Nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ từ lâu đã nổi danh với vẻ đẹp cổ kính. Sự ra đời, những đồ vật cổ trong ngôi nhà và hơn cả là một nếp văn hóa truyền thống vẫn được con cháu hậu duệ của người gây dựng ngôi nhà gìn giữ và phát huy.
Nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ từ lâu đã nổi danh với vẻ đẹp cổ kính. Sự ra đời, những đồ vật cổ trong ngôi nhà và hơn cả là một nếp văn hóa truyền thống vẫn được con cháu hậu duệ của người gây dựng ngôi nhà gìn giữ và phát huy.
Nhà cổ Bình Thuỷ nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thuỷ, quận Bình Thuỷ, Cần Thơ. Đây là một trong các ngôi nhà kiểu Pháp hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn ở Nam Bộ.
Được xây dựng vào năm 1807, ngôi nhà như nổi bật hơn trong ánh sáng mặt trời với lối kiến trúc kiểu Pháp tinh tế. Bên ngoài căn nhà là bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã cùng với trần cao, trang trí hoa văn hài hoà, mở nhiều cửa lớn nhỏ như tôn thêm vẻ quí phái cho ngôi nhà cổ. Điểm xuyết thêm vào vẻ đẹp đó là các phù điêu đắp nổi được trang trí bên ngoài mặt tiền. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp sang trọng của một căn nhà lúc giao thời giữa hai thế kỉ.
Ngôi nhà đã được Bộ VH, TT& DL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào đầu năm 2009. Toàn bộ tư dinh bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan, sân gạch tàu, năm gian nhà xây trát bằng keo ô dước, hai mái lợp ngói Phúc Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Lân Quy Phụng dạng Tứ quý, cột kèo gỗ lim đen bóng hai vòng ôm chưa giáp, được gắn kết khít khao bởi kỹ thuật mộng ngàm.
Ngôi nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa. Cùng với gạch lát nền hình hoa hồng đỏ đen được chủ nhân kỳ công đặt và vận chuyển từ Pháp sang, ngôi nhà mang dáng dấp kiểu Pháp với nền nhà cao hơn so với mặt sân một mét hiện ra vừa sang trọng, vừa có vẻ đẹp lạ lẫm. Tòa nhà có bốn lối dẫn lên nhà chính. Hai lối từ bên hông nhà lên thẳng hai gian ngoài cùng; hai lối còn lại kiểu Gotique với bốn bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối với khoảng sân rộng dẫn vào gian giữa. Mặt đứng từ đường có năm gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art Nouveau (một loại hình nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình vòng cung), cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho.
Kế đến phải kể đến những món đồ cổ quý hiềm được lưu giữ trong ngôi nhà (dù đã bị thất thoát khá nhiều). Đó là hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc), mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dày hơn 6cm; bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis XV mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh. Bộ bàn tiếp khách bằng gỗ lim với chi tiết rồng phụng được chạm, khắc điêu luyện. Chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18; cặp đèn treo thế kỷ 19... Gia tộc này cũng còn lưu giữ rất nhiều bình, chén, đĩa, cổ nhất phải kể đến cái chén Tuyên Đức Niên Phụng từ đời Minh có niên đại 572 năm, một độc bình Thành Hóa Niên Chế với ngót… 533 tuổi. Rồi một độc bình men lam khác rất độc đáo với những họa tiết phỏng theo điển tích “Tam cố thảo lư” – Lưu Bị ba lần đến lều tranh rước Khổng Minh. Rồi một chiếc lư đồng có ba chân vạc và hai đầu nghê rất khó đoán niên đại. Có điều dưới đáy lư có một dấu triện 6 nét thuộc loại “cực cổ”. Ngay cả bộ trường kỷ để ngay trước án thờ vốn là kỷ vật của ông Dương Chấn Kỷ cũng là món đồ cổ vô giá. Để có bộ ghế bằng gỗ lim này một nghệ nhân người miền Nam đã phải chạm các chi tiết rồng phụng chính xác đến từng milimet một. Bộ ghế lớn là vậy, nặng là vậy nhưng chân ghế chỉ nhỏ bằng cổ tay em bé. Riêng thợ cẩn xà cừ lại là một nghệ nhân miền Bắc nổi danh thời đó đảm trách. Trải qua hơn trăm năm nay nhưng những vẩy xà cừ cứ óng ánh ngũ sắc rực rỡ. Di vật của ông Dương Chấn Kỷ- người xây dựng ngôi nhà còn để lại là một bức ảnh truyền thần hiện được treo trang trọng ở sảnh giữa gian nhà. Điểm độc đáo ở chỗ, bức truyền thần này được đúc bằng sành tráng men với những chi tiết thật như ảnh chụp bây giờ.
Theo PLXH