Sự kiện hot
5 năm trước

Vĩnh Phúc: Xâm lấn lòng hồ Đại Lải, Công ty Đạt Tiến bị xử phạt

Được giao xây dựng khu du lịch Đảo Ngọc, khu du lịch Đại Lải, Công ty TNHH Đạt Tiến đã tự ý lấn ra lòng hồ Đải Lải gần 16 nghìn m2 và bị xử phạt…

Theo đó, năm 2003, Công ty Đạt Tiến do bà Phùng Thị Lý làm Giám đốc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư dự án khu dịch vụ du lịch Đảo Ngọc tại khu du lịch Đải Lải, xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh (nay là TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với tổng diện tích hơn 37 nghìn m2 đất.

Đảo Ngọc, nơi Công ty Đạt Tiến xây dựng dự án và xảy ra vi phạm

Trên diện tích đất được giao, Công ty Đạt Tiến đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, cụ thể: Đã xây dựng và đưa vào hoạt động công trình Chùa; Nhà đón tiếp; nhà hàng ẩm thực dân tộc; Bar-café-karaoke; chòi nghỉ; khu café ngoài trời, nhà dịch vụ vể bơi… Hiện đang xây dựng hội trường; khách sạn; khu biệt thự nghỉ dưỡng…

Cuối năm 2018, theo đề nghị của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường của Công ty Đạt Tiến tại dự án nói trên.

Đầu năm 2019, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kết luận thanh tra khẳng định: “Ngoài diện tích đất được giao, trong quá trình thực hiện dự án, công ty Đạt Tiến đã tiến hành san gạt đóng cọc giữ đất vào phần diện tích bán ngập nước (phần diện tích nằm xe kẹt giữa diện tích đất đã giao cho công ty Đạt Tiến với diện tích mặt hồ Đại Lải có cos cao độ dưới 20,5) để tạo vùng đệm bảo vệ công trình trên diện tích đất được giao”.

Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc xác định: “Diện tích đất Công ty Đạt Tiến đang sử dụng là 52.679m2 vượt có với diện tích 37.080m2 được giao là: 15.599m2”. Phần diện tích này, Công ty Đạt Tiến chủ yếu sử dụng vào mục đích trồng cây, làm vườn, trồng cỏ, làm đường đi dạo tạo vành đai xung quanh Đảo Ngọc.

Với hành vi trên, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường đã lập biên bản và xử phạt hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty Đạt Tiến.

Như vậy, vi phạm của doanh nghiệp đã được chỉ rõ và xử phạt. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm và búc xúc là cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, từ sở ban ngành đến chính quyền địa phương ở đâu khi doanh nghiệp mang đất vào lấn hồ đến 16 nghìn m2 mà không có biện pháp xử lý ngăn chặn kịp thời? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý trong sự việc này?

Hơn nữa, vi phạm của doanh nghiệp đã xảy ra rồi, sau bước xử phạt sẽ thực hiện các bước gì tiếp theo: Yêu cầu doanh nghiệp khôi phục hiện trạng ban đầu, hoặc cưỡng chế thi hành nếu doanh nghiệp không thực hiện? Hay “bật đèn xanh” để doanh nghiệp được “hợp thức hóa” vi phạm, tạo tiền lệ cho việc san lấp, lấn chiếm hồ Đại Lải? Đó là vấn đề mà dư luận quan tâm, mong muốn sớm được làm rõ.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!

Trả lời trên Nông nghiệp Việt Nam, Ông Đường Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, đơn vị quản lý trực tiếp lòng hồ Đại Lải đã nói về thực trạng hồ Đại Lải rằng: “Các dự án đều theo trình tự qui định, đều được cấp phép. Tuy nhiên, các dự án trong lòng hồ dứt khoát ảnh hưởng đến quản lý khai thác. Không bàn cãi gì cả. Lúc tính toán xây dựng đây là rừng, bây giờ ông san ra đổ bê tông dứt khoát dòng chảy khác đi. Ví dụ trước kia 2 tiếng lũ về bây giờ chỉ một tiếng thôi. Và việc ảnh hưởng đến mức nào thì phải qua các cơ quan đánh giá cụ thể. Chúng tôi chỉ biết, quy trình hồ Đại Lải từ trước kia điều tiết ở mức 20,7 bây giờ điều tiết về 20,5, nguyên nhân ít nhiều do dung tích hồ bị giảm”.

Công Minh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng 

Từ khóa: