện hot
5 năm trước

Phú Yên: Doanh nghiệp nuôi tôm ở huyện Tuy An xả thải gây ô nhiễm môi trường biển?

Theo phản ánh của người dân tại thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thì hàng ngày luôn có một khối lượng lớn nước thải từ các hồ nuôi tôm trên địa bàn đang xả trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, việc các doanh nghiệp nuôi tôm ngang nhiên xả thải ra môi trường biển còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân quanh khu vực.

1
Các đầu ổng nước thải của doanh nghiệp nuôi tôm hàng ngày vẫn đang xả trực tiếp xuống biển.

Doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra biển

Trong thời gian gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam có nhận được nhiều khiếu nại của người dân thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) về việc môi trường biển tại khu vực này của xã An Hải đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Mà theo người dân nơi đây thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước biển bị ô nhiễm ở tình trạng đáng báo động như vậy là do hàng ngày một số doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn vẫn không ngừng xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra biển.

Theo chia sẻ của một người dân sinh sống gần khu vực biển bị ô nhiễm thì trước đây vùng biển này nước rất sạch, luôn trong xanh nhưng trong một vài năm gần đây nước biển ở đây đã dần dần chuyển sang màu đen, thậm chí còn bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên là do cách đây vài năm trên địa bàn xã An Hải có xuất hiện một số doanh nghiệp nuôi tôm thương phẩm gần bãi biển. Và nguồn nước thải trong quá trình nuôi trồng tôm thương phẩm được  các doanh nghiệp trên ngang nhiên xả thải trực tiếp ra biển mà không qua các khâu xử lý nước thải theo qui định của pháp luật.

Hậu quả rõ rệt nhất của việc xả thải ra biển từ các doanh nghiệp nuôi tôm là nước biển tại khu vực bị chuyển từ màu xanh sang màu đen, có giai đoạn các hồ tôm xả đồng loạt với khối lượng lớn thì tại vùng biển này bị bao trùm bởi một mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân sinh sống tại đây không chịu nổi. Bên cạnh đó thì các loại hải sản tại vùng biển bị xả thải cũng chết và dạt vào bờ biển rất nhiều.

Trước đây, khu vực này vốn là bãi tắm tự nhiên được rất nhiều người dân trong vùng và du khách các nơi đến tắm và thăm quan. Tuy nhiên, từ khi tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước biển thì người dân nơi đây không còn ai dám đến tắm, một số du khách đến thấy nước biển chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối cũng không dám ở lại mà di chuyển đến các bãi tắm khác.

Một số ngư dân trong vùng vì điều kiện bất khả kháng phải ngâm mình trong nước biển tại khu vực này thì khi về đều bị mẩn ngứa hoặc nhiễm một số bệnh về da liễu phải điều trị bằng thuốc tây nhiều ngày mới khỏi.

3
Các đầu ổng nước thải của doanh nghiệp nuôi tôm hàng ngày vẫn đang xả trực tiếp xuống biển.

Theo ghi nhận trực tiếp của phóng viên tại khu vực này thì đúng như phản ánh của người dân dọc bờ biển kéo dài khoảng gần 3km có tới ba doanh nghiệp nuôi tôm với nhiều đầu ống nước thải hàng ngày vẫn đang xả ra vùng biển nơi đây.

Đặc biệt, khi chúng tôi tiếp cận khu vực các đầu ống xả thải một mùi hôi thối xông vào mũi khiến mọi người cảm thấy đầu óc choáng váng, buồn nôn. Nước từ các đầu ống xả ra ngoài bốc mùi thì đều có màu đen, sủi bọt trắng và có nhiều tạp chất. Tất cả nước từ các đầu ống trên đều được đổ ra bãi cát rồi chảy ra biển. Theo người dân thì những tạp chất đó là phân tôm và những thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm được các doanh nghiệp xả trực tiếp ra biển mà không qua các khâu xử lý.

Cũng theo phóng viên ghi nhận tại hiện trường thì dọc theo bờ biển khoảng gần 5km nước biển khu vực cách bở khoảng từ 2m đến 4m đều có màu đen, trong nước biển có nhiều tạp chất trôi nổi. Dọc bờ có thể dễ dàng nhìn thấy khá nhiều các loại cá bị chết được sóng đánh dạt vào bờ, mà nguyên nhân được người dân cho rằng do nước biển bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn tới hiện tượng trên.

Với những gì mà phóng viên đã trực tiếp mục sở thị tại khu vực biển thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) thì việc người dân nơi đây phản ánh về việc một số doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn đã ngang nhiên trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường biển gây ô nhiễm nghiêm trọng là không phải không có cơ sở.

Thiết nghĩ, để giữ được một môi trường biển trong sạch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt, sức khoẻ cho người dân nơi đây thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại tỉnh Phú Yên cần có những động thái tích cực, thiết thực để làm rõ sự việc. Nếu có những hành vi vi phạm như người dân đã phản ánh thì phải có chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức dăn đe để tình trạng trên không còn tiếp diễn.

2
Các đầu ổng nước thải của doanh nghiệp nuôi tôm hàng ngày vẫn đang xả trực tiếp xuống biển.

Hậu quả người dân phải gánh chịu

Được biêt, hiện tại những hộ dân đang sinh sống tại thôn Phước Đồng là những người đang hàng ngày phải trực tiếp hứng chịu những hậu quả từ việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường biển của các doanh nghiệp nuôi tôm tại khu vực. Thôn Phước Đồng có khoảng 270 hộ dân, trong đó hầu hết tất cả đều sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm hùm thương phẩm và làm du lịch.

Tuy nhiên, từ khi xảy ra hiện tượng môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều loại hải sản bị chết, hoặc không sống được tại vùng biển này nên phải di cư đi nơi khác đã khiến cho sản lượng hải sản mà người dân đánh bắt được trong những năm gần đây bị giảm đáng kể. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, điều kiện sống hàng ngày của ngư dân nơi đây. Nhưng có lẽ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thiệt hại lớn nhất về kinh tế chính là những hộ gia đình đang nuôi tôm hùm trên vùng biển này.

Theo anh Nguyễn Văn P. một người nuôi tôm hùm thương phẩm tại đây cho biết: “Những năm trước đây khi chưa có các doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn thì việc nuôi tôm hùm của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác gặp rất nhiều thuận lợi. Tôm hùm phát triển rất tốt, lớn nhanh, ít khi bị dịch bệnh nên cho thu sản lượng thu hoạch cao.

Nhưng từ khi có nguồn nước thải bẩn do các doanh nghiệp thải ra làm nước biển bị ô nhiệm nặng khiến cho những người nuôi tôm hùm như chúng tôi đều rơi vào cảnh lo lắng, thấp thỏm.

Thậm chí, đã có nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh phá sản, kinh tế điêu đứng vì tôm bị chết hàng loạt do dịch bệnh. Mà nguyên nhân chính là do nước biển bị ô nhiễm, rồi các mầm mống bệnh dịch theo nguồn nước thải từ các đìa tôm của các doanh nghiệp thải ra gây hại cho tôm hùm…”.

Cũng theo anh P. thì vì những nguyên nhân trên mà hầu hết những hộ nuôi tôm hùm ở đây đều phải thu tôm non, không dám để đúng tuổi, đúng trọng lượng mới thu vì sợ bị nhiễm bệnh sẽ mất trắng. Chính vì vậy, sản lượng tôm hùm trong những năm gần đây của người nuôi giảm một cách đáng kể.

Điều này, gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế của người dân sống bằng nghề nuôi tôm hùm trong khu vực này. Bên cạnh đó, thì việc môi trường biển bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thúc đẩy phát triển di lịch tại địa bàn.

Theo một cán bộ thôn Phước Đồng chia sẻ thì; khu vực này tuy còn khá hoang sơ, du lịch chưa phát triển mạnh nhưng trước đây hàng năm cũng đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến thăm quan và tắm biển. Tuy nhiên, từ khi có hiện tượng nước biển chuyển màu đen, bốc mùi hôi thôi thì khách du lịch không còn dam tới đây nữa. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập kinh tế của người dân.

Tại vùng biển này có một số bãi san hô lớn được các tổ chức quốc tế thăm dò và bảo vệ nhằm bảo tồn nhằm phục vụ du lịch. Nhưng từ khi có hiện tượng nước biển bị ô nhiễm có lẽ các bãi san hô cũng sẽ bị ảnh hưởng, có người dân còn phát hiện san hô đã có dấu hiệu chết rất nhiều.

Có lẽ, với tình trạng này dù có còn san hô thì chắc cũng chẳng du khách nào đủ can đảm để lặn mình trong dòng nước đen ngòm, hôi thối mà ngắm san hô nữa vì sợ lặn xong về lại mang bệnh vào người.

Theo PLVN

Từ khóa: