Sự kiện hot
6 năm trước

Xuân Lan: 'Hoàng Thùy từng có thời ế show vì đòi giá cát xê quá cao'

Người thầy đầu tiên của Hoàng Thùy tiết lộ cô đã trải qua quãng thời gian không nhà thiết kế nào dám mời sau khi trở về từ New York.

- Việc để các chân dài đi "tiếp khách" đại gia không phải là chuyện hiếm. Là người đào tạo mẫu lâu năm, chị nghĩ gì về điều này?

Xuân Lan không chỉ đào tạo các em kỹ năng thật giỏi với sàn diễn, với những bộ sưu tập, với việc chụp hình mà đính kèm theo đó còn là đạo đức người mẫu. Tuyên ngôn của tôi là: "Khi các em tôn trọng nghề nghiệp của mình, nghề nghiệp sẽ tôn trọng các em". Từ khi mới làm nghề, tôi đã cam kết với bố mẹ là không bao giờ để gia đình phải mang tiếng. Tôi hiểu một điều là tiếng dữ đồn xa. Cũng vì điều đó nên bây giờ khi tập trung vào việc đào tạo người mẫu nhí tại trường riêng, cô giáo Lala rất được phụ huynh yên tâm về sự chuyên nghiệp.

- Vậy theo chị góc tối của nghề người mẫu là gì?

Người mẫu cũng có nhiều phân khúc khác nhau. Người mới vào nghề thì thu nhập khoảng 800 nghìn-1 triệu đồng, người mẫu tầm trung là 2-3 triệu đồng còn người mẫu hạng A được trả 200-500 USD cho một show. Những bạn mới vào nghề rất vất vả, phải thuê nhà ở, dùng số tiền ít ỏi đó để chi trả tiền xe cộ, ăn uống, chi phí sinh hoạt. Giày gãy không dám mua mới, son phấn phải đi nhờ chuyên gia trang điểm, thậm chí không dám ra đường nếu không có tiền. Đó là góc tối theo cách Xuân Lan nghĩ.

Tuy nhiên cũng như công nhân viên chức, người mẫu cũng là một nghề để mưu sinh. Khi bạn phấn đấu, có thành tích, có phong cách riêng thì nhiều nhà thiết kế, nhãn hàng sẽ để ý đến bạn, lúc đó cát xê tăng cao và bạn cũng sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Người mẫu từng tăng cát xê ngoạn mục nhất mà Xuân Lan thấy là Hoàng Thùy. Thùy từng tự bỏ tiền, một mình qua New York, London kiếm show và xây dựng thương hiệu. Khi về Việt Nam, Thùy luôn đề đạt một mức cát xê mà mình mong muốn, nếu nhà thiết kế đồng ý mức giá đó thì cô mới diễn. Trong một thời gian dài, Hoàng Thùy chấp nhận không có một nhãn nào dám mời, mất show để bảo vệ giá trị mà mình đã xây dựng. Đến khi một thương hiệu quyết định mời Thùy diễn cho Vietnam Designer Fashion Week 2016, lúc đó Thùy mang đến hiệu ứng quá tốt cho bộ sưu tập thì các nhà thiết kế khác sau đó mới chấp nhận bỏ đúng số tiền đó để mời Hoàng Thùy. Sau phát pháo đầu tiên này, đến nay cũng đã có nhiều bạn người mẫu khác bảo vệ được giá trị của mình như vậy.

Xuân Lan và học trò Hoàng Thuỳ

- Chị nghĩ gì về ý kiến người mẫu ra nước ngoài thực chất là để "đánh bóng tên tuổi" giúp về Việt Nam dễ nâng giá hơn?

Một show ở nước ngoài có thù lao rất tốt so với show ở Việt Nam. Trừ hết chi phí đi lại, ăn uống vẫn dư tiền rủng rỉnh. Nếu không lời thì các bạn sẽ không đi đâu vì các bạn mẫu Việt không dư tiền để đánh bóng tên tuổi. Ví dụ như Thùy Trang trước khi sang nước ngoài sẽ book sẵn vé máy bay giá rẻ, tính toán kỹ đi từ ngày nào đến ngày nào để đặt phòng, chia tiền với các bạn người mẫu đến từ các nước khác. Trong nhà chung đó thì mọi người cũng tự mua đồ nấu ăn cho rẻ. Đổi lại, Trang được làm người mẫu cho Lancome, Chanel, chụp hình cho Alexander McQueen, diễn cho Louis Vuitton.. Dù không được tiết lộ thu nhập vì sẽ bị phạt hợp đồng nhưng chắc chắn các bạn không bao giờ lỗ, đủ chi phí để sống ở đây và bắt đầu cho chuyến đi tiếp theo.

- Chị nghĩ gì về ý kiến người mẫu thì vất vả hơn các hoa hậu vì khó kiếm đại gia?

Ngay từ ban đầu, tiêu chí lựa chọn của người mẫu và hoa hậu đã khác hẳn nhau. Người mẫu thì phải ấn tượng, khung xương, cấu tạo cơ thể đẹp. Họ khác với những cô gái hoa hậu phải cười thật xinh, mắt thật trong, số đo ba vòng hoàn hảo, đẹp từ nhân cách đến hình thể. Mà con gái đẹp thì đương nhiên, đàn ông sẽ thích. Người mẫu hầu hết đều cá tính, không sợ xấu, không có ngọt ngào, nhẹ nhàng được.

Thực ra đại gia hay không thì cũng là những người đàn ông. Quan trọng là các bạn tiếp cận những người đàn ông theo cách nào, giữ mối quan hệ thế nào. Có những người mẫu lấy chồng còn đại gia hơn cả hoa hậu mà mọi người không để ý.

- Nhiều năm trong nghề, chị nhận xét thế nào về sự cạnh tranh ngôi vị giữa các người mẫu?

Sự nghiệp của mỗi người mẫu là một quá trình phấn đấu. Nếu giỏi thì được nhãn hàng mời nhiều, rồi từ hạng B lên hạng A, rồi nếu có thêm danh hiệu thì lên vedette. Thật ra những cô gái cá tính thì luôn muốn khẳng định mình, và khi cá tính gặp cá tính thì khó hợp nhau. Vì các bạn còn trẻ, chứ đến lúc như tôi nhìn lại thì sẽ thấy mình nông nổi, trẻ con. Ngày xưa tôi cũng chặt chém, đấu là đấu, nhưng đó là tuổi trẻ. Người mẫu ứng xử như hoa hậu thì khó lắm.

- Xuân Lan vốn nổi tiếng dạy học trò nghiêm khắc. Chị làm thế nào để có thể dạy các mẫu nhí với sự khó tính đó?

Chương trình truyền hình thực tế bị cắt ghép nhiều nên không thể hiện hết được. Như ở Vietnam's Next Top Model, tôi bị đặt áp lực phải lột xác các bạn "from hero to zero" trong 3 tháng. Tôi phải thay đổi ý chí của các bạn, phá dáng đi rất nhiều năm trước để dạy dáng mới, trong khi mỗi ngày chỉ được tập có vài tiếng. Chúng tôi phải mang đến câu chuyện cho hàng triệu khán giả xem truyền hình phải tâm phục khẩu phục, nể mình đào tạo có chất lượng, thế nên mới phải "ác", phải bắt ép".

Nhưng thực ra phía sau đó thì tôi cũng dạy các bạn chẳng khác gì dạy trẻ con. Các bạn xỉu tôi mua đồ ăn, ngày nào cũng lỉnh kỉnh bao nhiêu túi trái cây, gỏi cuốn, bún mắm... vào nhà chung. Các bạn buồn, khóc thì mình chạy lên xem...

Xuân Lan cùng con gái trên sàn diễn Vietnam Junior Fashion Week

Với việc dạy mẫu nhí, tôi không chỉ dạy các con cách catwalk, chụp hình, diễn xuất trước ống kính, mà còn dạy cả phân tích, xử lý tình huống một cách văn minh. Tôi dạy các học trò như dạy con, khi nói chuyện, phản ứng với bạn bè phải bình tĩnh, không nên tranh giành, ghen tỵ với nhau, lớn phải nhường bé. Cũng vì thế nên các học trò mẫu nhí rất sớm có ý thức bảo vệ bản thân. Thậm chí khi mặc đầm màu trắng thì các em cũng biết không mặc quần trong có màu, họa tiết...

Với lớp mẫu teen thì dạy còn khó hơn. Các em còn cần được học về tâm sinh lý, cách giao tiếp với bạn khác giới, cách khắc phục nỗi mắc cỡ với sự thay đổi của cơ thể, cách chăm sóc bản thân mình... Những điều đó, rất khó để nói với bố mẹ. Cũng vì thế mà 100% học trò đều thương tôi hết.

Để tạo điều kiện cho các học trò, tôi đã tổ chức Vietnam Junior Fashion Week (Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam) để các con có cơ hội trau dồi sự tự tin. Ngày 7-8/4 tới sẽ là lần thứ năm chương trình được tổ chức, và là lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội. Tôi thấy các show thời trang cho thiếu nhi đang khiến các con bị cuốn vào vòng xoáy chạy show, già trước tuổi. Vì thế, show diễn lần này sẽ "thuần thiên nhiên", cho các con được trình diễn đúng phong cách ngây thơ của trẻ nhỏ.

Trang Shaelyn
Theo VnExpress iOne

Từ khóa: