Sự kiện hot
7 năm trước

The Face 2017: Thí sinh quá yếu, nội dung ngày càng nhạt

Trải qua 2/3 chặng đường, Gương mặt thương hiệu 2017 đang lâm vào tình trạng khủng hoảng về mọi mặt, từ chất lượng thí sinh đến nội dung chương trình.

Thời điểm này năm 2016, Gương mặt thương hiệu là từ khoá hot nhất mạng xã hội. Dù không đạt chất lượng như mong muốn, nhưng mùa một vẫn đảm bảo được tính giải trí mà chương đưa ra.

Sức nóng từ ba huấn luyện viên (HLV) Hồ Ngọc Hà, Lan Khuê và Phạm Hương cùng dàn thí sinh như Mai Ngô, Lilly Nguyễn, Phí Phương Anh đã cộng hưởng lại với nhau, giúp Gương mặt thương hiệu dễ dàng đánh bật Vietnam's Next Top Model đang đuối sức.

Nhưng sau tập 7 vừa phát sóng gần đây và nhiều tập kém sức hút trước đó, sự chịu đựng của khán giả đã đến giới hạn vì mức độ "sến", "nhạt" ngày càng gia tăng trong chương trình.

Nhìn lại mùa một

Với nhiệm vụ tìm ra gương mặt thương hiệu, thí sinh khi tham gia chương trình phải đáp ứng được tiêu chí của người mẫu và nhãn hàng. Do đó, ngay từ khi công bố dàn thí sinh, The Face phiên bản Việt Nam đã nhận về nhiều tranh cãi.

Đa phần những bình luận tiêu cực cho rằng nhà sản xuất chỉ tuyển chọn những cô gái có ngoại hình hot girl, gương mặt xinh đẹp mà thiếu đi yếu tố thời trang. Năm 2016, Lilly Nguyễn và Mai Ngô là hai thí sinh nổi bật nhất.

Qua vài tập thi, nhiều thí sinh của mùa một đã nhanh chóng trở thành những tên tuổi có sức hút trên truyền thông. An Nguy dù bị loại trong tập năm nhưng sự xuất hiện của cô trong các tập đầu luôn tạo ra những ý kiến trái chiều.

Mai Ngô ngoài việc sở hữu tài năng không thể phủ nhận, còn góp vào phần lớn yếu tố kịch tính cho chương trình. Khoảnh khắc cô "không có chân mày" bị xuất hiện trên sóng truyền hình hay những phát ngôn ấn tượng đều được cộng đồng mạng lan truyền, làm ý tưởng chế ảnh suốt thời gian dài.

Khủng hoảng thí sinh

Mọi nỗ lực nhằm tạo sức hút cho dàn thí sinh của Gương mặt thương hiệu mùa hai đã thất bại. Lúc này, Tú Hảo, Thiên Nga và Mỹ Nhân là ba thí sinh được khán giả nhớ đến nhiều nhất, nhưng chủ yếu nhờ nỗ lực của nhà sản xuất thông qua việc quảng bá, cắt dựng nhằm tạo câu chuyện cho chương trình.

Từng được ba HLV thi nhau tranh giành ở tập đầu tiên, Tú Hảo được đánh giá quá cao so với năng lực thực sự của cô. Khán giả xem chương trình chỉ có cảm giác cô sẽ "không thể bị loại" vì nhà sản xuất muốn giữ lại, hơn là một chiến binh "tắc kè hoa" của Lan Khuê.

Từ trái qua phải: Mỹ Nhân (đã bị lọai), Thiên Nga và Tú Hảo - ba thí sinh tiềm năng mùa hai Gương mặt thương hiệu.

Còn Thiên Nga, một thí sinh được nhà sản xuất cố tình gán ghép là đối thủ đáng gờm của Tú Hảo ngày càng chứng tỏ mình đã nhầm vai. Khả năng catwalk của cô khá tệ, nếu không muốn nói là khó làm người mẫu.

Cô thường xuyên có những phát ngôn, biểu cảm mang tinh thần của Mai Ngô để tạo hình tượng gai góc, quyết liệt nhưng kết quả thì ngược lại. Người xem chỉ thấy một thí sinh có năng lực hạn chế mà không biết khiêm tốn, trau dồi bản thân.

Ở đội Hoàng Thuỳ và Minh Tú, màn thể hiện của những thí sinh như Ánh Quỳnh, Phương Chi, Phan Ngân đều trôi qua nhạt nhoà qua các tập, khiến khán giả có cảm giác họ tham gia chương trình để lấp đầy đội hình thay vì đi thi với tâm thế giành chiến thắng.

Nhạt dần đều

Sau mỗi tập, sức hấp dẫn của Gương mặt thương hiệu lại rơi một bậc và chính thức chạm đáy vào tập 7. Không còn những thử thách mang tính chuyên môn, không còn những concept quảng cáo, 60 phút phát sóng của chương trình trôi qua lê thê, nhàm chán bằng những cuộc thi chiếu lệ, thiếu hấp dẫn.

Sau khi gây sốc bởi màn cãi nhau giữa Minh Tú và Lan Khuê trong tập ba, nhà sản xuất đột ngột chuyển sang tinh thần nhân văn, đánh vào tâm lý dễ xúc động công chúng. Trong tập 7, thử thách "Sefie cùng phụ huynh" bị cho là rườm rà, cố ép nước mắt của người xem.

Thử thách đầy nước mắt của chương trình khiến khán giả ngán ngẩm. Ảnh: NSX.

Truyền hình thực tế, xét cho cùng vẫn là một sản phẩm xu hướng. Nó phản ánh kiến thức, nhu cầu của người xem theo từng giai đoạn. Qua thời gian, họ dần cảnh giác hơn với những chiêu trò trên màn ảnh nhỏ.

Gương mặt thương hiệu khởi đầu mùa hai trong sự loay hoay, thiếu quyết đoán của nhà sản xuất. Nửa đầu chương trình được khai thác tối đa những kịch tính. Nửa sau, để tạo ra sự khác biệt với một Vietnam's Next Top Model quá dữ dội, nhà sản xuất lại quyết định đi theo hướng an toàn hơn.

Từ bị chỉ trích, được bàn tán cho đến không có gì để nói, Gương mặt thương hiệu bắt đầu rơi vào điểm bão hoà. Khả năng đọc ca dao, tục ngữ của Hoàng Thuỳ hay sự đối đầu ra mặt giữa Minh Tú và Lan Khuê đã trở nên quá cũ để thuyết phục người xem ngồi lại theo dõi chương trình.

Theo Zing

Từ khóa: